Bộ trưởng GD-ĐT: Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế vai trò của nhà giáo

Cập nhật: 4 ngày trước

VOV.VN - Sáng nay (18/11), tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, toàn thể các nhà giáo, cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên của ngành giáo dục và đào tạo hết sức phấn khởi được đón Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Chương trình Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là niềm động viên hết sức lớn lao với toàn ngành Giáo dục nói chung và với các nhà giáo nói riêng. 

Thay mặt ngành giáo dục, báo cáo tóm tắt về những đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, về đội ngũ các nhà giáo ở thời điểm hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là 10 triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCHTWĐ khóa 11, ngành GD-ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng như tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%.

Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông đứng thứ 53 trên thế giới. Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong Top 10 các quốc gia có thành tích các kỳ thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới.

Học sinh sau phổ thông của Việt Nam học tiếp tại các trường đại học nước ngoài thuận lợi và giành được sự đánh giá tốt của các trường đại học trên thế giới. Cả nước có 4 đại học có mặt trong top 1000 của bảng xếp quốc tế có uy tín QS. Một số ngành đào tạo có mặt trong nhóm 100 của châu Á.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Giáo dục và đào tạo của nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nếu so với mức đầu tư kinh phí cho đầu học sinh trên cả nước thì có thể nói đó là những kết quả rất kỳ diệu. Tuy nhiên, giáo dục nước ta còn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó: Giáo dục vừa giải quyết những vấn đề mang tính cơ bản, tối thiểu cho giáo dục (chẳng hạn việc kiên cố hóa trường học, có chỗ học cho học trò, việc đảm bảo đủ số lượng tối thiểu giáo viên, …) lại phải hội nhập với thế giới, phát triển giáo dục với yêu cầu cao của thời cách mạng công nghiệp mới. Đất nước đang trong thời kỳ chuyển đổi, giáo dục cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi sâu sắc, rất nhiều vấn đề mới phát sinh trong quá trình đổi mới cần tập trung giải quyết không thể một sớm một chiều.

“Nước ta thực hiện đổi mới mang tính cách mạng trong giáo dục, nhưng thực hiện trong bối cảnh tiềm lực kinh tế, tài chính, đầu tư còn rất hạn hẹp. Đó là thách thức của việc đảm bảo công bằng tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng trong sự chênh lệch giàu nghèo, với sự chênh lệch về điều kiện và cơ hội tiếp cận giáo dục, nhất là tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. Đó là thách thức của việc phát triển một cách công bằng giữa hai hệ thống giáo dục công và tư. Cần đảm bảo vai trò chủ đạo của nhà nước nhưng vẫn phát huy được vai trò giáo dục ngoài công lập...

Có rất nhiều thách thức khó có thể kể hết, nhưng có lẽ lớn nhất là thách thức từ bên trong, từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển. Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá. Để giáo dục vượt qua những thách thức đó, ngành Giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cần nỗ lực vô cùng lớn và sáng tạo không ngừng, giải pháp trúng, đúng thì mới có thể thực hiện được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế vai trò của nhà giáo

Về đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, thời điểm này, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, bao gồm cả hai khối công và tư, ở tất cả các cấp học, cả phổ thông, đại học và dạy nghề. Chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo đông đảo, hùng hậu, được chuẩn hóa và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như hiện nay. 

Trong số rất đông những người làm giáo dục, cũng có những trường hợp cá biệt, chỗ này, nơi kia chưa thực sự mẫu mực, còn vụ lợi, có những hành động lời nói ứng xử không phù hợp với nghề nghiệp khiến xã hội chưa hài lòng, hoặc chưa theo kịp sự đổi mới. Tuy nhiên, đó là số rất ít và cá biệt, cục bộ. Toàn thể lực lượng nhà giáo luôn theo Đảng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, say nghề, yêu nghề, yêu trò, luôn nỗ lực tu dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất, kỹ năng, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hết mình vì sự nghiệp trồng người, số không nhỏ hy sinh cả tuổi thanh xuân nơi những vùng xa xôi để đem con chữ tới cho trẻ em vùng khó khăn. Trong những thành tựu mà đất nước ta đạt được suốt hơn 40 năm qua của thời kỳ đổi mới, không thể không tính đến sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng nhà giáo, của tầng lớp trí thức.

Trao đổi với các nhà giáo có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, giáo dục và đào tạo nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn. Sứ mệnh được giao càng lớn, yêu cầu và kỳ vọng càng cao thì càng đòi hỏi giáo dục nước nhà đã đổi mới thì phải càng cần đổi mới nhanh hơn, chất lượng đã từng bước nâng cao thì càng cần nâng cao nhanh hơn.

Đất nước muốn phát triển nhanh để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất tốt, năng lực tốt, thể chất tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, các ngành đem lại vị thế, ưu thế cạnh tranh cho đất nước trên trường quốc tế. Đây là đòi hỏi lớn và khó đối với ngành giáo dục.

Giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, dữ liệu lớn, siêu máy tính, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới. Những nhân tố mới xuất hiện khiến cho nhiều người đặt câu hỏi và nghi ngờ sự tồn tại của giáo dục trường học và vai trò những người thầy trong tương lai. Chúng ta cần đối mặt với thách thức, không lảng tránh, không sợ hãi. Chúng ta đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục và bản lĩnh của người thầy để đón nhận những điểm lợi thế của thời đại, để tranh thủ lợi thế, để phát triển nhanh hơn.

“Trí tuệ nhân tạo không và không thể thay thế con người, vai trò nhà giáo không thể thay thế. Với trí tuệ nhân tạo và các phương tiện số mới, cần coi chúng là những công cụ sắc bén và hữu hiệu mới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Trước những thách thức mới của giáo dục, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong các nhà giáo trong kỷ nguyên mới, thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng nhà giáo phát triển, để từng nhà giáo giỏi hơn.

"Thách thức lớn càng lớn nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới. Những giá trị từ truyền thống như “học không biết chán, dạy không biết mỏi”, tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò. Đó là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại. Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo cần phải nắm chắc.

Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Từ khóa: giáo viên, giáo viên, Tổng Bí thư Tô Lâm, nhà giáo, ngày 20/11

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nguyễn trang/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập