Bộ GD-ĐT phản hồi thế nào về đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2021?

Cập nhật: 15/08/2021

[VOV2] - Chiều muộn 08/7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đại diện Bộ GD-ĐT đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến đề thi, quyền lợi sinh dự thi đợt 2, thí sinh F0 đến vụ việc lọt đề thi môn Toán...

Đề thi khó hay dễ là sự đánh giá chủ quan của mỗi người

Tại cuộc họp báo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, phóng viên Vietnamnet có đặt câu hỏi, dư luận băn khoăn về ngữ liệu của môn Ngữ Văn. Nếu hỏi về nguồn gốc xuất xứ của dòng sông liệu có cần thiết phải đưa những dẫn chứng về một tác phẩm văn học. Và liệu tác phẩm văn học có đủ thông tin để nói về nguồn gốc xuất xứ dòng sông đó một cách chính xác để thí sinh phân tích hay không?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã dẫn câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” và cho rằng “đất có tâm hồn” nếu xét về góc độ vật lý thì thật phi lý. Nhưng dưới góc nhìn của nhà văn đã thổi hồn cho đất.

Những tranh luận, ý kiến khác nhau liên quan đến việc trích dẫn ngữ liệu trong tác phẩm “Bí mật của nước” của tác giả Masaru Emoto, PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT trân trọng, ghi nhận tất cả những góc nhìn của các cá nhân và sẽ có sự trao đổi sâu hơn với hội đồng ra đề thi môn Ngữ văn.

“Đề thi Ngữ văn năm nay là vừa sức với học sinh. Không đánh đố và đạt được mục tiêu đề ra. Bám sát vào đề thi tham khảo đã công bố trước đó, không đụng vào nội dung đã giảm tải. Dòng sông cũng đáng yêu, đất cũng hóa tâm hồn thật.” – PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Liên quan đến chất lượng đề thi cũng như những ý kiến khác nhau của dư luận về sự khó-dễ của đề thi, PGS.TS Mai Văn Trinh cho rằng, việc có những đánh giá đề thi này khó, đề thi kia dễ là không bất ngờ. Bởi vì sự đánh giá khó dễ trong một đề thi phụ thuộc góc nhìn chủ quan của mỗi người.

Quy trình xây dựng đề thi trước tiên xuất phát từ ma trận đề thi. Bao nhiêu câu khó, bao nhiêu câu dễ chứ không phải không có căn cứ khoa học.

“Tất cả đề thi của 15 môn thi vừa qua đều được xây dựng từ một ma trận đề thi. Mà ma trận đề thi được xây dựng trên cơ sở mục tiêu đánh giá phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nó thể hiện số lượng các câu hỏi khó dễ. Còn đánh giá mức độ khó dễ của đề thi phải chờ kết quả thi và được phân tích bằng phương pháp khoa học, đến từng câu hỏi. Lúc đó mới có câu trả lời chính xác”. – PGS.TS Mai Văn Trinh nêu quan điểm.

Chưa phải lúc để đưa ra kịch bản xấu nhất về đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đợt 1 của Kỳ thi có tổng số 981.773 thí sinh tham dự (đạt tỷ lệ 96,13%). Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể dự thi là 23.569 thí sinh (chiếm 2.31%)

Trước câu hỏi của phóng viên VOV2 (Đài TNVN) về việc Bộ GD-ĐT có chuẩn bị kịch bản xấu nhất cho đợt 2 của kỳ thi hay chưa khi diễn biến dịch Covid-19 dự báo còn rất phức tạp? Việc tổ chức kỳ thi liệu có kịp thời gian để đảm bảo quyền lợi thí sinh kịp xét tuyển vào các trường Đại học?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT cũng đã nghĩ đến tình huống xấu nhất cho đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, hiện chưa phải lúc để chúng ta đưa ra kịch bản xấu nhất này bởi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt bằng nhiều giải pháp khác nhau.

“Bộ GD-ĐT đang tính toán tổ chức đợt 2 của kỳ thi vào thời gian phù hợp. Hiện số lượng thí sinh chưa tham dự kỳ thi ở mỗi tỉnh là khác nhau. Nhiều nhất là tỉnh Đồng Tháp hơn 4000 thí sinh, TP.Hồ Chí Minh hơn 2000 thí sinh, Hưng Yên có hơn 1800 thí sinh… có tỉnh cũng chỉ có 80 em. Do vậy, đợt 2 của kỳ thi có thể di chuyển các em đến vị trí thuận lợi để tổ chức thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo Thứ trưởng, khi quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 dịch Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát. Thứ hai, việc quyết định dừng hay không dừng kỳ thi không phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT mà phải báo cáo với Quốc hội. Do vậy, không thể tự nhiên dừng không tổ chức kỳ thi ngay được. Nếu quyết định dừng kỳ thi phải có sự đồng ý của Quốc hội.

Liên quan đến việc những thí sinh đã thi được 1 số môn nhưng sau đó không thể thi tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định, với những thí sinh F0 phát hiện trong quá trình thi, nếu chỉ xét tốt nghiệp thì các em được quyền đặc cách xét tốt nghiệp.

“Nếu thí sinh không lựa chọn quyền lợi đặc cách này và đã thi được một số môn ở đợt 1 thì sang đợt thi thứ hai, các em có quyền đăng ký thi tiếp nhưng môn chưa thi. Kết quả thi đợt 1 như thế nào sẽ được bảo lưu sang đợt thi thứ 2.”-PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định.

Liên quan đến nghi vấn về việc lọt đề Toán ra bên ngoài khi thí sinh vẫn đang làm bài thi, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, ngay sau khi có thông tin nghi vấn đề thi Toán bị lọt ra ngoài và đưa lên mạng xã hội, Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Và đến nay đã xác định được 1 thí sinh của điểm thi trường THPT Lệ Thủy (Quảng Bình) vi phạm quy chế mang di động vào phòng thi và khả năng đã chụp đề thi đưa ra bên ngoài. 

Hiện cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc. Khi nào có kết quả cuối cùng Bộ GD-ĐT sẽ thông tin cụ thể, rộng rãi tới công luận.

Theo Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là 1.021.340. Trong đó, có 39.920 thí sinh tự do (chiếm tỷ lệ 3.91%), có 222.297 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT (chiếm tỷ lệ 21,77%), có 35.779 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh (chiếm tỷ lệ 3,51%), có 763.244 thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh (chiếm tỷ lệ 74.73%); số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 358.788 (chiếm 35.13%); số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 655.620 (chiếm 64.19%).

Tổng số Điểm thi: 2233; tổng số phòng thi: 43.139. Các Điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Tổng số thí sinh dự thi: 981.773 đạt tỷ lệ 96,13% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, môn Ngữ văn: 97,10%; Toán: 97,18%; Ngoại ngữ: 97.2%; Vật Lí: 96,98%; Sinh học: 97,07%; Hóa học: 97.11%; Lịch sử: 97,24%; Địa lý: 97,29%; Giáo dục Công dân: 97,23%.

Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không thể dự thi là 23.569 chiếm tỷ lệ 2.31%.

Số thí sinh vi phạm Quy chế thi: 18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ.

Từ khóa: Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, PGS.TS Mai Văn Trinh, Đề thi môn ngữ văn, tranh cãi đề thi, kết quả thi, chấm thi, đề thi

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập