Bình Thuận thông qua nghị quyết về quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến 2050
Cập nhật: 11/10/2023
Sắp xếp tổ chức tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. (28/11/2024)
Rà soát các chính sách phát triển điện lực, tránh dàn trải nguồn lực, khả thi (25/11/24)
VOV.VN - Ngày 10/10, kỳ họp thứ 17 (chuyên đề), HĐND tỉnh Bình Thuận khoá XI đã thông qua nghị quyết về quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là quy hoạch lần đầu tiên được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch mới; phạm vi quy hoạch rất rộng, bao trùm toàn bộ tình hình kinh tế - xã hội và tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Do đó sẽ còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện, bổ sung; nhất là những vấn đề còn đang xây dựng, chưa được định hướng, làm rõ ở cấp quốc gia, vùng (khu vực).
Cụ thể, về phương án phát triển những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thực tế nhiều năm qua, tại các nơi này vẫn chưa chủ động được nguồn nước sản xuất và nước sinh hoạt. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cho các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh, trong quy hoạch cần quan tâm đầu tư hỗ trợ hạ tầng thủy lợi để đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 có quy hoạch đầu tư xây dựng các dự án hồ thủy lợi lớn thuộc địa bàn các xã vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh (trong đó có Dự án hồ La Ngà 3 tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh). Do đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm quy hoạch quỹ đất, đảm bảo thực hiện tái định cư, tái định canh để người dân ổn định cuộc sống khi triển khai các dự án trên.
Về hạ tầng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và nhà tang lễ, trong quy hoạch có nêu: “Mỗi đơn vị hành chính cấp huyện xây dựng ít nhất 1 nhà tang lễ phục vụ địa bàn huyện kết hợp mô hình nhà tang lễ gắn với các bệnh viện tuyến tỉnh, nhà tang lễ gắn với nghĩa trang cấp huyện và cấp vùng”. Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá lại sự cần thiết, tính khả thi khi quy định ít nhất 1 nhà tang lễ/huyện. Đồng thời xem xét sự phù hợp giữa quy hoạch này với việc bố trí quỹ đất, sự phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phong tục, tập quán của từng vùng, nhất là các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Nêu ý kiến tại kỳ họp, đại biểu Lê Hồng Lợi cơ bản nhất trí với quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuy nhiên dự thảo nghị quyết cần nghiên cứu bổ sung nội dung về hạ tầng xử lý nước thải.
"Trong nhiệm vụ quy hoạch, vấn đề hạ tầng cấp thoát nước có nói đến việc thu gom xử lý nước thải, chất thải rắn. Trong quy hoạch, vấn đề này cũng có nhưng chưa sâu. Đề nghị nghiên cứu bổ sung vào phần xử lý chất thải, nước thải để có cơ sở sau này đầu tư phù hợp và thuận tiện hơn", đại biểu Lê Hồng Lợi kiến nghị.
Từ khóa: quy hoạch tỉnh, nghị quyết quy hoạch tỉnh, quy hoạch tỉnh bình thuận, hội đồng nhân dân tỉnh bình thuận
Thể loại: Nội chính
Tác giả: đoàn sĩ/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN