Bộ Tư lệnh không gian - Dấu ấn quan trọng của Tổng thống Donald Trump?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN- Ngày 29/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố ra mắt Bộ Tư lệnh không gian (SpaceCom) thuộc Lầu Năm Góc, với nhiệm vụ chiến tranh không gian.

Ông chủ Nhà Trắng cho biết: “Đây là một ngày đáng nhớ, là ngày công nhận không gian là trung tâm trong quốc phòng và an ninh của nước Mỹ. SpaceCom sẽ đảm bảo rằng ưu thế của Mỹ trong không gian sẽ không bao giờ bị đe dọa”.

Từ luật hóa…

Theo giới quan sát, Ngân sách quốc phòng Mỹ trong mấy năm vừa qua cho thấy sự định hình chính sách làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng dưới thời Tổng thống Donald Trump ngày càng rõ nét hơn. Cùng với sự gia tăng về tỷ lệ % trong GDP, cơ cấu Ngân sách quốc phòng cũng thay đổi đáng kể.

bo tu lenh khong gian - dau an quan trong cua tong thong donald trump? hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper (từ trái sang) tại lễ ra mắt SpaceCom ở Washington DC., ngày 29/8/2019. Ảnh: AFP.

Trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2019 (1/10/2018-30/9/2019), Ngân sách quốc phòng Mỹ đã tăng lên con số cao nhất so với 10 năm trước đó (716 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2018). Trong Dự luật Ngân sách quốc phòng 2020, công bố hồi tháng 3 năm nay con số này còn tăng thêm 5% so với năm 2019, đạt mức cao kỷ lục 750 tỷ USD (hơn Nga gần 700 tỷ USD).

Điều đáng nói là trong gói Ngân sách quốc phòng khổng lồ nêu trên đã và đang chi cho việc nâng cao sức mạnh quân sự của Washington. Trong đó có việc “thống trị không gian vũ trụ”. Đây có thể là bước khởi đầu kích thích cuộc chạy đua vũ trang hiện đại toàn diện, đặc biệt là không gian vũ trụ.

Theo NDAA “Quân chủng Vũ trụ” sẽ ra đời và trở thành quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ, ngang hàng với 5 quân chủng đã có (Lục quân, Thủy quân lục chiến, Hải quân, Không quân và Vệ binh Quốc gia). Phát biểu tại lễ ký kết ở căn cứ Fort Drum ở New York, Tổng thống Donald Trump đánh giá NDAA là “thương vụ đầu tư quan trọng nhất” đối với quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại.

Ông D. Trump nói: “Các đối thủ của chúng ta đã bắt đầu quân sự hóa vũ trụ, điển hình là Trung Quốc với việc thành lập đơn vị giám sát hoạt động tác chiến không gian. Sự hiện diện đơn thuần của Mỹ là không đủ, chúng ta phải giành quyền kiểm soát vũ trụ. Việc thành lập quân chủng vũ trụ sẽ giúp Mỹ đuổi kịp và bỏ xa họ trong thời gian rất ngắn”.

Phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng Không gian quốc gia, Tổng thống Trump nói: “Mỹ phải thống trị không gian. Chúng ta đang có Lực lượng không quân và chúng ta sẽ có Lực lượng không gian. Đây sẽ là một lực lượng riêng biệt và có cơ chế ngang bằng”.

Đến hiện thực hóa…

Ngày 29/8 vừa qua, trong lễ ra mắt SpaceCom Tổng thống D. Trump cũng đồng thời công bố bổ nhiệm Tướng không quân John Raymond là người đứng đầu bộ chỉ huy mới này. SpaceCom sẽ đưa không gian (chủ yếu gồm các vệ tinh và máy bay tầm cao dùng trong chiến tranh hiện đại) thành một mối đe dọa trọng tâm trong thời chiến.

SpaceCom có vị thế tương đương Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) phụ trách Trung Đông và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM, nay đổi tên thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương) phụ trách phòng thủ tại Tây Thái Bình Dương và châu Á.

Trước đó, Không quân Mỹ cũng được giao nhiệm vụ thuộc các chiến dịch dành cho chiến tranh không gian. Nay nhiệm vụ này thuộc SpaceCom sẽ nâng tầm quan trọng của chiến dịch cũng như các hệ thống chuyên biệt, được huấn luyện để đối đầu trong không gian vũ trụ.

Tổng thống Mỹ nói: “Các đối thủ của chúng ta đang vũ trang quỹ đạo Trái Đất bằng công nghệ mới nhằm vào các vệ tinh của Mỹ, vốn có tầm quan trọng đặc biệt cả trong các chiến dịch quân sự cũng như trong đời sống”. Theo ông, SpaceCom cũng “đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và phá hủy bất cứ tên lửa nào nhằm vào nước Mỹ”.

SpaceCom là bộ chỉ huy thứ 11 của Lầu Năm Góc và là bộ chỉ huy thứ hai được khởi động trong hai năm dưới thời Donald Trump. Năm 2018, Lầu Năm Góc cũng đã đưa các chiến dịch chiến tranh mạng vào Bộ Chỉ huy mạng (CyberCom).

Được biết, hồi tháng 6/2018, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập một lực lượng không gian lớn hơn nhiều, gọi là “lực lượng vũ trụ” nhưng ý tưởng này đã không được Quốc hội Mỹ thông qua.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng không gian quốc gia tại Chantilly, bang Virginia, Tướng Dunford nói rằng, Phó Tổng thống Mike Pence, người chủ trì buổi lễ cho biết, ngay sau buổi lễ, Lầu Năm Góc sẽ chuyển giao 87 đơn vị cho SpaceCom dưới sự chỉ huy của Tướng John Raymond, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử và được Quốc hội phê chuẩn là người đứng đầu SpaceCom. Theo Tướng Dunford, năng lực của SpaceCom sẽ bao gồm cả hoạt động cảnh báo tên lửa và vệ tinh.

Và những phản ứng khác nhau

Được biết, trước đây ý tưởng về việc thành lập một lực lượng không gian từng được các chính quyền tiền nhiệm nhắc tới nhiều lần nhưng vướng phải không ít ý kiến trái trái chiều. Trong khi nhiều người ủng hộ cho rằng sự ra đời của quân chủng mới này sẽ làm cho Lầu Năm Góc hoạt động hiệu quả, đa dạng hơn, một số quan chức quân sự cấp cao khác lại chỉ trích ý tưởng trên sẽ làm cho “quân đội Mỹ đi nhầm hướng”.

Tư lệnh Không quân Mỹ, tướng David Goldfein nhận định: “Đây là một việc làm có phần thừa thãi bởi bản thân lực lượng không quân hiện tại đang đảm nhận nhiệm vụ giám sát các hoạt động quân sự liên quan tới vũ trụ”. Nhưng nay Tổng thống D.Trump đã hạ lệnh bắt tay ngay vào việc thành lập quân chủng thứ 6 này để kịp “ngăn chặn các nước lớn khác triển khai vũ khí trên không gian vũ trụ”.

Trong khi ông Steve Kitay, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách vũ trụ cho biết, đề xuất này có thể được đưa vào cuộc thảo luận ngân sách quốc phòng năm tới của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông Steve Kitay cho biết: “ở Nga và Trung Quốc có sự nhận thức rằng, không gian đại diện cho gót chân Achilles của Mỹ và đó là lợi thế cho họ để cạnh tranh quyền lực với Mỹ”. Tuy nhiên, theo ông thì không phải vậy.

Như vậy, với những thay đổi quan trọng trong tư duy chiến lược về vị thế của quân đội Mỹ, nên việc tăng quy mô lực lượng, chất lượng và cơ cấu quân đội Mỹ, trên cơ sở luật hóa và hiện thực hóa những ý tưởng cho thấy, ông Donald Trump kiên định chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết”, “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” và nước Mỹ tiếp tục lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự.

Vì thế, việc công bố sự ra đời của SpaceCom có thể trở thành một trong những dấu ấn quan trọng đặc biệt trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump./.

Từ khóa: Bộ tư lệnh không gian, SpaceCom, dấu ấn quan trọng của Trump, quân sự không gian

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập