Bình tĩnh với toàn cầu hóa trong văn hóa

Cập nhật: 01/01/2023

Toàn cầu hóa về kinh tế và dân chủ chứ không về văn hóa, văn hóa càng khác biệt càng tốt. Nhưng điều này không dễ thực hiện...

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra một vấn đề của toàn cầu hóa trong văn hóa hiện nay, đó là thế hệ trẻ rất giỏi ngoại ngữ, piano, công nghệ thông tin, lịch sử văn hóa phương Tây... thay vì các kiến thức văn hóa truyền thống Việt Nam.

Nhưng toàn cầu hóa có phải là con "ngáo ộp" đáng sợ sẽ nuốt chửng văn hóa truyền thống một khi con người của nền văn hóa ấy chỉ mải mê khám phá thế giới mà lãng quên nét đẹp của nơi mình thuộc về, khi những đứa trẻ chung cư chẳng còn mấy gần gũi với phong tục tập quán của ngôi làng ngay cạnh chung cư đó?... 

Tuổi Trẻ trò chuyện đầu năm với nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng - người đã có nhiều quan sát và nghiên cứu, viết câu chuyện văn hóa Việt Nam vần xoay theo những biến động xã hội, và đặc biệt là thời kỳ toàn cầu hóa gần đây.

Rồi cũng đến lúc quay lại cội nguồn

PV: Có lẽ một lớp công dân toàn cầu chẳng có gốc rễ văn hóa cụ thể đang hình thành và đây có phải là câu chuyện đau đầu của văn hóa Việt Nam trong xã hội đương đại?

Phan Cẩm Thượng: Chẳng có vấn đề gì gọi là đau đầu, đây là quá trình tất yếu của toàn cầu hóa, nhiều cái phát triển, nhiều cái mất đi, các sắc tộc nhỏ bị thu hẹp, những dân tộc lớn cũng mất nhiều bản sắc mà hòa chung vào lối sống của nhân loại.

Việt Nam là đất nước có nền văn hóa lâu đời, nhưng nền văn hóa này thiếu tính bền vững, thích vọng ngoại, đôi khi tự làm mất bản sắc, trong khi ý thức độc lập dân tộc thì rất bền vững. 

Có người nước ngoài nhận xét: "Liên tục chống ngoại xâm phương Bắc, cũng liên tục cộng sinh với nền văn hóa phương Bắc, là đặc điểm của văn hóa Việt Nam" (xem Nghệ thuật Việt Nam, Z.Heyzola, Praha xuất bản, 1970).

Nhưng hiện tượng muốn từ chối văn hóa truyền thống là một việc khác hẳn, nó bắt đầu từ những học sinh nhỏ hiện nay chán ghét môn lịch sử, rồi những người lớn hơn thì thuộc sử nước ngoài hơn sử ta.

PV: Nguyên nhân nào, thưa ông?

Phan Cẩm Thượng: Các bài học quá khứ chỉ trở nên hấp dẫn nếu hữu ích trong hiện tại, còn không nó chỉ có giá trị ký ức, tưởng niệm. Người bây giờ căn cứ vào thành công và thất bại hiện tại của mình mà đánh giá quá khứ có cần thiết hay không. 

Nếu cha ông để lại vốn liếng nghèo nàn thì con cháu cũng xa dần gốc rễ, cha ông không nghiêm cẩn, suy đồi về đạo đức thì càng không thể dạy dỗ gì con cháu. 

Đó chính là vấn đề tại sao thanh niên muốn mất gốc, họ đang nhìn vào tấm gương ngay trước mặt mình, đó chính là những bậc phụ huynh đang chịu khó chạy chọt, đút lót, tham nhũng, học giả dối mà đòi bằng cấp, chấp nhận tiêu cực xã hội để an thân hằng ngày. 

Thử hỏi như vậy truyền thống còn mấy ý nghĩa mà bắt rễ, theo đuổi.

Công dân toàn cầu cũng là một mô hình tốt, tiêu đô la, nói tiếng Anh, làm việc tích cực, đi lại đây đó, tự do, không ràng buộc với tài sản, hôn nhân... thế thì quá hay rồi, có gì mà phải từ chối, nếu cái dân tộc sinh ra anh ta không mặn mà với anh ta lắm, văn hóa của dân tộc anh ta không đủ vốn liếng cho anh ta có thể lập nghiệp lúc này...

Nhưng dân tộc, đất nước, mẹ cha lại là ba thứ có sẵn, không thể thay đổi với một con người, nếu từ chối cái bản nguyên ấy, con người cũng trở nên lạc loài và thể nào cũng đến lúc muốn quay lại. 

Người bây giờ chú trọng đến nghề nghiệp, địa vị, thu nhập nên nói tiếng Anh trước tiếng mẹ đẻ, có lợi hơn rất nhiều để trở thành nhân viên công ty hiện đại.

Vấn đề này rất lớn, được tranh cãi ở nhiều quốc gia, dân tộc, mà người ta gọi là "nhát cắt vào thế hệ", tức là thế hệ cha nói tiếng mẹ đẻ, thế hệ con nói tiếng Anh, thế là hai bên hoàn toàn khác nhau, ngay trong một gia đình, không có gì thông cảm được nữa. 

Và khi đi làm họ vấp ngay một vấn đề khác, là các công ty lại rất cần nhân viên hiểu biết văn hóa dân tộc họ, để tạo ra những sản phẩm bán ngay vào đất nước sinh ra anh ta.

Văn hóa càng khác biệt càng tốt

PV: Có nhà văn vừa cảnh báo về nguy cơ vô căn tính của các cây viết trẻ hiện nay, văn chương của họ lấy bối cảnh hoàn toàn Tây, thứ văn hóa Tây họ hấp thụ từ việc đọc văn học Tây và xem phim, nghe nhạc Tây... Đây có phải là điều rất đáng lo ngại cho văn chương, nghệ thuật trước cơn lốc toàn cầu hóa?

Phan Cẩm Thượng: Trong quá trình toàn cầu hóa, người ta nhấn mạnh sự hòa đồng về nhiều mặt sinh hoạt, trong các thành phố toàn cầu (một khái niệm mới), tức là các thành phố trên thế giới cơ bản có tổ chức giống nhau, có sân bay, khách sạn, ngân hàng, Internet, giao thông và giao dịch thương mại tương tự, chỉ khác nhau ở văn hóa địa phương cụ thể. 

Toàn cầu hóa về kinh tế và dân chủ, chứ không về văn hóa, văn hóa càng khác biệt càng tốt. 

Nhưng điều này không dễ thực hiện, văn hóa cũng dễ trở nên toàn cầu hóa, theo cách nào đó, gọi là Mỹ hóa, tức là đặc trưng lối sống Mỹ, trở thành lối sống toàn cầu, mà thanh niên có vẻ thích thú.

Trong nghệ thuật thì hoàn toàn không cần thiết sự toàn cầu hóa, hoặc chỉ là chất liệu phương tiện cho nghệ sĩ sử dụng, còn nội dung và hình thức nghệ thuật không nên có sự chung nhất. 

Tuy nhiên, nghệ thuật cũng đang toàn cầu hóa về phong cách và kỹ thuật ở nhiều mức độ, nhất là các nghệ thuật đương đại, như sắp đặt, trình diễn, video act (action, trình diễn) và video art, nghệ thuật đa phương tiện... Sự chung nhất về kỹ thuật và công nghệ của các nghệ sĩ lưu trú cũng dẫn đến sự giống nhau, phi dân tộc tính của nghệ thuật.

PV: Ở chiều ngược lại, có một số nghệ sĩ trẻ giàu nội lực, họ sau khi trở về từ chuyến du học, nhận ra kho tàng vô giá của văn hóa nghệ thuật truyền thống và họ khai thác cái vốn giàu có ấy đưa vào các tác phẩm của mình. Xu hướng này sẽ mang lại hy vọng cho văn hóa nghệ thuật?

Phan Cẩm Thượng: Mỗi thế hệ có việc của mình, không nhất thiết cứ phải học truyền thống, khai thác truyền thống. Trên thực tế, tôi thấy rất ít nghệ sĩ đã du học muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc.

Nếu họ được trang bị văn hóa truyền thống rồi, thì đi học nước ngoài, họ vẫn giữ bản lĩnh, còn ngược lại nếu chưa đào tạo gì trong nước, mà đưa đi học ngay nước ngoài, họ lập tức nhuốm màu văn hóa nơi đó. 

Anh học Nga thì coi nhất là Lev Tolstoy, anh học Pháp thì nhất là Manet, anh học Trung Quốc thì thư pháp, thơ Đường. Nghệ thuật về bản chất không cần hy vọng, ai có tài thì khắc thành đạt, ai không có hoặc vừa vừa thì cũng chả hy vọng làm gì.

PV: Ông có định sẽ viết về sự biến đổi về tập tục văn hóa trong xã hội đương đại không, một xã hội mà ông từng đặt câu hỏi không biết có ngày nào đó người ta sẽ thờ ông thần máy tính hay không?

Phan Cẩm Thượng: Dẫu người ta sẽ thờ ông thần máy tính thì cũng không quan trọng, mỗi bước đi của xã hội cũng là bước đi của tôn giáo. Con người - Homo Sapiens (người khôn ngoan), cũng là Homo Religius (con người tôn giáo). Tôn giáo, tập tục cũng thay đổi theo bước chân con người.

Nhà văn trẻ Hiền Trang: Bản sắc không cố định

Tôi nghĩ bản sắc là một thứ không cố định hay đứng yên một chỗ, bản sắc là thứ có khả năng thẩm thấu và mở rộng. 

Khoảng cách thời gian - không gian đôi khi tạo ra những phiên bản khác nhau trong định nghĩa về "bản sắc" giữa các thế hệ và nhóm sáng tạo.

Không phải chỉ riêng Việt Nam mà thế giới cũng có những va chạm như thế, chẳng hạn Nhật Bản cũng có tranh luận tương tự về những nghệ sĩ như Haruki Murakami. 

Song trong thực tế, luôn có nhiều trường phái sáng tạo cùng tồn tại song song, chúng không hề đối lập hay triệt tiêu nhau mà cùng tạo nên một bức tranh đa diện và phong phú. 

Thay vì giới hạn tính Việt Nam trong một phạm vi nhất định, tôi tin rằng tính Việt Nam có sức mạnh giãn ra đến độ phổ quát./.

Từ khóa: Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu văn hóa, văn hóa toàn cầu

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập