Bộ trưởng TN-MT: “Người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất“
Cập nhật: 28/05/2020
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (03/12/2024)
Nghệ thuật múa Ballet gắn kết tình hữu nghị Việt Nam - Cuba (2/12/2024)
VOV.VN - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai.
Cuối giờ chiều 27/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ thông tin người nước ngoài được tiếp cận và được cấp quyền sử dụng đất tại một số khu vực đất đai ở Việt Nam.
Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà |
PV: Thưa Bộ trưởng, báo cáo trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Quốc phòng có nêu việc người nước ngoài lách luật sở hữu đất ở một số khu vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng. Là người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý về lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng có nhận định gì?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đây là thông tin mà dư luận rất quan tâm. Ở góc độ quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, tôi cũng hết sức chú ý đến vấn đề này.
Ở góc độ pháp luật, tôi khẳng định cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai tại Việt Nam. Theo quy định của Luật đất đai, người nước ngoài không được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài tại Việt Nam. Luật chỉ quy định đối với các pháp nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với trường hợp góp vốn, cổ phần thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng cổ phần, góp vốn theo pháp luật về đầu tư. Ví dụ như doanh nghiệp đại chúng niêm yết trên sàn thì nhà đầu tư mua được cổ phần.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận trong trường hợp này là cấp cho pháp nhân là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo pháp luật của Việt Nam chứ không cấp cho cá nhân nước ngoài. Trường hợp Bộ Quốc phòng nêu thuộc nhóm này. Như vậy là Luật Đất đai 2003, 2013 đều không quy định đối tượng cá nhân nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam và không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thời gian qua, chúng ta cũng đã chú ý đến vấn đề kết hợp giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng. Điều 58 của Luật Đất đai 2013, Điều 13 của Nghị định 43 quy định đối với những khu vực quy hoạch liên quan đến các vị trí chiến lược an ninh quốc phòng thì bất cứ dự án nào, từ khâu quy hoạch đến khi cấp giấy chứng nhận, đều phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao.
Sau khi Luật Đất đai 2013 được ban hành, Bộ Tài nguyên- Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên cả nước, đặc biệt là các vị trí tiền tiêu, vị trí chiến lược như hải đảo, biên giới... Chúng tôi đã phát hiện rất nhiều trường hợp do Luật Đất đai 2003 chưa quy định về vấn đề an ninh quốc phòng nên chưa hỏi ý kiến về vấn đề cho thuê rừng.
Sau kiểm tra, rà soát, thực hiện ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương đã thực hiện nghiêm. Những trường hợp giao không đúng thì đã thu lại, hoặc chuyển sang cho doanh nghiệp Việt Nam.
PV: Báo cáo của Bộ Quốc phòng chỉ rõ báo cáo nêu rõ từ năm 2011- 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP.Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng. Bộ Tài nguyên- Môi trường đã kiểm tra, xác minh thông tin này chưa?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Riêng Đà Nẵng, báo cáo của Bộ Quốc phòng phản ánh việc trinh sát phát hiện không sai. Ngay từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn thành phố, đồng thời phát hiện có hiện tượng một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.
Nhưng khi kiểm tra thì thấy họ không vi phạm giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều cho pháp nhân- doanh nghiệp. Việc giao đất đó được thực hiện cho hai trường hợp. Thứ nhất là doanh nghiệp liên doanh; thứ hai là mua cổ phần và họ đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng phát hiện có những vi phạm, như giao cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở không thể kinh doanh. Trường hợp khác là vẫn thực hiện theo Luật Đất đai 2003, cụ thể là chưa hỏi ý kiến các cơ quan an ninh quốc phòng về việc doanh nghiệp hoạt động ở khu vực đó có liên quan đến an ninh quốc phòng hay không.
Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã cùng TP. Đà Nẵng làm việc với các Bộ liên quan như Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Quá trình rà soát, nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện cho họ hoạt động, và ngược lại, nếu không đủ điều kiện, có sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi, điều chỉnh hoặc phải chuyển giao lại cho Việt Nam.
Đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng, toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động không đúng đã được khắc phục. Đặc biệt, những dự án nhạy cảm đã được chuyển giao cho người Việt Nam.
Việc xử lý những vi phạm trên đến nay đã xong, Bộ TN&MT cũng đã có báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vấn đề này.
PV: Việc xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trên thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Luật đã quy định rất rõ, trách nhiệm này thuộc về cơ quan chuyên môn ở địa phương nên Bộ đã bàn giao cho Đà Nẵng xử lý. Thực tế đây chỉ là những vi phạm về trình tự, thủ tục. Một số vi phạm do áp dụng Luật Đất đai năm 2003, mà chỉ trong luật năm 2013, chúng ta mới đưa an ninh quốc phòng vào như một điều kiện rất quyết liệt.
PV: Như vậy, nếu xảy ra những sự việc tương tự như Đà Nẵng thì trách nhiệm là của địa phương, không phải của Bộ Tài nguyên - Môi trường, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Luật đã quy định rất chặt chẽ, nếu xảy ra sự việc tương tự thì trách nhiệm của địa phương, Bộ không cấp bất cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai cả.
PV: “Núp bóng” thường được thực hiện dưới những hình thức nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi không loại trừ có vấn đề “núp bóng” ở đây. Ví dụ “Núp bóng” là việc người nước ngoài lấy vợ, lấy chồng là người Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt pháp luật, chúng ta chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ/chồng là người Việt thôi và pháp luật cũng chỉ bảo vệ người đứng tên trên giấy chứng nhận. Còn người “núp bóng” không được bảo vệ!
Hay một người nước ngoài đưa vốn nhờ một người Việt Nam thành lập công ty. Nhưng công ty đó 100% vốn Việt Nam, không phải công ty nước ngoài, mọi quy định áp dụng theo luật Việt Nam. Chúng ta chỉ e ngại khi mối quan hệ được điều chỉnh bởi những luật về bảo hộ đầu tư hay những vấn đề khác, khi tương tác với họ, chúng ta không thể xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Nhiều trường hợp nếu đưa ra pháp luật quốc tế, nhiều khi người ta phán xét đất của Việt Nam thành đất của nước khác. Việc này cần thiết phải được tính toán và kiểm soát chặt chẽ.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết sắp tới cần làm gì để phòng ngừa câu chuyện “núp bóng”?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi xin khẳng định một lần nữa pháp luật không bảo vệ những người “núp bóng”, nhưng tôi cũng không loại trừ thực tế có hiện tượng này.Vì vậy, chúng ta phải tính toán để dự báo và có những quy định để kiểm soát vấn đề này.
Về phía Bộ Tài nguyên- Môi trường, với trách nhiệm của mình, Bộ đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Trong đó thực hiện thật tốt công tác quy hoạch, xác định vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấpquyền sử dụng đất. Điều này đòi hỏi có sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật khác: về đầu tư, nhà ở, hôn nhân gia đình. Chúng ta tạo ra các tiêu chí, điều kiện để kiểm soát được quyền tiếp cận đất đai kể cả đối với người Việt Nam cũng như người nước ngoài.
Hiện Luật Đất đai đang quy định khá chặt chẽ về việc không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Nhà ở, người nước ngoài khi đáp ứng đủ các điều kiện thì được mua nhà, mua căn hộ.
Luật Đầu tư sắp tới phải tính tới việc những khu vực được xác định là trọng yếu thì vẫn phải kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng. Đất đai phải được sử dụng để phát triển kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát triển kinh tế dựa trên mô hình phù hợp, tính toán cơ chế đặc thù, đảm bảo hoàn toàn yên tâm bởi các dự án đầu tư, nhà đầu tư, đặc biệt là tránh chuyện “núp bóng”.
Cơ quan chức năng phải tính toán để kiểm soát việc này. Nếu xảy ra vi phạm phải xử lý thật nghiêm. Người Việt Nam mua thì phải chứng minh được dòng vốn, dòng tiền, hay sẽ hạn chế quyền mua, không được mua nhiều đất ở những nơi trọng yếu và đất này không được quyền chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng thì pải có điều kiện…
PV: Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội năm 2018, ông có trả lời chưa nghe có người nước mua đất ở các vị trí nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng. Ý kiến này vừa qua được nhiều đại biểu dẫn lại, xin Bộ trưởng cho biết quan điểm?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi nói dựa trên số liệu. Cho đến giờ, tôi vẫn bảo lưu ý kiến: Tôi chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam! Bởi Luật Đất đai quy định như vậy. Nếu thấy có hiện tượng này thì báo cho tôi, tôi sẽ xử lý người cấp ngay vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.
Từ khóa: Người nước ngoài mua đất, Đà Nẵng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ tài nguyên môi trường, Luật đất đai
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN