Bộ Công an tổ chức hội thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia
Cập nhật: 25/10/2024
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Chiều 25/10 tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia và góp ý xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu.
Tại hội thảo, các đại biểu nhận định chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 sẽ mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn.
Chiến lược dữ liệu Quốc gia còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) nhận định: Muốn chuyển đổi số được, trước tiên phải tạo lập được được nguồn dữ liệu, nguồn dữ liệu này sẽ được sử dụng để mang lại những giá trị cho người dân.
Trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh xác định điện tử, trong đó dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc, nằm trong tổng thể mô hình tam giác để tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Qua 2,5 năm triển khai Đề án 06, đã mang lại những điều cơ bản nhất tạo lập nhóm dữ liệu, trong đó khẳng định 5 nhóm vấn đề: Đề án đã cung cấp các dịch vụ công thiết yếu (nền tảng cơ bản để tạo lập dữ liệu); phục vụ cho việc phát triển kinh tế; tạo lập được công dân số; tạo lập bộ dữ liệu dùng chung để các đơn vị liên quan khai thác; giá trị tham mưu, hoạch định chính sách cho địa phương, cho Chính phủ.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 cho biết: “Chúng ta đang có quan niệm số hóa xong dữ liệu mới đưa vào dùng, nhưng thực tế, qua triển khai dữ liệu dân cư, thấy rằng, khi dữ liệu được số hóa phải mang dùng ngay thì mới sống. Bên cạnh đó, dữ liệu nào là dữ liệu gốc, cốt lõi, khi được tạo lập sẽ là nền tảng để tạo lập cho các dữ liệu khác. Ví như, dữ liệu dân cư được tạo lập sẽ là nền tảng để cho ngành tư pháp tiếp tục số hóa”.
Phát biểu tham luận, Giáo sư Trần Thọ Đạt (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: "Trong các Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số Quốc gia, lần đầu tiên chúng ta đưa ra một con số rất rõ ràng. Đó là tỉ trọng kinh tế số đến năm 2025 là 20%, đến năm 2030 là 30%. Kinh tế tức là thị trường, thị trường là cung và cầu. Nói đến kinh tế số phải nói đến dữ liệu. Dữ liệu trong tay một người có thể có giá trị 1 triệu USD, nhưng dữ liệu trong tay một người khác có thể không có giá trị gì. Từ những nghiên cứu đó, chúng ta phải đưa ra một lộ trình phát triển với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam về kinh tế số".
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tiếp tục tham vấn chính sách cho các cơ quan tổ chức để đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng các bộ dữ liệu. Trên cơ sở kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, từ đó tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất hơn. Các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm, phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Từ khóa: Bộ Công an, hội thảo, chiến lược, dữ liệu, quốc gia, kinh tế số, luật dữ liệu,Bộ Công an
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: võ nam/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN