Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Thúc đẩy nền ngoại giao hiện đại và toàn diện

Cập nhật: 23/01/2023

(VOV5) -Theo Bộ trưởng, ngành ngoại giao cần tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại ổn định, hòa bình và thuận lợi để phát triển, đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng.

Nhân dịp năm mới Xuân Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao đổi với báo chí về những thành tựu của ngành trong một năm đầy biến động 2022 và phương hướng trọng tâm của Ngoại giao Việt Nam năm 2023.

Trong năm 2022, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định ngành ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, kết quả của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất, triển khai kịp thời, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm với các giải pháp cụ thể nhằm đóng góp vào nỗ lực thực hiện tốt ba nhiệm vụ cơ bản là bảo đảm mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Thúc đẩy nền ngoại giao hiện đại và toàn diện - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: TTXVN

Về đối ngoại song phương, ngành Ngoại giao tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, trong đó có nhiều hoạt động mang tầm chiến lược và có ý nghĩa lịch sử, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022). Ngoài ra, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, đưa tổng số nước có quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam lên 4 nước; thiết lập quan hệ ngoại giao với quần đảo Cook, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại giao lên 190 nước.

Về đa phương, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ghi nhiều dấu ấn quan trọng với việc được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023 - 2025; trúng cử Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Về những phương hướng trọng tâm của ngoại giao Việt Nam trong năm 2023, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cần thúc đẩy nền ngoại giao hiện đại, toàn diện, trong đó tăng cường hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Theo Bộ trưởng, ngành ngoại giao cần tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại ổn định, hòa bình và thuận lợi để phát triển; đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương; tham gia tích cực vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiểu vùng Mekong, Liên hợp quốc; ứng xử chủ động, linh hoạt, hiệu quả với các sáng kiến về liên kết mới ở khu vực, phù hợp với lợi ích, an ninh quốc gia của đất nước.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Bùi Thanh Sơn, ngành ngoại giao, hội nhập quốc tế

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập