Bộ GD-ĐT chính thức ban hành quy chế tuyển sinh đại học 2022
Cập nhật: 10/06/2022
[VOV2] - Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Mầm non vừa được Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.
Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục Mầm non vừa ban hành có một số điểm mới đáng chú ý:
Đăng ký nguyện vọng xét tuyển sau thi
Thí sinh dự tuyển đợt 1 đào tạo chính quy (bao gồm cả những thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
Sẽ thay đổi việc tính mức điểm ưu tiên
Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Theo lộ trình áp dụng (từ năm 2023), quy chế đã quy định: mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm mưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức:
Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Tuy nhiên năm 2022, vẫn áp dụng Mức điểm ưu tiên cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên;
Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng.
Xét tuyển và xử lý nguyện vọng theo kế hoạch chung
Sau khi kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, cơ sở đào tạo tải thông tin, dữ liệu từ hệ thống để phục vụ xét tuyển, bao gồm dữ liệu đăng ký nguyện vọng và kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập cấp THPT của những thí sinh dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo các phương thức tuyển sinh.
Sau mỗi chu kỳ xét tuyển, cơ sở đào tạo tải lên hệ thống danh sách thí sinh dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh). Hệ thống xử lý nguyện vọng sẽ tự động loại bỏ khỏi danh sách những nguyện vọng thấp của thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng, trả lại danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.
Căn cứ kết quả xử lý nguyện vọng, cơ sở đào tạo lặp lại quy trình xét tuyển ở chu kỳ sau, điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định. Ở chu kỳ cuối, cơ sở đào tạo quyết định điểm trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh) và tải lên hệ thống danh sách (chính thức) thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Trên cơ sở kết quả xử lý nguyện vọng cuối cùng, cơ sở đào tạo quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo.
Cơ sở đào tạo công bố điểm trúng tuyển (và các điều kiện, tiêu chí phụ nếu có) vào các ngành, chương trình đào tạo theo các phương thức tuyển sinh; tổ chức cho thí sinh tra cứu kết quả xét tuyển của cá nhân trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (hoặc của nhóm cơ sở đào tạo phối hợp xét tuyển).
Từ năm 2023, các trường xây dựng đề án tuyển sinh
Cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để giúp Thí sinh lựa chọn trường, ngành, chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện cá nhân; chuẩn bị các điều kiện tham gia dự tuyển và thực hiện các bước theo kế hoạch tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Nội dung chủ yếu của đề án tuyển sinh bao gồm:
- Thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo
- Thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học; chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính...
- Kế hoạch tuyển sinh và phạm vi tuyển sinh các đợt trong năm gồm cả quy định về đối tượng và điều kiện tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành, chương trình đào tạo; quy trình, thủ tục đăng ký dự tuyển và các thông tin cần thiết khác cho thí sinh.
- Các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của cơ sở đào tạo.
Cơ sở đào tạo thông báo tuyển sinh kèm theo công bố đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và qua các hình thức thích hợp khác trước khi mở đăng ký dự tuyển của đợt tuyển sinh đầu tiên ít nhất 30 ngày; trường hợp điều chỉnh, bổ sung (nếu có) trước ít nhất 15 ngày.
Từ năm 2023, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa những quy định của Quy chế này cho các hình thức đào tạo, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.
Từ khóa: Quy chế tuyển sinh 2022, Bộ GD-ĐT, Tuyển sinh, quy chế, THPT, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2