Bình Thuận nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2024
Cập nhật: 15/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Bình Thuận giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt hơn 35% so với kế hoạch; thu nội địa đạt trên 76% dự toán. Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trên, tỉnh Bình Thuận đề ra nhiều giải pháp.
Dù triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, đến cuối tháng 9, thu nội địa của Bình Thuận chỉ hơn 6.894 tỷ đồng, đạt trên 76% dự toán và giảm 1,47% cùng kỳ.
Theo Cục thuế Bình Thuận, đây là mức đạt thấp nhất trong 3 năm gần đây. Trong đó, 2 khoản thu chiếm tỷ trọng lớn (trên 25%) trong dự toán được giao gồm: thu doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 831 tỷ đồng/2.300 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Diệu Hoàng, Cục trưởng Cục thuế Bình Thuận cho biết thêm: "Mọi năm, đến thời điểm này là mình gần cán đích rồi. Năm nay, trong bối cảnh tình hình ở địa phương khó khăn, nhưng mà 2 nguồn hụt lớn, thứ nhất là tiền sử dụng đất, tỉnh giao 624 tỷ đồng, mà đến thời điểm này thu được 1,3 tỷ đồng; thứ hai nữa nguồn thu từ 2 Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tổng 2 nguồn này hutk thu khoảng 1.150 tỷ đồng. Trong khi đó, ở địa phương mình kinh doanh thương mại dịch vụ nhỏ lẻ mà không có cái nguồn thu chủ lực ổn định ngoài xổ số."
Về giải ngân vốn đầu tư công, dù có nhiều nỗ lực nhưng tình hình của tỉnh Bình Thuận không mấy khả quan. Tính đến cuối tháng 9, chỉ giải ngân hơn 1.650 tỷ đồng, đạt hơn 35% so kế hoạch.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài: Việc lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu các dự án còn chậm, dẫn đến chưa có khối lượng để giải ngân.
Đến thời điểm hiện nay có 37 dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, với tổng kế hoạch vốn năm 2024 bố trí là hơn 561 tỷ đồng.
Còn 18 dự án đang triển khai thực hiện vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, đến nay mới giải ngân được hơn 134 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch vốn được giao.
Để đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận đã đề xuất Ban Chỉ đạo thu thành lập Tổ làm việc, làm việc trực tiếp với 33 doanh nghiệp có số nộp từ 10 tỷ đồng trở lên.
Qua kết quả làm việc, Tổ làm việc đã kịp thời động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tìm mọi giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xây dựng các phương án nộp nợ đọng thuế, phấn đấu đạt chỉ tiêu thu nộp ngân sách năm 2024 và những năm tiếp theo.
Ngoài ra, 9/10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cũng đã ký văn bản số 3761 về việc giải quyết nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất để giải quyết hơn 4.000 hồ sơ còn tồn đọng từ ngày 1/8/2024 đến nay.
Riêng việc giải ngân vốn đầu tư công, các sở, ngành địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành. Nhất là các công trình dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao.
Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay Tỉnh ủy đã có chỉ đạo cho cấp ủy, chính quyền, hệ thống mặt trận là phải trực tiếp vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng. Và chính cấp ủy là phải trực tiếp chỉ đạo.
Sau khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, tỉnh cũng đã chỉ đạo cho Sở Tài nguyên môi trường, cũng như các sở ngành liên quan tập trung làm giá đất để kịp thời tiến hành giải phóng, rồi đền bù giải tỏa tái định cư trong các dự án hiện nay đang triển khai. Đó cũng là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong thời gian sắp tới. Ông Phan Văn Đăng nói.
Với những giải pháp đồng bộ cùng với sự nỗ lực phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn vướng mắc giữa các đơn vị, Bình Thuận sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch như kỳ vọng trong những tháng còn lại của năm 2024.
Từ khóa: giải ngân , Bình Thuận, đầu tư, giải ngân
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: đoàn sĩ/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN