Bộ Công Thương bàn giao nhiệm vụ xử lý 12 dự án chậm tiến độ
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ có 11 trong tổng số 12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương được chuyển về UBQLVNN.
Cuối giờ sáng 9/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ trì bàn giao nhiệm vụ xử lý một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN). Đại diện đơn vị tiếp nhận là ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong số 12 dự án tồn tại của ngành công thương, đã có 2 trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động kinh doanh thua lỗ là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung đã đi vào hoạt động từ năm 2018 và đã có lợi nhuận, đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Buổi lễ bàn giao |
4 nhà máy còn lại là Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy đạm Ninh Bình và Công ty DQS đã giảm dần lỗ lũy kế, vẫn đang tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại là NM sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (vận hành trở lại 3 dây chuyền từ tháng 4/2018 và nâng lên 10 dây chuyền vào ngày 13/1/2019) và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi (đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018). Hiện tại, dự án còn lại là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại.
Còn lại 3 dự án đang đầu tư xây dựng dở dang là Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Những dự án này được Bộ Công Thương khẳng định vẫn còn những phức tạp, như có liên quan đến yếu tố nước ngoài, hoặc việc đầu tư không còn phù hợp…
Phát biểu tại lễ tiếp nhận/bàn giao, ông Nguyễn Hoàng Anh - Bí Thư TƯ Đảng, Chủ tịch UB Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty và DN trong việc triển khai có hiệu quả các dự án sau khi tiếp nhận từ Bộ Công Thương về.
"Tôi mang thông điệp đầu tiên đến với các doanh nghiệp, đó là trách nhiệm của Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn, chắc chắn sẽ rất nặng nề và thực sự đây là một trong những tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Và tôi nhớ không nhầm thì Luật doanh nghiệp quy định, 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ là có chuyện, chứ không phải đợi là có lỗi hay có tội thì bắt đầu mới xử lý đâu. Mà vấn đề là ngay cả chúng ta có làm cho doanh nghiệp phát triển hay không phát triển được có yếu tố của các dự án này..." -ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, vẫn còn dự án NM bột giấy Phương Nam chưa được bàn giao. Việc bàn giao/tiếp nhận hôm nay vẫn chỉ là trên nguyên tắc, công việc vẫn phải là sự phối hợp.
Sau chương trình này sẽ thực hiện nốt các công việc theo Nghị định 131/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban, để trọn vẹn công việc giao cho Ủy ban. Về phía Ủy ban cũng sẽ cố gắng nỗ lực cùng với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và các thành viên trong BCĐ để làm tốt nhất nhiệm vụ đề ra, ông Nguyễn Hoàng Anh nói./.
Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nhiều mục tiêu vẫn còn trên giấy
Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước đang “chậm dần đều“?
Từ khóa: Bộ Công Thương, xử lý 12 dự án chậm tiến độ, dự án kém hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN