Bò sữa đang chết hàng loạt, Lâm Đồng tập trung toàn lực cứu chữa

Cập nhật: 21/08/2024

VOV.VN - Tại tỉnh Lâm Đồng, cơ quan thú y của trung ương và địa phương đang tập trung toàn lực cứu chữa đàn bò. Tuy vậy hiện mỗi ngày, số bò sữa bị tiêu chảy ra máu và lăn ra chết cứ tăng dần khiến người dân ở 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng hết sức lo lắng.

 

Một tuần nay, vợ chồng ông Võ Văn Cao, ở tổ 10, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng mất ăn mất ngủ, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm cách cứu chữa đàn bò. Ngoài 4 con bò sữa đang mang bầu vẫn khỏe mạnh, toàn bộ 96 con bò sữa còn lại của gia đình đều xảy ra triệu chứng ốm yếu, tiêu chảy ra máu, trong đó 2 con đã bị chết.

Ông Võ Văn Cao cho biết, số bò bị bệnh đều vừa tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trước đó: “Tôi tiêm vaccine hết 96 con, chỉ còn 4 con bò sắp đẻ nên không chích. Hiện tại 10 con có triệu chứng tiêu chảy, 2 con chết rồi. Một số con thì ăn rất yếu, một số con khác thì lừ đừ… tôi đang rất lo lắng như ngồi trên đống lửa. Hàng ngày tôi đều đưa thuốc vào cho đàn bò, các con lớn nhỏ đều cho ăn thuốc hết. Thuốc mua ở ngoài, còn thuốc cấp phát thì mới có từ hôm qua đến giờ, nhưng chỉ có loại C-gluco”.

Gia đình bà Huỳnh Thị Kim Phượng, ở thôn Lạc Nghiệp, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cũng có 76 con bò sữa bị bệnh, 2 con đã chết. Tình trạng này chỉ xảy ra sau vài ngày khi đàn bò tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục. Ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên đàn bò, gia đình bà đã kêu bác sĩ thú y đến thăm khám, truyền nước, thuốc men chữa trị nhưng vẫn không cải thiện.

“Khi chích vaccine rồi thì bò lơ ăn, nguyên một đàn con nào cũng sốt. Có con tiêu chảy ra máu, có con tiêu chảy nước đen thui như nước bùn vậy, 2 con đã bị chết rồi. Thôn chúng tôi có mấy chục hộ bị vậy, nhưng có 8 hộ có bò không tiêm vaccine. 8 hộ này bò vẫn bình thường không sao hết, còn những hộ có bò tiêm thì đều bị hiện tượng như thế này”, bà Huỳnh Thị Kim Phượng cho biết.

Vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục được tiêm trên đàn bò sữa trên địa bàn 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại tỉnh Bình Dương) trúng thầu và cung cấp. Việc tiêm phòng được triển khai từ ngày 22 - 31/7/2024, với tổng số trên 10.000 liều. Ngay khi xảy ra triệu chứng bò sữa bị bệnh và chết, tỉnh Lâm Đồng đã tạm dừng việc tiêm vaccine.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, nhận được thông tin bò sữa ở Lâm Đồng bệnh và chết, chiều 7/8, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo đơn vị lập đoàn công tác đến kiểm tra, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

“Chúng tôi đã huy động những phòng thí nghiệm tốt nhất của ngành thú y Việt Nam, các chuyên gia giỏi nhất tổ chức lấy mẫu để xác định cho bằng được, xem đâu là nguyên nhân dẫn đến bò bị bệnh, bị chết tại tỉnh Lâm Đồng. Bộ cũng đã có chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể các biện pháp tổ chức chống dịch, biện pháp quản lý để giảm thiểu số bò bệnh, giảm thiểu số bò chết”, ông Nguyễn Văn Long nói.

Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lâm Đồng cũng đã tập trung toàn lực cứu chữa đàn bò bị bệnh nhằm giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại. Tuy vậy, số bò phát bệnh và chết vẫn gia tăng. Đến hết ngày 10/8, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 4.495 con bò sữa bị bệnh và 193 con đã bị chết, tăng gần 600 con bò bệnh và 21 con bò bị chết so với một ngày trước. Đồng thời với công tác chống dịch, các đơn vị chức năng đang tiếp tục xác định nguyên nhân gây bệnh trên đàn bò sữa ở Lâm Đồng.

Từ khóa: lâm đồng, bò sữa, bò sữa chết hàng loạt, cơ quan thú y, cứu chữa đàn bò, tiêu chảy

Thể loại: Xã hội

Tác giả: quang sáng/vov-tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan