Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Không sửa Luật Điện lực sẽ khó thu hút đầu tư
Cập nhật: 07/11/2024
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia
Tình cảm hữu nghị nồng ấm giữa Việt Nam - Brazil - Cộng hòa Dominicana
VOV.VN - Chiều 7/11, giải trình và làm rõ ý kiến của các ĐBQH về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nếu không kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi thì chắc chắn không có nhà đầu tư, từ đó, không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Điện lực đã ban hành 20 năm và đã sửa đổi 4 lần và đã giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Song lần này, Bộ trưởng nhấn mạnh "đòi hỏi phải sửa đổi một cách toàn diện". Dự thảo luật mới bao gồm 10 chương, 93 điều, giảm hơn so với dự thảo ban đầu là 37 điều.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chính sách mới về vấn đề năng lượng, với có 6 Nghị quyết của Đảng. Nhưng trên thực tế, nội dung này chưa kịp thời được thể chế hóa trong các quy định của luật, mà mới chỉ ban hành ở dạng Nghị định, thậm chí có những vấn đề là Thông tư.
Đề cập xu thế chung hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, với cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050 thì năng lượng tái tạo và những nguồn năng lượng mới sẽ phải phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo chưa có quy định một cách cụ thể trong luật hiện hành.
"Vấn đề năng lượng mới, trong đó có hydrogen, amoniac xanh, thậm chí là điện hạt nhân chưa có quy định cụ thể trong luật hiện hành. Bằng chứng là chúng ta đã công bố quy hoạch điện VIII từ hơn 1 năm qua, nhưng đến nay, không có một nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án. Bởi không có những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách, điều này là rất "gay". Trong khi đó, chỉ còn hơn 5 năm nữa, chúng ta phải tăng gấp 2 lần tổng công suất các nguồn điện. Hàng trăm năm nay, chúng ta chỉ có 80.000 mW, mà trong hơn 5 năm tới chúng ta phải đạt tổng công suất các nguồn điện lên tới 150.524 mW", Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình.
Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm từ nay đến năm 2030, ngành điện cần khoản đầu tư từ 14-16 tỷ USD, tương đương mức khoảng 320.000 - 350.000 tỷ đồng. Nhưng nếu không có cơ chế, chính sách thì không thể nào có nhà đầu tư và đây là một thách thức rất lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Điện lực (sửa đổi) cần sửa những cơ chế, chính sách bất cập; bổ sung những chính sách mới để phát triển những nguồn năng lượng mới, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, kể cả gió ngoài khơi, gió trên bờ, kể cả mặt trời áp mái và mặt trời tập trung hay phát triển những nguồn năng lượng mới như Hydrogen, Amoniac xanh, phát triển điện hạt nhân.
"Đến năm 2030, chúng ta cần phải gấp 2 lần công suất hiện nay, nhưng đến năm 2050, tức là còn 26 năm nữa, chúng ta phải gấp 5 lần công suất hiện nay. Khi các nguồn điện truyền thống không có dư địa để phát triển nữa, thủy điện đã hết, điện than không phát triển được, năng lượng mặt trời cũng có giờ và nếu phải tính cả đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện cũng không phải rẻ hơn và cứ cho là có cả lưu trữ điện thì chúng ta cũng không thể nào tăng gấp 7 lần công suất hiện nay bằng năng lượng tái tạo. Cho nên, điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có, nhưng để có trên thực tiễn thì ngay từ bây giờ trong luật chúng ta phải được đề cập. Có như vậy, thì sau 10 năm chúng ta mới có những dự án điện hạt nhân".
Cũng theo Bộ trưởng, những điều bổ sung mới của dự luật chủ yếu quy định về năng lượng mới, về phát triển thị trường điện cạnh tranh và quy định rõ thẩm quyền của cơ quan, quyết định chủ trương đầu tư với những dự án điện cấp bách, chủ trương để thu hồi các dự án điện chậm tiến độ. Bộ trưởng nhấn mạnh, dự án điện khác với các dự án công nghiệp khác vì luôn cũng phải đi trước một bước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề cấp tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo luật này. Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cho phát triển các nguồn và lưới điện. Đặc biệt là điện từ năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hay lưới điện truyền tải liên miền.
Trong hồ sơ dự án trình Quốc hội, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 242 về rà soát văn bản quy phạm pháp luật và Báo cáo 243 về đánh giá tác động chính sách. Theo đó, đã đối chiếu kỹ lưỡng các quy định của dự thảo luật với các luật chuyên ngành có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không chồng chéo, trùng lắp về nội dung. Đồng thời, đã rà soát, đối chiếu dự án luật với các điều ước quốc tế để tránh thiếu sót hoặc chưa bảo đảm tính tương thích.
Về 6 nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đã quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định và những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và một số nguồn điện nền như điện khí, điện hạt nhân, kể cả điện hydro xanh.
"Các đại biểu nói về tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn nhưng nếu không có cơ chế, chính sách thì không thể mở đến mức tối đa cho các địa phương. Nhu cầu của các địa phương là rất lớn, quy hoạch điện VIII không mở được vì luật của chúng ta vẫn bó. Nếu cho phép nâng điện nền một số nguồn linh hoạt, cho phép phát triển mạnh hệ thống lưu trữ thì đương nhiên khai thác được tiềm năng năng lượng tái tạo ở các địa phương, nhất là điện mặt trời và điện gió trên bờ...", ông Diên nói.
Giải trình thêm về nội dung được nhiều đại biểu quan tâm như điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng cho biết, hiện nay công nghệ chế tạo thiết bị xây dựng, lắp đặt đã được triển khai và thương mại hóa thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, sự phức tạp và rủi ro về công nghệ đã được kiểm nghiệm và minh chứng an toàn trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Nghị quyết 55 và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cũng đặt ra nhiệm vụ, giải pháp là phải thể chế hóa các nội dung để phát triển điện gió ngoài khơi.
Theo đó, để phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu phải giới hạn các tập đoàn Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước hoặc nếu như có doanh nghiệp nước ngoài tham gia thì phải có một quy định rất cụ thể là không cho phép chuyển nhượng, kể cả trong quá trình vận hành, bởi vì nó gắn với an ninh quốc gia, nó không đơn thuần chỉ là vấn đề năng lượng hay vấn đề kinh tế. Do vậy, không thể phát triển điện gió ngoài khơi một cách ồ ạt, không có lựa chọn, không có những quy định chặt chẽ.
Về vấn đề giá điện được nhiều ĐBQH cho ý kiến, Bộ trưởng Công Thương cho biết, có khung giá quy định theo Luật Giá và Luật Điện lực. Trong đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể làm như thế nào để ra được khung giá, dựa vào khung giá các bên đàm phán với nhau chứ không phải bên này "bắt chẹt" bên kia.
"Tại sao yêu cầu trong thời hạn 12 tháng mọi đàm phán giá điện phải xong, vì nếu không xong thì lại kiếm cớ để kéo dài, nếu kéo dài chúng ta sẽ thiếu điện. Cho nên, quy định rất rõ khung giá đã có, không thể nói không thị trường, không cạnh tranh, phải đàm phán, không đàm phán tôi thu hồi, dừng dự án. Khẳng định 6 nhóm chính sách cụ thể hóa này nếu được thông qua cơ bản giải quyết được những vấn đề thực tiễn hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Từ khóa: điện lực, luật điện lực, bộ công thương, bộ trưởng công thương, nguyễn hồng diên
Thể loại: Nội chính
Tác giả: lê hoàng/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN