Bình Thuận quyết liệt thực hiện chống khai thác IUU
Cập nhật: 2 ngày trước
Điện thương phẩm tháng 10/2024 của EVNNPC tăng gần 4%
Quốc hội đồng ý chuyển hơn 110.600 tỷ đồng sang chi trả lương cơ sở năm 2025
VOV.VN - Hiện nay, các đơn vị liên quan và địa phương vùng biển ở Bình Thuận tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đặc biệt là việc ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và xử lý nghiêm với tàu cá "3 không".
Lão ngư Trần Văn Thu, ngụ khu phố Phú Hải, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong cho biết, gia đình ông có 2 tàu cá dài trên 15m, thường xuyên đánh bắt xa bờ. Lúc nào cũng thế, cứ mỗi chuyến biển, ông đều đến văn phòng cảng cá để trình báo và các chủ tàu như ông đều được cán bộ ở đây tuyên truyền về khai thác hải sản hợp pháp, đúng quy định để không bị vi phạm.
Thuyền của chúng tôi chấp hành nhiệm vụ đầy đủ, lúc nào đi biển cũng thông báo cho cảng cá và biên phòng, lúc nào cũng có nhật ký hàng ngày. Giám sát hành trình có gì cũng báo cho biên phòng và cảng cá biết đầy đủ. Đi cũng trình về cũng trình, ngày nào mà không đi cũng báo cho cảng cá biết. Ông Thu nói.
Ông Bùi Văn Công, Đội trưởng Đội Hành chính tổng hợp - Ban Điều hành khu tránh bão cảng cá Phan Rí Cửa cho biết, thời gian qua đã phối hợp với lực lượng kiểm ngư, biên phòng để tuyên truyền đến bà con ngư dân chấp hành nghiêm các quy định khi đánh bắt hải sản trên biển.
"Vừa tuyên truyền vừa kiểm tra các thủ tục hành chính như: đăng kiểm, đăng ký, an toàn thực phẩm, rồi hướng dẫn bà con vào cảng cá để làm các giấy tờ có liên quan. Vừa qua, triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT), thì cũng tuyên truyền bà con cập nhật hệ thống này trên điện thoại thông minh, để có thể khai báo trên hệ thống điện tử. Trên hệ thống này cảng cá đã cập nhật được là 287 chiếc/747 chiếc," ông Công nói.
Huyện Tuy Phong là một trong 4 địa phương (Phú Quý, Phan Thiết, La Gi) có nghề cá phát triển với trên 1.851 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm soát 2.657 lượt tàu cá cập cảng và 2.670 lượt tàu cá rời cảng; sản lượng hải sản qua cảng là trên 6.472 tấn; thu 1.147 quyển nhật ký khai thác.
Ông Lê Dương Hoàng Thuỷ, nhân viên Trạm Kiểm ngư khu vực Tuy Phong cho biết, lực lượng chuyên trách tiếp tục mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU, nhất là tàu cá làm nghề giã cào bay hoạt động sai tuyến, tàu cá sử dụng công cụ kích điện khai thác hải sản; tàu cá hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản.
"Hằng ngày trong công tác tuần tra kiểm soát, chúng tôi kiểm tra về điều kiện tàu cá rời cảng và cập cảng. Chúng tôi xử lý nghiêm và không cho đi biển đối với tàu cá “3 không”, tàu cá hết hạn đăng kiểm và hết hạn giấy phép. Trong công tác chống khai thác IUU, chúng tôi cũng tuyên truyền nhắc nhở bà con không vi phạm sai tuyến. Vừa qua Trạm Kiểm ngư khu vực Tuy Phong đã xử lý 3 cặp giã, tức là 6 trường hợp vi phạm sai tuyến với số tiền phạt gần 500 triệu đồng," ông Thuỷ thông tin thêm.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, tập trung quán triệt, triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, đến nay đã rà soát, sàng lọc, lập danh sách 173 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài chỉ đạo giao lực lượng chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Đến nay đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đối với tàu cá hoạt động từ 15 mét trở lên; toàn tỉnh có 8.225 tàu cá được đăng ký, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia VNFishbase.
Riêng tàu cá “3 không”, trên cơ sở rà soát, Chi cục Thuỷ sản chia thành 5 nhóm, xuống từng địa phương, cùng với mẫu biểu hướng dẫn từng xã, phường thực hiện.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đến nay đã hoàn thành đăng ký, cấp phép khai thác cho 2.336 trên tổng số 2.468 tàu cá “3 không” (đạt 94,7%) theo Thông tư số 06 ngày 6/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Khi triển khai mới nhận ra một điều cơ bản nhất là nhu cầu của bà con đều muốn làm chính thức. Một ghe của họ giá trị mấy trăm triệu đến cả tỷ đồng, họ đều muốn đăng ký chứ không phải không, nhưng lâu nay bị vướng thủ tục, bởi vì những ghe này đa phần là của bà con nghèo, họ mua bán sang tay, không liên quan tới số liệu, không có giấy tờ, cứ để vậy đi biển thôi. Ông Huy nói.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, lực lượng chức năng đã xử lý, xử phạt vi phạm hành chính 452 vụ với số tiền 4 tỷ 116 triệu đồng, trong đó có khoảng 53 vụ liên quan các hành vi tàu cá hoạt động không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản, xử phạt 460 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số nhiệm vụ thực hiện chưa đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, tiến độ đề ra. Cụ thể như việc thực hiện đăng ký theo Thông tư số 06 của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đối với nhóm tàu cá chiều dài từ 12 mét trở lên chưa hoàn thành 100%; chưa kiểm soát được tàu cá xuất nhập bến, bốc dỡ sản phẩm tại các bến tạm, bãi ngang. Nhiều tàu vi phạm IUU ra vào cảng cá cũng chưa được xử lý đã ảnh hưởng đến việc truy xuất nguồn gốc, cấp xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiến độ triển khai các dự án khắc phục hạ tầng cảng cá, nạo vét luồng, xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá dù có cố gắng nhưng vẫn chậm...
Thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU, chuẩn bị tốt các điều kiện để làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5, dự kiến vào tháng 11 sắp tới.
Từ khóa: Khai thác, khai thác, thực hiện, Bình Thuận
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: đoàn sĩ/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN