Bộ Công Thương phản hồi về công tác điều hành xuất khẩu gạo

Cập nhật: 21/04/2020

VOV.VN - Bộ Công Thương thông tin về các ý kiến và đề xuất của Bộ Tài chính liên quan tới phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian qua.

Liên quan đến văn bản số 4676/BTC-TCHQ ngày 16/4/2020 của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ có đưa ra một số nhận xét, đánh giá về phương thức điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự việc này.

Tại văn bản số 4676/BTC-TCHQ, Bộ Tài chính nhận xét, việc Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ trong một cuộc họp với 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo, và như vậy là "chưa nghiêm túc".

Bộ Công Thương khẳng định, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, việc tổ chức làm việc với từng tỉnh, từng doanh nghiệp chủ chốt để nắm tình hình là không khả thi. Vì vậy, Bộ Công Thương với tư cách Bộ chủ trì đã mời các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tham dự buổi làm việc với Đoàn kiểm tra vào ngày 26/3 là cách làm duy nhất khả thi.

lum xum trong dieu hanh xuat khau gao, bo cong thuong len tieng hinh 1
Nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo.

Kết quả buổi làm việc cho thấy, số liệu về cơ bản khớp với các đánh giá trước đó của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT về sản xuất, cung - cầu và xuất khẩu gạo, kể cả các dự báo về tiến độ xuất khẩu tới cuối tháng 5/2020.

“Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra và trong các góp ý sau đó, không có tỉnh, thành phố, doanh nghiệp hay Bộ, ngành nào, kể cả Bộ Tài chính, cho rằng việc chỉ tổ chức một cuộc họp 1/2 ngày là "chưa nghiêm túc" và "chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo" như Bộ Tài chính sau này nhận xét”, Bộ Công Thương chỉ rõ.

Đối với báo cáo của Bộ Tài chính cho rằng, đã 2 lần góp ý với Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu gạo nhưng không được Bộ Công Thương tiếp thu… Bộ Công Thương khẳng định, trong báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành và sau đó là của Bộ Công Thương trình bày đánh giá tình hình, dự báo các khả năng, phản ứng của quốc tế đối với lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, phương án và phương thức điều hành xuất khẩu gạo…Bộ Tài chính hoàn toàn không phản đối cả về hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng như phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS).

Không những thế, Bộ Tài chính còn giúp Bộ Công Thương hoàn chỉnh phương án điều hành qua các góp ý về thẩm quyền áp dụng hạn ngạch, cũng như các trường hợp không cần áp dụng hạn ngạch.

“Trong cả 2 lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia". Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế”, Bộ Công thương dẫn chứng.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra. Do đó, cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.

Chính vì thế, đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển bởi bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).

Hơn nữa, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu. Chi phí tăng thêm về thời gian và tiền bạc là rất lớn và bất hợp lý trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo để chung tay cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực.

Đối với đề nghị của Bộ Tài chính về phương thức điều hành FCFS là bất cập, cần thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch, Bộ Công Thương chỉ rõ, trước khi đề xuất phương thức FCFS, Đoàn kiểm tra liên ngành đã thận trọng tham khảo ý kiến Tổng cục Hải quan về tính khả thi của đề xuất. Trong suốt 2 tuần sau khi báo cáo và phương án điều hành của Đoàn kiểm tra được công bố, Bộ Công Thương không nhận được ý kiến nào khác của cả Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.

Mặc dù vậy, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về điều hành xuất khẩu gạo tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương vẫn một lần nữa gửi dự thảo Quyết định của Bộ Công Thương về áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo tới Tổng cục Hải quan để xin ý kiến. Tuy nhiên, trong góp ý của mình, Tổng cục Hải quan không đề cập tới các "bất cập" của phương thức điều hành FCFS./.

Từ khóa: xuất khẩu gạo, đoàn kiểm tra, hạn ngạch xuất khẩu gạo, bộ công thương

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập