Bộ Công an khuyến cáo: Cảnh giác với tội phạm lừa đảo trong du lịch
Cập nhật: 23/12/2023
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Bộ Công an khuyến cáo người dân: Tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ, xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết...
Theo Bộ Công an, lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5 và kỳ nghỉ hè sắp tới, đồng thời lợi dụng tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân Việt Nam, các đối tượng tội phạm đã gia tăng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân dưới nhiều hình thức.
- Đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.
- Đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ…Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền
- Làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
- Làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Đối tượng có thể sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người mà các đối tượng muốn giả mạo) và thực hiện cuộc gọi video (hình ảnh) để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.
- Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.
Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán.
Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.
Tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch). Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.
Cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.
Chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…
Đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo qua internet
Để tiếp tục đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả các loại tội phạm này, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh, điều tra xử lý nghiêm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nhất là lừa đảo qua mạng), tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất, chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
Thường xuyên thông báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, giúp người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm.
Thứ hai, phối hợp với các ban, bộ, ngành, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm lừa đảo như: Lĩnh vực đầu tư, huy động vốn, kinh doanh bất động sản, kinh tế số, cho vay qua ứng dụng (app), vay ngang hàng (P2P Lending), thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, hoạt động trên không gian mạng (tài khoản mạng xã hội, thương mại điện tử, mua bán, kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử, huy động tài chính, đầu tư theo mô hình đa cấp...), quản lý chặt chẽ thuê bao điện thoại di động...
Chủ động phối hợp với các ngân hàng phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để phát hiện, truy vết tội phạm.
Thứ ba, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet.
Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra, xác minh, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet.
Thứ tư, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021).
Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành nghiên cứu, tổ chức các hình thức khác nhau (đường dây nóng, hộp thư tố giác...), tạo thuận lợi cho người dân trong cung cấp thông tin, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet nói riêng.
Từ khóa: Bộ Công an, Bộ Công an khuyến cáo,Cảnh giác với tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực du lịch,tội phạm lừa đảo, lừa đảo , tội phạm ,lừa đảo trong lĩnh vực du lịch,lừa đảo qua mạng,bộ công an khuyến cáo
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hoàng/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN