Bỏ hộ khẩu giấy, phương án tuyển sinh lớp 10 Hà Nội có còn phù hợp?

Cập nhật: 05/03/2021

[VOV2] - Xóa bỏ sổ hộ khẩu giấy chắc chắn sẽ tác động lớn đến quy hoạch giáo dục. Đó là câu chuyện của tương lai gần mà các nhà hoạch định giáo dục từ trung ương đến địa phương cần sớm quan tâm.

Tháng 2 vừa qua Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Theo đó, thí sinh muốn thay đổi khu vực tuyển sinh khác với hộ khẩu thường trú phải có xác nhận của địa phương nơi cư trú hoặc phải chấp nhận giảm bớt nguyện vọng.

Quy định tuyển sinh theo hộ khẩu được cho là chính sách để "điều tiết" số lượng và chất lượng học sinh giữa các khu vực. Tuy nhiên, một nghịch lý đang xảy ra, theo Luật cư trú năm 2020, từ ngày 1.7.2021 sẽ không còn sổ hộ khẩu giấy, thay vào đó là cơ sở dữ liệu về cư trú. Vậy những quy định mới của Sở GD&ĐT Hà Nội có thực sự cần thiết? Và khi không còn sổ hộ khẩu, người dân có quyền đăng ký cư trú ở bất cứ đâu mà không gặp khó khăn về thủ tục thì bài toán quy hoạch giáo dục sẽ phải giải thế nào?

Sắp bỏ sổ hộ khẩu giấy , “siết” quy định tuyển sinh bằng hộ khẩu có khả thi?

Là chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tại Việt Nam nhưng cũng là người nhập nhập cư vào Hà Nội, chị Đỗ Thị Thanh Huyền nhận xét quá trình xin nhập hộ khẩu vào Hà Nội rất khó khăn. Trong khi đó quyền tự do cư trú, di trú là bất khả xâm phạm. Quy định tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú của Hà Nội, theo chị Huyền là đang tạo ra sự phân biệt đối xử đối xử với công dân chưa có hộ khẩu nhưng đang đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội.

Ví quy định về hộ khẩu trong tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 của Hà Nội vừa qua đã khiến cho “những giấc mơ bị đánh thuế”, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh đặt câu hỏi quy định này có thực sự cần thiết khi ngày 1-7 tới đây, sổ hộ khẩu giấy chính thức bị xóa bỏ theo Luật cư trú 2020. Trong khi đó, lấy học sinh để nâng cao chất lượng trường là phản khoa học.

Nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục không vượt qua chất lượng người thầy. Để nâng cao chất lượng giáo dục của trường, của khu vực thì phải làm từ trên xuống. Đó là đổi mới quản lí, nâng cao chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học,…Nếu dùng quyết định “cơ học” là phương án hộ khẩu để điều hòa học sinh thì chất lượng giáo dục sẽ chỉ cùn đi thôi, thầy Tùng khẳng định.

Thầy Tùng cho rằng trong khi nhiều trường đang đào tạo và xây dựng học sinh thành “công dân toàn cầu” thì với quy định này lại đang bị trói buộc vào cái sổ hộ khẩu.

Nguyện vọng được lựa chọn môi trường học tập chất lượng là nguyện vọng chính đáng. Trường THPT ở nội thành được đầu tư hơn cả về cơ sở vật chất và con người. Do đó, những quy định về hộ khẩu trong tuyển sinh sẽ kéo theo một “làn sóng” mua nhà, chuyển hộ khẩu… vào các quận nội thành. Chưa kể có thể nảy sinh hàng loạt những tiêu cực, gian dối trong việc xin xác nhận, ở việc nhập khẩu, chuyển khẩu,…Tiêu cực ở khâu nộp đơn, xem xét,…

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, quy hoạch giáo dục thế nào?

Việc bỏ hộ khẩu giấy và tiến tới quản lý dân cư theo mã số định danh ngoài việc tạo thuận tiện còn được coi là bước tiến trong việc đảm bảo quyền di trú của người dân. Nhưng trên thực tế, khả năng đáp ứng dịch vụ công trong đó có giáo dục khi bỏ hộ khẩu giấy hiện còn bất cập.

Trước thực trạng đó, GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng nên tuyển sinh theo nơi cư trú và chỉ ra bất cập nếu không giới hạn việc đăng ký tuyển sinh trái tuyến.

Ai cũng học trái tuyến thì lộn xộn và dẫn đến trường hợp có trường không đủ học sinh thì lại có những trường quá nhiều học sinh. Các trường đông học sinh thường là những trường tốt, chất lượng, có tiếng. Thường những trường đó khó đạt Chuẩn quốc gia vì số học sinh cao hơn mức quy định, số học sinh/diện tích đảm bảo tiêu chuẩn.

Do đó, cần phải có chính sách để điều tiết chất lượng giáo dục. Mặc dù không khuyến khích học trái tuyến nhưng theo GS. Đào Trọng Thi, những trường hợp chính đáng vẫn phải giải quyết để hài hòa giữa việc phân bố học sinh trên địa bàn dân cư với chuyện đáp ứng nhu cầu thỏa đáng của học sinh.

Theo GS Đào Trọng Thi, các nước có nền giáo dục tiên tiến cũng có hiện tượng học trái tuyến. Tuy nhiên, nhà nước không khuyến khích điều đó và đã tạo ra những rào cản để hạn chế như quy định về học phí.

Ví dụ như ở Mỹ, nếu học trái tuyến thì phải đóng học phí cao hơn. Nếu từ bang này sang bang kia học, anh phải trả học phí cao hơn vì người ta có khoản thuế riêng của từng bang. Anh đóng thuế ở nơi khác, thuế không trực tiếp ở bang anh học thì không được hưởng những quyền lợi tương tự như người dân cư trú ở bang đó là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, ở ta thì lại khác. Thuế thống nhất trên toàn quốc. Học phí cũng quy định thống nhất chứ không phân biệt học sinh trái tuyến hay đúng tuyến. Trước đây, người ta cũng tìm cách thu tiền trái tuyến nhưng thu là bất hợp pháp… Do đó việc dùng học phí để tạo ra rào cản cho người học trái tuyến không áp dụng được, ông Thi khẳng định.

Tương tự GS. Đào Trọng Thi, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, theo Luật cư trú 2020, sổ hộ khẩu giấy bị xóa bỏ nhưng xác định nơi cư trú vẫn cần thiết bởi vì hàng loạt dịch vụ công, trong đó có giáo dục được quy hoạch theo dân cư.

Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi số, bỏ sổ hộ khẩu chúng ta có cách quản lý nơi cư trú theo cơ sở dữ liệu dân cư. Anh ở đâu thì phát sinh nghĩa vụ nơi đấy. Giáo dục sau này xếp nơi cư trú, trái tuyến hay không trái tuyến thì cũng phải căn cứ cơ sở dữ liệu đó. Điều đó cũng “đẻ” ra nhu cầu phải cập nhật cơ sở dữ liệu khi người dân chuyển đến nơi cư trú khác bởi vì nhiều dịch vụ công, nhiều quyền nghĩa vụ anh phát sinh trên nền tảng cư trú.

Trước câu hỏi việc bỏ sổ hộ khẩu giấy thay bằng mã số định danh, quyền cư trú, di trú của công dân tự do hơn, liệu có gây khó khăn cho quy hoạch giáo dục, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng bài toán quy hoạch có thể giải được.

Giáo dục và các dịch vụ y tế theo dân cư, quy hoạch theo các số liệu khách quan. Ví dụ số lượng nhập cư của Hà Nội mỗi năm bao nhiêu, với tốc độ phát triển như vậy thì dự đoán tốc độ nhập cư là bao nhiêu, với tốc độ nhập cư như vậy các gia đình sinh con bao nhiêu?

Theo ông Dũng, những số liệu đó hoàn toàn tính toán và thu thập được khách quan. Đây là căn cứ để thiết kế các dịch vụ công. Chẳng hạn, những nơi bùng phát dân số khó ở phố cổ, giá đắt đỏ, không phải ai cũng có điều kiện mua nhà, mua đất. Trong khi, các khu mới, ngoại vi thành phố dân cư dồn về thì sẽ quy hoạch trường, y tế, các dịch vụ khác ở đó. Bài toán quy hoạch dễ giải nhưng bài toán khó giải hơn là tiền ở đâu ra?, ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, nhìn từ góc độ của chuyên gia UNDP, chị Đỗ Thanh Huyền cho rằng quy hoạch là trách nhiệm của các cơ quan cung ứng dịch vụ công. Với những thành phố nhập khẩu dân cư như Hà Nội và TP.HCM phải đảm bảo đủ trường lớp để đáp ứng nguyện vọng học tập của người dân.

Việc ra chính sách, thực hiện các quy hoạch của nhà nước và cơ quan cung ứng dịch vụ công, đã tiếp nhận người nhập cư thì phải mở rộng hệ thống trường lớp để đảm bảo có đủ trường, đủ lớp, cũng như nâng cao chất lượng đồng đều giữa các trường lớp. Chứ nhìn sĩ số và quy hoạch lớp hiện nay thôi là chưa đủ. Trong khi, chúng ta đang tiến tới xóa bỏ sổ hộ khẩu giấy để quản lý công dân theo mã số định danh thì quy hoạch giáo dục theo hộ khẩu của Hà Nội đang đi ngược xu thế, chị Huyền nhận định.

Quyền di trú, học tập là quyền bình đẳng. Thời gian qua Việt Nam đã có những cố gắng để thay đổi tích cực song với cơ sở hạ tầng hiện có, chưa thể ngay lập tức thay đổi. Tuy nhiên khi số hóa thành công với việc quản lý công dân theo mã số định danh, xóa bỏ sổ hộ khẩu giấy chắc chắn sẽ tác động lớn đến quy hoạch giáo dục. Đó là câu chuyện của tương lai gần mà các nhà hoạch định giáo dục từ trung ương đến địa phương cần sớm quan tâm.

Phụ huynh phản ứng với quy định tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú

 Với định hướng cho con theo học chương trình tiếng Đức tại trường THPT Việt Đức khi lên THPT nên 4 năm nay, chị Phương ở Long Biên, Hà Nội đã cho con theo học chương trình tiếng Đức ở trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, với quy định xác định khu vực tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú, mọi thứ đã nằm ngoài tính toán của chị.

Nhà có hộ khẩu ở quận Nam Từ Liêm nhưng cư trú lại ở quận Long Biên. Trong khi đó, những khu vực này không có trường THPT nào đào tạo chương trình tiếng Đức. Giờ không có trường nào đào tạo tiếng Đức thì đành phải cho con học dân lập rồi học tiếng Đức ở ngoài vì đã chuẩn bị 4 năm nay rồi.

Cũng như chị Phương, chị Tú phát hoảng với quy định không được “vượt tuyến”.  Có hộ khẩu tại quận Long Biên dự định của cả gia đình là cho con vào các trường THPT ở Hoàn Kiếm, chị Tú cho rằng quy định này không khuyến khích, thậm chí là gây thiệt thòi cho những học sinh có học lực tốt.

Những tường chất lượng tập trung chủ yếu tập trung ở các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Trong khi khu vực Hoàng Mai hay Long Biên thì rất ít như vậy. Đành rằng cấp 1, cấp 2 học đúng tuyến là đúng nhưng cấp 3 đã phân biệt được năng lực rồi nên các bạn có trình độ tương đương học với nhau sẽ dễ dàng hơn", chị Tú sốt sắng.

Sau khi có phản ứng của các bậc phụ huynh, Sở Sở GD&ĐT Hà Nội ra thông báo sẽ xem xét tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh trong trường hợp hộ khẩu thường trú một nơi nhưng cư trú thực tế tại một nơi khác. Đồng thời, với 3 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên, nếu chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì nguyện vọng đó có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào. Tuy nhiên, nếu đăng ký 2 nguyện vọng thì cả 2 nguyện vọng có thể thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định hoặc nguyện vọng thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định còn nguyện vọng thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

 

 

 

Từ khóa: quy hoạch giáo dục, bỏ sổ hộ khẩu giấy, tuyển sinh Hà Nội

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập