Blogger du lịch "giàu có" nhờ lan tỏa hình ảnh quê hương, đất nước Việt Nam

Cập nhật: 20/07/2021

VOV.VN - Dù mang lại thu nhập, nhưng "Blogger du lịch" không hẳn là một nghề "hái ra tiền". Qua những chuyến đi, mỗi người trong số họ giàu thêm về trải nghiệm, kiến thức và niềm vui vì những đóng góp cho cộng đồng.

Có thể định nghĩa "Blogger du lịch" là những người đam mê khám phá, đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để đi du lịch và chia sẻ những thông tin, trải nghiệm, hoặc tất cả những gì liên quan đến chuyến đi cho mọi người, một cách có trách nhiệm trên một nền tảng truyền thông nhất định. Tương tự, nhiều "Youtuber" (người sáng tạo nội dung trên Youtube), "Tiktoker" (người sáng tạo nội dung trên TikTok) hay "KOLs", "Influencer" (người có tầm ảnh hưởng lớn) nếu truyền tải các nội dung về du lịch cũng có thể gọi chung là "Blogger du lịch". 

Khác với những du khách thông thường, hoặc những người chia sẻ "cho vui", ở "Blogger du lịch", sự đầu tư tạo ra trách nhiệm, còn đam mê giúp bù đắp phần nào thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra. Vì tính chất công việc, hành trình du lịch của họ sẽ chuyên nghiệp và chi tiết hơn gấp nhiều lần một chuyến đi chơi thuần túy.

Nghề kích cầu du lịch

Một Blogger đã từng chia sẻ, công việc này luôn phải tự hỏi về điểm đến tiếp theo, dấu ấn của mình là gì để không nhạt nhòa giữa những người khác. Mỗi người chọn một nền tảng, phong thái, cách thức truyền tải khác nhau; nhưng cùng chung mục đích lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, khuyến khích và hướng dẫn mọi người đi du lịch một cách an toàn, trọn vẹn nhất.

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, Blogger Vinh Gấu cho biết mong muốn của anh khi làm công việc này là "những thông tin, trải nghiệm có ích cho người xem và những câu chuyện đủ tạo cảm hứng để bạn đọc đi du lịch nhiều hơn". Còn Blogger "Dế mèn du ký" cho rằng "Blogger du lịch" thành công cần phải "tạo ra những sản phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền được cảm hứng tích cực cho khán giả của mình, quảng bá được hình ảnh của quê hương, đất nước ngày càng rộng khắp hơn".

Năm 2019, Tổng cục Du lịch và TikTok Việt Nam đã hợp tác quảng bá du lịch trên nền tảng Tiktok, thông qua chương trình #HelloVietnam và các chiến dịch nhánh gồm #HelloDanang, #AncungTiktok, #HelloNinhBinh. Rất nhiều tiktoker đã tham gia sáng tạo những góc nhìn mới về Việt Nam và lan tỏa những giá trị thiên nhiên, văn hóa của từng địa phương. 

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình cho biết, chương trình #HelloNinhBinh đã góp phần tôn vinh những danh lam thắng cảnh, giá trị lịch sử văn hóa của Ninh Bình, mang đến một góc nhìn mới và đưa du lịch Ninh Bình đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế. Các video tạo cho du khách sự tò mò, muốn tự tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Ninh Bình.

"Các Blogger du lịch, những người ảnh hưởng của cộng đồng du lịch đã tạo ra niềm tin cho du khách, góp phần biến những địa điểm bình thường trở thành điểm thu hút khách. Với kinh nghiệm trải qua nhiều cuộc hành trình, họ mang đến cho khách hàng cảm giác chân thật của mỗi điểm đến" – ông Minh nhận định.

Những nhà hoạt động môi trường

Blogger Vinh Gấu chia sẻ, anh luôn kêu gọi du khách hãy ý thức và bảo vệ môi trường ở những nơi mình đến. Ngoài các bài viết về trải nghiệm du lịch, anh cũng có những bài về bảo vệ động vật và thiên nhiên hoang dã. "Mình yêu sự hoang sơ, yêu thiên nhiên nên luôn kêu gọi mọi người gìn giữ những điều này để cho thế hệ sau được tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng". Blogger "Dế mèn du ký" cũng kiên trì lặp lại các thông điệp như "đừng để lại bất kỳ thứ gì khác ngoài dấu chân" trong các video của mình.

Còn với "cô gái đại dương" Zen Le (giải Nhất cuộc thi Video giới thiệu du lịch Việt Nam do Tổng cục Du lịch tổ chức năm 2019), sau mỗi chuyến lặn biển, cô thường chia sẻ những hình ảnh, cảnh quay đời sống sinh vật dưới đại dương đến với mọi người, với mong muốn người xem chiêm ngưỡng vẻ đẹp và nâng cao ý thức giữ gìn biển cũng như môi trường nhiều hơn. 

"Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ là khách ghé thăm, xin đừng chạm tay hay mang đi những gì thuộc về biển. Cho dù đại dương rộng lớn đến đâu, thì mỗi hoạt động hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta cũng đều tác động tới môi trường này; từ việc chặt cây phá rừng, đánh bắt thuỷ sản bừa bãi, hay bỏ lại thiết bị ngư cụ hỏng trong lòng biển hoặc sử dụng túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa dùng một lần,…" Blogger Zen Le cho biết.

Không chỉ là một Blogger du lịch, Ngô Trần Hải An thường xuyên cộng tác với các vườn quốc gia, tổ chức phi chính phủ để tuyên truyền bảo vệ động vật và thiên nhiên. Blogger này kể lại, không ít lần anh đã đấu tranh về tình trạng ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch: "Tôi là người có sao nói vậy, có khen có chê. Trước đây, có lần đến đảo Nam Du thấy rác rất nhiều, tôi đã phản ánh một loạt bài về vấn đề xả rác, trách nhiệm của địa phương, du khách và cả người dân tại đây. Hay như khi Điệp Sơn bị tàn phá, dịch vụ ở Hòn Nưa tăng vô tội vạ… tôi cũng nêu lên vấn đề, có lúc gửi đăng báo, có lúc trên trang cá nhân để mọi người có ý thức hơn, cũng là tạo góc nhìn đa chiều hơn". 

Đòi hỏi kiến thức và trách nhiệm

Ngô Trần Hải An chia sẻ, với cá nhân anh, kiến thức là điều tối quan trọng với một Blogger du lịch. Kiến thức để bản thân an toàn, kiên định với đam mê và cũng để lan tỏa những điều tích cực. 

Anh nói: "Tôi cho rằng Blogger du lịch phải có kiến thức và trình độ, nếu không rất dễ lan tỏa những thông tin du lịch sai lệch và gây ra nhiều hậu quả khó lường. Mỗi người sử dụng mạng xã hội phải có ý thức về câu chuyện, thông tin mình đưa ra, không đưa tin giả. Nếu cá nhân tôi không kiểm chứng được thông tin, tôi cũng không chia sẻ với mọi người. Chúng tôi có một nhóm chung để trao đổi, kiểm tra thông tin giúp cho mọi người cảnh giác với những điều sai lệch và cùng lan tỏa sự tích cực".

Blogger Vinh Gấu cho biết, anh luôn đặt mình vào vị trí của khách du lịch để đánh giá về những trải nghiệm, dịch vụ một cách có trách nhiệm hơn: "Nếu tốt mình sẽ khen, nếu chưa tốt thì mình sẽ góp ý, nếu tệ thật sự thì sẽ cảnh báo… Mình sẽ chia sẻ cảm nhận thật của mình về những trải nghiệm đó, việc quyết định có trải nghiệm dịch vụ đó hay không là ở người đọc. Về hình ảnh, mình không cố gắng tận dụng các công cụ hỗ trợ (như tạo mây, bầu trời giả,…) sẽ làm mất đi vẻ tự nhiên của điểm đến".

Ngoài những lúc online, các Blogger du lịch cũng đang ngày càng tích cực tham gia các hoạt động thực tế, mang kiến thức và trải nghiệm chia sẻ tới các cộng đồng làm du lịch. Mới đây, hàng loạt KOLs đã tới Quảng Bình để hỗ trợ sản xuất nội dung quảng bá và hướng dẫn kỹ năng tiếp thị điểm đến, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số cho doanh nghiệp địa phương. 

Theo ông Trần Xuân Cương, đại diện CLB Du lịch Quảng Bình, trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19, nhiều đơn vị đã cắt giảm lao động và thiếu kinh phí chi trả cho việc tiếp thị, quảng bá. Chương trình này đã giúp các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Bình có thể tự thực hiện nội dung trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, thu hút du khách.

"Thông qua các kênh với lượt tương tác lớn sẵn có, các hoạt động quảng bá du lịch Quảng Bình dễ dàng tiếp cận đến những người yêu thích du lịch. Những video hay hình ảnh được chia sẻ rộng rãi đã tạo được hiệu ứng tốt. Chương trình lần này được hàng loạt Youtuber, Blogger hỗ trợ miễn phí cho những người làm du lịch, nhưng dư âm và tính hiệu quả là vô cùng lớn. Lượng khách đến và tìm hiểu Quảng Bình rất đông, tiếc rằng sau đó Covid-19 lại khiến du lịch bị ngưng trệ" - ông Trần Xuân Cương cho biết.

Ông Trần Xuân Cương đánh giá, các hoạt động quảng bá được sự hỗ trợ của các KOLs mang tính hiệu quả cao, chi phí ít và đúng xu hướng hiện nay: "Quảng bá du lịch qua các KOLs sẽ là cách tiếp cận nhanh nhất và kênh hiệu quả để quảng bá du lịch hiện nay. Bởi họ là những người có tầm ảnh hưởng, làm việc chỉn chu và chuyên nghiệp, đầy kinh nghiệm trong việc quảng bá trên nền tảng số; qua đó góp phần đẩy thương hiệu điểm đến, quảng bá tốt cho nơi họ đến".

Ngoài Quảng Bình, ngành du lịch rất nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An… đã có sự đồng hành của các KOLs trong các hoạt động quảng bá du lịch và phát động thị trường. Có thể thấy, Blogger du lịch sẽ ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cộng đồng và ngành du lịch nói riêng. Còn với cá nhân họ, chắc chắn mỗi người sẽ nhanh chóng trở nên giàu có về những trải nghiệm, kiến thức, niềm tự hào khiến nhiều người ngưỡng mộ. Như Zen Le chia sẻ: "Chúng ta hãy tin rằng tử tế, lòng biết ơn và tình yêu thương là phương pháp chữa lành mọi thứ một cách hữu hiệu nhất"./.

Từ khóa: travel blogger, thu nhập khủng, sáng tạo nội dung, youtuber, tiktoker, KOL, influencer, du lịch Việt Nam, vườn quốc gia

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập