Bộ Công Thương tìm hướng phát triển logistics và chuyển đổi số cho vùng ĐBSCL

Cập nhật: 02/12/2023

VOV.VN - Trong 2 ngày 1-2/12, tại Cần Thơ, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023, với chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long”.

 

Ngành logistics của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Doanh nghiệp trong ngành logistics ngày càng tăng lượng và mở rộng về về số quy mô, đến cuối năm 2021 có gần 35.000 doanh nghiệp với tổng số hơn 563.350 lao động đang làm việc, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực logistics tăng mạnh, giai đoạn 2015 - 2019 có 365 dự án, giai đoạn 2020 - 2022 có 203 dự án. Năm 2023, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam ở vị trí 43 trên 139 nền kinh tế được xếp hạng.

Việt Nam cũng lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics được dự báo đạt mức 5,5%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do những bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.

Riêng vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây cả nước. Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics là rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với vị trí địa lý chính trị đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những biến đổi trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, logistics cũng không ngoại lệ. Do vậy, diễn đàn là không gian mở để các bộ, ngành cùng doanh nghiệp tìm ra những định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng tối ưu những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

“Bên cạnh các vấn đề lớn, vĩ mô được thảo luận trong Phiên Toàn thể, Bộ Công Thương cũng tổ chức Phiên chuyên đề về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong logistics, tạo đột phá cho logistics Đồng bằng sông Cửu Long”, nhằm tạo cơ hội để đại biểu thảo luận, chia sẻ chi tiết hơn các ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm hay, giải pháp, công nghệ mới, giúp giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động logistics, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp”, bà Phan Thị Thắng cho biết.

Trong khuôn khổ Diễn đàn năm nay, Bộ Công Thương cũng chủ trì tổ chức các đoàn doanh nghiệp khảo sát thực tế về cơ sở hạ tầng logistics của vùng ĐBSCL để đại biểu có cái nhìn thực tiễn về thực trạng hệ thống logistics của vùng, cũng như tạo điều kiện thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào lĩnh vực logistics của khu vực giàu tiềm năng này.

Từ khóa: logistics, phát triển logistics,chuyển đổi số,vùng ĐBSCL

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: hồng phương/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan