Bộ quy tắc ứng xử: Nghệ sĩ bớt “lệch chuẩn”?
Cập nhật: 06/09/2021
Nhạc kịch "Giấc mơ Chí Phèo": Bữa tiệc nghệ thuật đầy xúc cảm
Vietnam Airlines to debut premium economy class in January 2025
VOV.VN - Nhiều người ủng hộ động thái của Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử chỉ có giá trị định hướng hành vi của nghệ sĩ, chứ không có các chế tài như luật, hoàn toàn không phải là công cụ để "trừng trị" những vi phạm pháp luật của nghệ sĩ.
Trong bối cảnh showbiz Việt đang có quá nhiều sự việc lùm xùm, từ việc nghệ sĩ thiếu minh bạch khi làm từ thiện, cho đến ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu văn hoá, quảng cáo sai sự thật… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện dự thảo bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ.
Nhiều người ủng hộ động thái của Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử chỉ có giá trị định hướng hành vi của nghệ sĩ, chứ không có các chế tài như luật, hoàn toàn không phải là công cụ để "trừng trị" những vi phạm pháp luật của nghệ sĩ.
Kênh định hướng hành vi cho nghệ sĩ
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc Bộ VHTT&DL đưa ra Bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ là cần thiết.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Bộ quy tắc đang được soạn thảo giống như một kênh để định hướng hành vi cho nghệ sĩ. Những gì chưa tốt cần phải lên án. Bởi nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng, có thể tác động tiêu cực đến công chúng, nhất là đối tượng khán giả trẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩn xuất phát từ nhiều lý do. Một trong số đó là họ nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với công chúng, về việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín cá nhân trong bối cảnh mới.
Đôi khi, nghệ sĩ cũng nhầm lẫn giữa vai trò của một nghệ sĩ và người sử dụng mạng xã hội thông thường. Phát ngôn, ứng xử trên mạng xã hội thế nào là nên, thế nào không nên, dường như họ chưa nắm rõ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá, dù bộ quy tắc ứng xử không có chế tài, mà chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành là cần thiết. Hình ảnh nghệ sĩ trong sáng, chuẩn mực sẽ góp phần định hướng đạo đức cho chính người hâm mộ của nghệ sĩ ấy.
Không thể dùng danh xưng nghệ sĩ để trục lợi hay gây ảnh hưởng xấu đến xã hội
NSND Lan Hương cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử mà Bộ VHTT&DL đang hoàn thiện chính là mong mỏi của nhiều nghệ sĩ chân chính.
“Bộ quy tắc ứng xử mà Bộ VHTT&DL sắp đưa ra lần này là rất cần thiết, nhưng theo tôi lẽ ra phải có sớm hơn. Nếu sớm hơn thì sẽ không có các hệ lụy như bây giờ. Tôi hy vọng rằng, Bộ quy tắc ứng xử này sẽ hỗ trợ và giúp cho các nghệ sĩ hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình và có ứng xử có văn hóa hơn, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống”, NSND Lan Hương nói.
Theo NSND Lan Hương, với những người làm nghệ thuật, danh xưng nghệ sĩ rất được trân trọng: “Được gọi là nghệ sĩ, hay cao hơn nữa là được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân đối với mỗi người làm nghệ thuật như chúng tôi là niềm hạnh phúc. Với danh xưng cao quý ấy, người nghệ sĩ phải có trách nhiệm với nghề nghiệp, với xã hội trong việc gìn giữ và phát những giá trị tốt đẹp của bản thân mình, chứ không thể hành động tùy tiện, muốn làm gì thì làm”.
Cũng theo NSND Lan Hương, nghệ sĩ cũng là một người bình thường, nhưng khác ở chỗ, nghệ sĩ được nhiều người biết đến, công chúng và xã hội luôn nhìn vào họ. Tất nhiên, là một người bình thường, nên đôi khi có sai lầm, nhưng quan trọng là phải biết sửa chữa. Không thể dùng danh xưng nghệ sĩ để trục lợi hay gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. “Tôi nghĩ bản thân nghệ sĩ phải ý thức được trách nhiệm xã hội của mình trước khi nghĩ đến lợi ích của bản thân”, NSND Lan Hương nói.
Người làm văn hóa phải có văn hóa
Siêu mẫu Hà Anh thì bày tỏ quan điểm rằng, nếu có bất kỳ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ thì phải có định nghĩa rõ ràng ai được coi là "nghệ sĩ". Nghệ sĩ có cần được xác nhận bằng giấy tờ hay văn bản gì không? Hay cứ ai chụp hình đưa lên mạng, hay có một bài hát, làm blog, hay tham gia một vở kịch/phim/tấu hài… cũng được coi là nghệ sĩ. Nếu chỉ quy tắc ứng xử dành cho người nổi tiếng, thì bất kể ai được công chúng biết đến rộng rãi, không cần hoạt động nghệ thuật cũng được tính vào diện phải chấp hành theo bộ quy tắc này?
Sau đó, bộ quy tắc phải có những quy định rõ ràng định nghĩa thế nào là "trái với thuần phong mỹ tục", "phản cảm", "đi ngược với truyền thống"... để người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hiểu rõ để tuân thủ, hay người thực thi áp dụng có thể làm chính xác không mang tính chất chủ quan, cảm tính, đưa ra những "xử phạt" không hợp lý hay gây tranh cãi.
“Cá nhân tôi nghĩ dù là nghệ sĩ hay không, trước hết họ là công dân, và công dân thì có những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định theo luật pháp của nước Việt Nam. Người làm văn hoá nên phải có văn hoá, điều này tôi đồng tình. Tuy nhiên nghệ sĩ có người có văn hoá và không có văn hoá cũng là điều dễ hiểu. Nó phản ánh rõ phông nền văn hoá đa dạng của xã hội hiện tại. Quan trọng hơn, nếu là người hoạt động nghệ thuật thì phải nhìn vào lãnh vực và cống hiến cho nghệ thuật của họ là gì.
Còn vấn đề ở đâu nên xử lý chính xác và tận gốc ở đó, dựa theo Hiến pháp và luật pháp của nước Việt Nam. Ngoài ra có thể đưa hướng dẫn, quy định rõ ràng cho các phương tiện truyền thông, giúp họ chọn lọc đối tượng có phông nền văn hoá tốt, có đóng góp cho ngành nghề để phỏng vấn, chia sẻ câu chuyện về công việc nghệ thuật, đời sống.
Nếu có vấn đề về nghệ sĩ quyên góp từ thiện chưa minh bạch, thì phải bổ sung hướng dẫn cho các cá nhân, đoàn thể để tuân thủ theo, và cơ sở pháp lý sử kiện nếu sai phạm. Nhưng những điều luật này nên áp dụng cho mọi công dân chứ không phải đối với riêng nghệ sĩ.
Nếu chỉ căn chỉnh các điều luật dành riêng cho nghệ sĩ thì e rằng sẽ tạo ra sự phân biệt không đồng đều, và theo tôi là điều không nên”, siêu mẫu Hà Anh nói.
Hà Anh cũng chia sẻ thêm: “Nghệ sĩ nói riêng, người nổi tiếng nói chung có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội nên hành vi, ứng xử nên chuẩn mực hơn. Tuy nhiên công chúng có thể tiếp nhận thông tin từ bất kể đâu, từ trên mạng, từ bất cứ nhân vật nào ngoài đời, trên TV, sách báo nên việc nâng cao kỹ năng đọc, hiểu, kiểm chứng và chọn lọc thông tin đối với toàn dân là điều cần thiết.
Mọi người nên bỏ suy nghĩ cứ người nổi tiếng nói là đúng, là đáng tin... thay vào đó nên lấy những thông tin mình cần nhưng tìm hiểu thêm nhiều nguồn thông tin khác, theo dõi, tìm hiểu và chọn lọc thông tin, đặc biệt khi quyết định bỏ tài sản vật chất cá nhân để mua, đầu tư hay quyên góp cho nghệ sĩ.
Ngược lại, khi công chúng thông minh và có kỹ năng hơn khi lựa chọn người nổi tiếng để theo dõi, để tin tưởng vào sản phẩm họ quảng cáo, tự khắc người nổi tiếng sẽ phải đặt uy tín lên hàng đầu và phát ngôn cẩn trọng hơn”, siêu mẫu Hà Anh chia sẻ./.
Từ khóa: nghệ sĩ việt, bộ quy tắc ứng xử, bộ văn hóa thể thao và du lịch, bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ, bùi hoài sơn, nsnd lan hương, siêu mẫu hà anh, lệch chuẩn, nghệ sĩ làm từ thiện, nghệ sĩ quảng cáo, quảng cáo sai sự thật
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN