Bình Thuận phải tìm kiếm và phát huy động lực tăng trưởng mới
Cập nhật: 08/03/2025
Thu hút đầu tư từ nước ngoài qua sự kiện “Gặp gỡ Quảng Bình- Quảng Trị năm 2025”
CC1 đầu tư cho chiến lược đào tạo nhân sự quản lý dự án chuẩn quốc tế
VOV.VN - Sáng 8/3, Đoàn kiểm tra số 1923 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận.
Tham gia Đoàn kiểm tra có Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Hội và các thành viên là đại diện một số ban, cơ quan của Đảng, Chính phủ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện Quyết định số 1923 của Bộ Chính trị, Đoàn kiểm tra tiến hành làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận để nghe báo cáo, nắm bắt tình hình thực tiễn địa phương, trao đổi, kiểm tra về 4 nội dung lớn.
Cụ thể là việc tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; việc quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; việc thực hiện Kết luận số 123 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, những kết quả tích cực đạt được của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bình Thuận trong phổ biến, quán triệt, cụ thế hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thời gian qua.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu, Bình Thuận cập nhật tình hình mới, các yêu cầu mới, nhiệm vụ mới theo chỉ đạo của Trung ương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.
Trong thúc đẩy phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bình Thuận phải xác định rõ được các động lực tăng trưởng để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của địa phương. Tỉnh phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ là nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ…, đi liền với tìm kiếm và phát huy những động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chip bán dẫn, AI, năng lượng tái tạo, dịch vụ cao cấp…
Đồng thời, tỉnh phải tập trung tháo gỡ, giải quyết, xử lý dứt điểm đối với 36 dự án còn vướng mắc của địa phương, nhất là đối với các dự án năng lượng; sớm đưa các dự án, các nguồn lực này vào phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, không để thất thoát, lãng phí tài sản.
Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp phân quyền, thúc đẩy tiến độ giải ngân và triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa là động lực phát triển của địa phương.
Về các giải pháp để tăng trưởng, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, Bình Thuận cũng nên làm rõ trong văn kiện Đại hội Đảng của tỉnh sắp tới.
Trong văn kiện của tỉnh, các động lực tăng trưởng mới tỉnh đã xác định chưa, tăng trưởng cũ tỉnh đã tiếp cận với cái cách làm mới như thế nào. Và trong báo cáo chính trị, có bao nhiêu hàm lượng về các động lực tăng trưởng mới, tỉnh phải bổ sung vào. Có AI, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, dịch vụ đỉnh cao chưa… Ý tưởng về xây dựng một trung tâm y tế gắn liền với nghỉ dưỡng, phát huy ở đây mà y tế là cả thế giới phải về đây ví dụ như thế. Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Về Nghị quyết 57, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bình Thuận quan tâm, bố trí nguồn lực thỏa đáng, triển khai thực hiện đồng bộ các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết đề ra. Trước hết, tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, qua đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận cũng kiến nghị với Đoàn Kiểm tra một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Bình Thuận kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện các dự án điện BOT trong chuỗi các dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II, dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ; xem xét, sớm chấp thuận và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 2 Nhà máy điện BOT Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II; giao chủ đầu tư triển khai dự án đường dây truyền tải điện 500 kV/220 kV đấu nối từ Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ vào hệ thống điện quốc gia.
Liên quan công tác xác định giá đất, Bình Thuận kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng quy trình định giá đất khoa học, chặc chẽ, khả thi. Từ đó, tạo điều kiện cho cơ quan xác định giá đất, đơn vị tư vấn xác định giá đất thuận lợi, yên tâm trong quá trình thực hiện công việc; xây dựng cơ chế giám sát quản lý chặt chẽ giữa giá trị thực chuyển nhượng với giá trị ghi trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Từ khóa: Bình Thuận , Bình Thuận, Thủ tướng,Kiểm tra
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: đoàn sĩ/vov tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN