Bộ Quốc phòng dự kiến giao lại 50.000 ha đất cho các tỉnh Tây Nguyên
Cập nhật: 25/09/2019
Trà Vinh chuẩn bị gần 290 tỷ đồng trữ hàng phục vụ tết Ất Tỵ
Ngân hàng UOB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7% năm 2025
VOV.VN - Dự kiến diện tích khoảng 50.000 ha đất sẽ được chuyển dần cho các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước .
Tiếp tục chuyến công tác tại Tây Nguyên, chiều 15/9, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Trung ương có buổi làm việc với các đơn vị kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng tại Tây Nguyên về tình hình cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020.
Khu vực Tây Nguyên hiện có 3 đơn vị quân đội làm kinh tế bao gồm: Binh đoàn 15 (Tổng công ty 15), Binh đoàn 16 (Công ty 16) và Công ty cà phê 15. Tổng diện tích vườn cây của các đơn vị là khoảng 52.000 ha, chủ yếu nằm trên biên giới và cây chủ lực là cao su và cà phê. Các đơn vị hiện có quân số và lao động gần 22.000 người.
Ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với các đơn vị kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng tại Tây Nguyên. |
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020.
Theo dự thảo đề án này, các đơn vị quân đội làm kinh tế tại Tây Nguyên sẽ chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp sang Đoàn kinh tế Quốc phòng. Diện tích đất sẽ chuyển dần cho các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước khoảng 50.000 ha. Các đơn vị chỉ giữ khoảng 4.400 quân số và lao động.
Theo Bộ Quốc phòng, khi thực hiện đề án sẽ gặp nhiều khó khăn, cả về phương án tài chính, kinh doanh, quản lý, sử dụng đất, bố trí, sắp xếp nhân sự, giải quyết chế độ chính sách cho 17.500 người dôi dư, cũng như duy trì ổn định kinh tế, xã hội trên biên giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương các đơn vị kinh tế-quốc phòng tại Tây Nguyên trong nhiều năm qua đã tổ chức tốt công tác sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân biên giới. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng hoàn thiện đề án cơ cấu, đổi mới các đơn vị kinh tế quốc phòng phải thận trọng, tính toán lộ trình, đảm bảo tính pháp lý, đồng thời duy trì ổn định trên biên giới. Bộ Quốc phòng nên thành lập tổ công tác mời đại diện các bộ ngành, địa phương từ đầu để thực hiện tái cơ cấu.
Đối với một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình cơ cấu lại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc trước mắt cần cấp vốn điều lệ bổ sung theo các trình tự thủ tục và điều kiện cần thiết. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng trong phạm vi chức năng quyền hạn vận dụng tối đa tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn để giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất cho các đơn vị.
Rút kinh nghiệm từ việc cơ cấu lại các viện nghiên cứu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng phải tiếp tục rà soát xây dựng mô hình đơn vị kinh tế -quốc phòng hoạt động hiệu quả nhất.
“Mô hình hiện nay phía trên là công ty mẹ, dưới có các Đoàn Kinh tế Quốc phòng, mà Đoàn Kinh tế Quốc phòng lại là một đơn vị quân đội. Giống như Nghị định 19, có những viện nghiên cứu chuyển cho doanh nghiệp, đến khi cấp bằng Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ lại đóng dấu giám đốc doanh nghiệp. Trong Nghị quyết 19 của Trung ương đã đề nghị ngược lại cho phép thành lập các doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, các trường Đại học để làm chức năng về kinh doanh. Bộ Quốc phòng cần rà soát lại Công ty có Đoàn Kinh tế quốc phòng hay trong Đoàn Kinh tế quốc phòng có công ty”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Bộ Quốc phòng cũng như các Binh đoàn, Công ty quân đội làm kinh tế thực hiện tốt việc tái cơ cấu. Qua đó, hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ chiến lược là đội quân công tác, đội quân chiến đấu và đội quân sản xuất, xứng đáng truyền thống Bộ đội cụ Hồ, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên./.
Chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng
Từ khóa: đất quốc phòng, kinh tế quốc phòng, đoàn kinh tế quốc phòng, bàn giao đất quốc phòng, quản lý và sử dụng đất
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN