Bộ GD-ĐT: Giáo sư Việt Nam chỉ có phòng làm việc rộng 6-7m2
Cập nhật: 07/10/2019
VOV.VN -Bộ GD-ĐT cho biết hiện nay không gian làm việc của GS, PGS, giảng viên tại các trường đại học hiện nay còn rất hạn chế.
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định chi tiết hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD-ĐT.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo là quy định diện tích làm việc của GS, PGS, giảng viên chính, giảng viên. Cụ thể, Bộ quy định mỗi GS cần có diện tích làm việc 24 m2, PGS 18 m2; giảng viên chính, giảng viên là 10 m2.
Bộ GD- ĐT cho rằng quy định này nhằm tránh lãng phí và quản lý các trường trong việc xây dựng. (Ảnh minh họa, nguồn: KT) |
Bên cạnh đó,cơ sở đào tạo phải có phòng nghỉ cho giảng viên. Cứ mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ với diện tích chuyên dùng là 3 m2/giảng viên, diện tích không nhỏ hơn 24 m2/phòng.
Nhiều đại diện các trường đại học cho rằng, nếu quy định này được đưa vào áp dụng sẽ đẩy các trường vào thế khó bởi quỹ đất và nguồn lực có hạn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) lý giải, đây không phải điều kiện về cơ sở vật chất buộc các trường phải thực hiện mà nhằm mục tiêu hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất vượt quá những khả năng nhà trường sử dụng đến.
“Trước đây, Chính phủ quy định định mức sử dụng diện tích làm việc đối với công chức, viên chức trong Nhà nước. Nghị định 152 năm 2017, mới quy định tiếp về các vị trí việc làm mang tính chuyên dùng. Điều này để các cơ quan Nhà nước khi muốn mở rộng cơ sở vật chất, nhà nước sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng để phê duyệt. Điều này tránh các trường hợp nếu không kiểm soát các trường sẽ xin tiền xây dựng gây lãng phí cho Nhà nước. Trong tương lai các trường có dủ điều kiện xây dựng thì nên dựa vào tiêu chuẩn này. Trường nào xây dựng vượt quá quy định sẽ bị tuýt còi”, ông Hùng Anh nói.
Bên cạnh đó, ông Phạm Hùng Anh cũng cho rằng, hiện nay một số trường có trình lên Bộ đề đạt muốn sử dụng cơ sở vật chất để liên doanh, liên kết. Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào diện tích chuyên dụng của nhà trường, nếu còn thừa so với tiêu chuẩn định mức mới được phép khai thác. Nếu diện tích của trường chưa đủ cho việc dạy và học thì không được phép.
Nói thêm về việc một số ý kiến cho rằng, không cần có phòng làm việc riêng cho GS, PGS hay giảng viên chính, ông Hùng Anh cho rằng cách hiểu này chưa đúng. Bởi nhiều nơi vẫn có tình trạng giảng viên dạy hết tiết là về do không có phòng làm việc. Ngoài lớp học, phòng thí nghiệm, GS, PGS, giảng viên chính cần có không gian để làm việc với sinh viên.
Ông Hùng Anh lấy dẫn chứng, tại nhiều nước trên thế giới, một phòng làm việc của GS, PGS phải từ 40-100m2. Trong khi đó, hiện nay trung bình mỗi GS ở Việt Nam có diện tích làm việc chỉ từ 6-7m2.
Ông Hùng Anh cho biết thêm, trong dự thảo thông tư này, Bộ không quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích cho các chức danh lãnh đạo hay nhân viên hành chính vì các chức danh này đã được quy định chi tiết tại Nghị định 152. Do đó, Bộ GD- ĐT chỉ quy định phần diện tích đặc thù của ngành giáo dục gồm: Nhóm hệ thống diện tích dành cho phòng học; Nhóm diện tích dành cho xây dựng phòng thí nghiệm, xưởng thực hành; Nhóm hệ thống thư viện; Nhóm hệ thống ký túc xá, Nhóm hệ thống phục vụ cho giáo dục thể chất; Nhóm nhà ăn, trạm y tế, căng tin; Nhóm diện tích làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên.
“Quy định Bộ đưa ra không phải không thực tiễn, những nội dung này đều xuất phát từ thực tiễn để phát triển các trường đại học. Quy định ấy là căn cứ, định hướng cho sự phát triển trong tương lai của các trường đại học và chỉ áp dụng cho các trường sử dụng ngân sách Nhà nước”, ông Hùng Anh khẳng định./.
Từ khóa: Bộ GD-ĐT, không gian làm việc của GS, Giảng viên chính, PGS, phòng làm việc
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN