Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để Luật Lao động chờ Nghị định
Cập nhật: 26/01/2020
Triển lãm nghệ thuật ánh sáng mùa đông ở Đức (26/11/2024)
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
VOV.VN - Khi Bộ Luật lao động sửa đổi đi vào cuộc sống sẽ phát huy hiệu quả cao nhất, tạo ra tâm thế mới, định hướng mới và quản lý mới.
Năm 2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tập trung triển khai các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó sẽ tập trung bám sát những nội dung ưu tiên của Ủy ban Quốc gia về ASEAN cũng như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, để góp phần giúp Việt Nam đảm nhận thành công vai trò năm Chủ tịch cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
Năm 2020, Bộ cũng quyết tâm khắc phục tình trạng Luật chờ Nghị định để từ ngày 1/1/2021, khi Bộ Luật lao động sửa đổi đi vào cuộc sống sẽ phát huy hiệu quả cao nhất, tạo ra tâm thế mới, định hướng mới và quản lý mới trong phát triển thị trường lao động Việt Nam. Phóng viên VOV phỏng vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về nội dung này.
PV: Thưa Bộ trưởng, tại Hội nghị của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2019, Bộ trưởng đã yêu cầu phải chuyển đổi toàn diện và có những bước đột phá, tạo ra những nét mới. Vậy khép lại năm 2019, xin Bộ trưởng cho biết, ngành đã có những đột phá gì?
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trước hết phải khẳng định, năm 2019 là một năm rất thành công trong xây dựng thể chế. Đặc biệt, việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn và thông qua Bộ luật Lao động. Đây là một dấu ấn rất lớn. Chúng ta đã tạo ra một tâm thế mới, một định hướng mới, quản lý mới trong phát triển thị trường lao động Việt Nam.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành tất cả các Đề án, Chương trình do Chính phủ đề ra. Về giảm nghèo, Việt Nam đã đạt thành tích tương đối tốt. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ giảm nghèo chỉ còn dưới 4% và đã giảm tỷ lệ hộ nghèo tương đương 1,35%. Nếu theo 3 tiêu chí mà Liên Hợp quốc đánh giá thì tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam chỉ còn 1,45% và quốc tế đánh giá đây là một thành công ngoạn mục của Việt Nam.
Cùng với đó, lĩnh vực người có công cũng tạo ra những đột phá rất mạnh mẽ. Hiện 95% hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở đã được thực hiện theo Quyết định 22 của Thủ tướng. Đồng thời, giải quyết xác nhận và công nhận trên 1.000 trường hợp liệt sĩ, chủ yếu hy sinh thời kỳ chống Pháp. Cho đến nay, 22 tỉnh/thành phố đã hoàn thành căn bản việc xác nhận hồ sơ người có công. Từng bước số hóa hồ sơ người có công để áp dụng vào thực tiễn.
Trên thị trường lao động đạt nhiều kết quả nổi bật. Trước hết, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có một bước đổi mới và nâng cao về chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, năm 2019 hoàn thành 107% chỉ tiêu kế hoạch đề ra về mục tiêu giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, chuyển mạnh sang hướng đặt hàng đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đầu ra, liên kết với doanh nghiệp. Chính vì thế, đã từng bước biến doanh nghiệp thành nhà trường thứ hai để cùng phối hợp.
Việt Nam cũng đẩy mạnh việc liên kết đào tạo với nước ngoài, đặc biệt là việc chuyển giao và công nhận bằng cấp trong 34 bộ giáo trình giữa Việt Nam và Australia, Cộng hòa Liên bang Đức. Trên cơ sở đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ tổ chức Diễn đàn nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để tạo ra một sự đột phá trong chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, để nâng cao năng suất lao động Việt Nam.
Số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Trong lĩnh vực việc làm, tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ ở mức 2,2% và có những Quý giảm xuống còn 1,98%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị cũng ở mức 3%. Lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài đạt tới 152.000 người. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Những lĩnh vực khác cũng được đặc biệt quan tâm như: Bảo trợ xã hội; vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội được triển khai tương đối toàn diện và có thể thấy tổng quát chung là một năm mà Bộ đã hoàn thành và hoàn thành rất tốt các chỉ tiêu mà các cấp có thẩm quyền giao năm 2019.
PV: Như Bộ trưởng vừa nói, một trong những dấu ấn quan trọng trong năm 2019 là việc Bộ Luật Lao động sửa đổi trình Quốc hội được chính thức thông qua và có hiệu lực từ năm 2021. Thưa Bộ trưởng, điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Việt Nam đang càng hội nhập sâu rộng?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tại Hội nghị tổng kết Ngành năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá rất sâu sắc: "Việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với phiếu đồng thuận cao là một dấu ấn lịch sử".
Trước hết, đây là một Bộ luật rất lớn có tác động sâu rộng đến hàng chục triệu người lao động và đến đời sống của hàng chục triệu người dân. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta tập trung xây dựng thể chế theo tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để nâng cao mức độ thụ hưởng an sinh, quyền an sinh của người dân theo Hiến pháp. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam tập trung thực hiện các cam kết quốc tế về vấn đề lao động, việc làm theo tiêu chuẩn, tiêu chí và các nguyên tắc của tổ chức lao động quốc tế ILO cũng như các cam kết về Hiệp định thương mại đã ký kết.
Có thể nói rằng, Bộ luật Lao động thông qua là một quyết sách rất sáng suốt có tầm nhìn dài, có tính chất chiến lược của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là những vấn đề mở rộng đối tượng phạm vi điều chỉnh: Điều chỉnh tiền lương tối thiểu; chuyển mạnh sang thương lượng hay phát triển các tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp. Đáng chú ý là vấn đề điều chỉnh nâng dần tuổi nghỉ hưu để thích ứng với các thách thức mới trong thời gian mới đã đặt ra.
Chúng tôi cho rằng, khi Bộ luật Lao động ra đời và hình thành khi bắt đầu có hiệu lực sẽ làm thay đổi hai vấn đề rất quan trọng. Một là tiêu chuẩn lao động và hai là quan hệ lao động mà những vấn đề này không phải ngày một ngày hai chúng ta làm được. Tôi tin rằng, Bộ luật Lao động sẽ có một sức sống rất dài trong lịch sử xây dựng pháp luật lao động Việt Nam.
PV: Vậy ngay từ năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch gì để từng bước triển khai đưa Bộ Luật đi vào cuộc sống, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng Bộ luật, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã phải chủ động xây dựng các dự thảo kèm theo. Và cho đến nay, chúng tôi đã trình với Chính phủ và Chính phủ đã ban hành kế hoạch để triển khai đồng bộ các giải pháp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công công việc với từng ngành, từng cấp để khắc phục được tình trạng Luật chờ Nghị định.
Đúng ngày mùng 1/1/2021, khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thì tất cả các Nghị định, Thông tư, Quyết định của Thủ tướng bao gồm 14 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng, 8 Thông tư của Bộ trưởng sẽ đồng thời có hiệu lực từ mùng 1/1. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm điều này.
PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2020 Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN, vậy Bộ trưởng có thể cho biết Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có những chuẩn bị gì?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trước hết, với tư cách là Chủ tịch của cộng đồng Văn hóa - Xã hội của năm 2020, chúng tôi sẽ bám sát vào 5 nội dung ưu tiên mà Ủy ban Quốc gia về ASEAN cũng như là Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu chỉ đạo.
Trong đó, Bộ đã xây dựng một kế hoạch tổng thể. Trước hết là hoạt động của chính Bộ Lao động - Thương binh Xã hội; thứ hai là phát huy vai trò của 13 Bộ, Ngành trong khối Văn hóa - Xã hội. Với tinh thần đó, Bộ đã trình Thủ tướng xây dựng một kế hoạch hoạt động với 33 hoạt động cụ thể; trong đó có 17 hội nghị liên quan và trong 17 hội nghị này thì có 2 hội nghị cấp cao về văn hóa xã hội.
Và 2 ưu tiên của chúng tôi là phát triển nguồn nhân lực lấy con người là mục tiêu, là động lực để tạo ra kết nối giữa các nước ASEAN, nhất là về văn hóa và con người. Thứ hai là tập trung chủ đề "Phát triển công tác xã hội để hướng tới là mọi người đều tham gia". Mọi người đều hưởng ứng và sống trong một thế giới thích ứng, hội nhập.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Những thay đổi đáng quan tâm sau khi sửa Bộ luật Lao động
Từ khóa: luật lao động, sửa đổi, luật đi vào thực tế, nghị định, thị trường lao động
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN