Bổ sung 17 chất ma túy mới vào danh mục quản lý

Cập nhật: 23/05/2022

Bổ sung 17 chất ma túy mới vào danh mục quản lý là một đề xuất nhận được sự quan tâm của dư luận xung quanh Dự thảo Nghị định quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất đang được bộ Công an lấy ý kiến. Dự thảo này được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Cập nhật danh mục

Sau khi tổng hợp các chất trong các danh mục của Nghị định số 73/2018/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất; Nghị định số 60/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, Dự thảo đã bổ sung 17 chất ma túy mới; đồng thời đánh lại số thứ tự danh mục.

Cụ thể, Dự thảo đề xuất 4 danh mục: Danh mục I “Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền” (gồm 47 chất ma túy); Danh mục II “Các chất ma túy được sử dụng hạn chế trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” (gồm 434 chất ma túy); Danh mục III “Các chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” (gồm 76 chất ma túy); Danh mục IV “Các tiền chất” (gồm 57 tiền chất ma túy).

Như vậy, các danh mục được cập nhật để bảo đảm sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thực tế, hàng năm ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (CND) đều họp bỏ phiếu đưa các chất ma túy mới vào danh mục kiểm soát quốc tế. Tại Việt Nam, các chất ma túy và các tiền chất mới xuất hiện liên tục nhằm đối phó với các quy định quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện việc bổ sung các chất này vào danh mục kiểm soát theo hình thức sửa đổi Nghị định với nhiều thủ tục và thời gian kéo dài. Để khắc phục hiện trạng này, bộ Công an đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành danh mục sửa đổi, bổ sung và sau đó danh mục này sẽ được hợp nhất vào các danh mục trong Nghị định mà không cần sửa đổi Nghị định.

Nội luật hóa các công ước quốc tế

Bộ Công an cho biết, tại Phiên họp lần thứ 64 của CND năm 2021, các nước đã thống nhất bổ sung 4 chất vào danh mục kiểm soát theo Công ước quốc tế về thống nhất các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971. Đây cũng là các công ước mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, qua công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, các lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật các vụ án và được Viện Khoa học hình sự, bộ Công an giám định 7 chất gây nghiện, chất hướng thần mới chưa có trong danh mục quản lý, bao gồm: 4 chất kích thích, gây ảo giác và 3 chất nhóm cần sa tổng hợp gây ảo giác. Các chất này đều là các chất hướng thần mới (NPS) mà CND đã ghi nhận và thống kê. Viện Khoa học hình sự, bộ Công an cũng đã có văn bản báo cáo và đề xuất đưa 7 chất trên vào danh mục kiểm soát.

Gần đây nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xem xét và đánh giá tổng thể một số chất hướng thần mới, đồng thời kiến nghị đưa vào danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế và sẽ được bỏ phiếu thông qua vào phiên họp CND đầu năm sau. Trong đó, có 3 chất mới chưa có trong danh mục kiểm soát của Việt Nam, bao gồm: 1 chất nhóm cần sa tổng hợp (4F-MDMB-BICA); 2 chất nhóm thuốc phiện tổng hợp (Brorphine, Metonitazene). Các chất này đều gây nghiện, chất hướng thần không có ứng dụng hợp pháp; đã được kiểm soát ở nhiều nước như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc… Chính vì thế, trong Dự thảo này, bộ Công an đã đề xuất bổ sung vào danh mục kiểm soát của Việt Nam.

Ngoài ra, Dự thảo cũng sửa đổi nội dung 2 chất ma túy "Cần sa và các chế phẩm cần sa" sửa thành "Cây cần sa, nhựa cần sa và các chế phẩm từ cây cần sa"; "Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện" sửa thành "Cây thuốc phiện, nhựa thuốc phiện và các chế phẩm từ cây thuốc phiện".

Lý giải vấn đề này, đại diện bộ Công an cho biết, “cây cần sa”,“cây thuốc phiện” có tính bao quát, bao gồm tất cả các bộ phận của cây từ lá, cành, hoa, quả, hạt… Nếu quy định rõ từng loại chế phẩm sẽ bỏ sót nhiều dạng chiết xuất, tinh chế khác có thể được thay đổi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của pháp luật.

Trước ý kiến về việc cần phân công bộ, ngành quản lý theo mục đích sử dụng của tiền chất, đại diện bộ Công an lý giải, không phân công theo mục đích sử dụng của tiền chất để tránh chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý, kiểm soát và báo cáo, thống kê. Đơn cử, ngoài các tiền chất được phân công trong Danh mục IV, bộ Công an còn cấp phép cho những tiền chất khác phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh. Do đó, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn thực hiện quản lý và cấp phép cho các tiền chất trong Danh mục IV theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 19, Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.

Luật Phòng, chống ma túy đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022; Nghị định số 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, cũng có hiệu lực cùng thời điểm với Luật, để bảo đảm được tính khả thi của hai văn bản trên, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định quy định các Danh mục chất ma túy và tiền chất.

Từ khóa: ma túy mới

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập