Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược vẫn còn hạn chế
Cập nhật: 18/09/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Ông Nguyễn Trọng Hòa kiến nghị tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ cấp chiến lược, trước mắt tập trung bồi dưỡng đối với Ủy viên Trung ương khóa XIII, mở rộng đối tượng là cán bộ cấp trưởng, cấp phó các bộ, ban ngành, đoàn thể ở Trung ương...
Sáng 12/9, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên Internet trong giai đoạn hiện nay” dưới sự chủ trì của Ủy viên dự khuyết Trung ương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình.
Nói về nội dung của tọa đàm, ông Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, đây là yêu cầu cấp thiết được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đó là, “đổi mới căn bản nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”. Thông qua cuộc tọa đàm, nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị nói chung cũng như bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên Internet nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, có thêm những luận cứ khoa học để triển khai “Đề án thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet” trong thời gian tới.
Tại cuộc tọa đàm, với hơn 20 tham luận của các địa phương, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có cả những tham luận của các giảng viên trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị, đã phân tích, làm rõ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quanh chủ đề, đánh giá tình hình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đối tượng 1, 2, 3, 4 theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/2/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…
Tham luận tại tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Hòa (Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương) đánh giá cao chủ đề của cuộc tọa đàm, bởi xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng là công tác được đặt lên vị trí hàng đầu và là công việc rất nặng nề.
Ông Hòa cho biết, theo Quy định 164 năm 2013 của Bộ Chính trị, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị phải được bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Quy định này, công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ diện Trung ương quản lý, tuy đã được chú trọng đẩy mạnh và có sự đổi mới qua từng nhiệm kỳ, từng lớp học, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ đối tượng 1 (gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam), đối tượng 2 (gồm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) theo Quy định 164 vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc bất cập.
Số lượng cán bộ đối tượng 1, đối tượng 2 được bồi dưỡng cập nhật kiến thức chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở các Ủy viên Trung ương và quy hoạch Ủy viên Trung ương. Chưa chú trọng việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với cán bộ cấp chiến lược không phải là Ủy viên Trung ương và quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, như cán bộ quy hoạch chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội ở trung ương; quy hoạch chức danh bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Nguyễn Trọng Hòa kiến nghị tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ cấp chiến lược, trước mắt tập trung bồi dưỡng đối với Ủy viên Trung ương khóa XIII, mở rộng đối tượng là cán bộ cấp trưởng, cấp phó các bộ, ban ngành, đoàn thể ở Trung ương; chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương mà không phải là Ủy viên Trung ương.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ cấp chiến lược; đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các Ủy viên Trung ương, gồm 154 người; Tổ chức 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, với tổng số 511 học viên, trong đó cán bộ từ các bộ, ngành trung ương là 280 người, từ địa phương là 231 người. Trong số 511 học viên, có 94 người trúng cử Ủy viên Trung ương, 20 người trúng cử ủy viên dự khuyết.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã tổ chức được 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các Ủy viên Trung ương khóa XII, với tổng số 181 người; 1 lớp cập nhật kiến thức dành cho các ủy viên dự khuyết Trung ương khóa XII với tổng số 20 người; tổ chức 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII với tổng số 222 người.
Hiện Ban Tổ chức Trung ương đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với các Ủy viên Trung ương khóa XIII và đội ngũ cán bộ diện Trung ương quản lý.
Ông Trận Hậu Tân (Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet là tất yếu trong xu thể phát triển chung của thời đại và yêu cầu chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục đào tạo; sẽ thay đổi tư duy và tổ chức thực hiện, góp phần khắc phục được những hạn chế của hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng truyền thống, nâng cao hiệu quả tổ chức học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, theo ông Tân, việc phổ biến, bồi dưỡng cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ đảng viên cũng gặp phải khó khăn: giảng viên học viên tuổi cao, lúng túng trong cập nhật phần mềm giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học... Vì thế cần có đội ngũ giảng viên thành thạo về CNTT để có thể xây dựng được các bài giảng trực tuyến rõ ràng về chủ đề, trình bày mạch lạc, có hệ thống và truyền cảm nội dung; phân tích rõ ràng, dễ hiểu các sự kiện, hiện tượng cụ thể có liên quan, cho phép mọi đối tượng có thể học tập mà không phân biệt đến tuổi tác.
Kết luận tọa đàm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, tiếp tục khẳng định tính cấp thiết, vai trò của việc triển khai thí điểm đề án bồi dưỡng cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên Internet; nhấn mạnh sau đề án được thông qua, trở thành một mảng công tác rất lớn với hơn 5 triệu đảng viên. Ông Bình cũng chỉ ra những thách thức, trong đó có 4 thách thức chính khi triển khai đề án, đó là: thay đổi tư duy người quản lý, người cung cấp, người thụ hưởng; lựa chọn nội dung, kiến thức để bồi dưỡng, cập nhật phải hấp dẫn; ngoài các đối tượng trong diện được bồi dưỡng, cập nhật cần tính đến cả quần chúng nhân dân; đặc biệt cần quan tâm vấn đề bảo mật, lộ lọt thông tin…
Ông Lê Hải Bình cũng đánh giá cao các tham luận tại tọa đàm không chỉ nêu ra vấn đề mà còn đưa ra gợi ý giải pháp của chính các giảng viên, chuyên gia trong quá trình làm việc, đồng thời có cả thực tiễn từ trung ương đến địa phương. “Tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà thực tiễn đã cho thấy chúng ta thí điểm đề án không phải bắt đầu từ số 0, mà qua 2 năm giảng dạy online do dịch bệnh cũng chính là thực tiễn”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh./.
Từ khóa: bồi dưỡng cập nhận kiến thức lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ diện Trung ương quản lý, “Đề án thi điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet”
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN