Bình Dương quyết liệt đẩy lùi dịch COVID-19 trong doanh nghiệp, khu công nghiệp
Cập nhật: 19/07/2021
(VOV5) -Ngành chức năng ở Bình Dương đã nâng mức cảnh báo dịch lên cao nhất và chuẩn bị phương án sẵn sàng cắt đứt nguồn lây dịch bệnh trong doanh nghiệp.
Bình Dương có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp với hơn 1,2 triệu công nhân lao động. Môi trường làm việc trong doanh nghiệp tập trung đông người, nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ có thể lây lan rất nhanh và gây ra hậu quả khó lường. Đảm bảo an toàn cho công nhân để yên tâm sản xuất và nâng cao công tác phòng dịch Covid-19, doanh nghiệp ở Bình Dương đã chủ động phòng dịch ngay tại nhà xưởng. Ngành chức năng ở Bình Dương cũng đã nâng mức cảnh báo dịch lên cao nhất và chuẩn bị phương án sẵn sàng cắt đứt nguồn lây dịch bệnh trong doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu tư thiết bị, sẵn sàng các phương án
Với hơn 9.000 công nhân, Ban giám đốc Công ty TNHH Timberland, ở phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên xác định, nếu có một ca mắc Covid-19 thì sẽ phải ngưng sản xuất. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp gặp trở ngại khi không hoàn thành đơn hàng cho khách, kéo giảm doanh thu và công nhân sẽ bị ảnh hưởng về thu nhập. Xác định mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, ngoài các biện pháp phòng dịch cơ bản, công ty đã đầu tư 2 máy đo thân nhiệt từ xa hiện đại trị giá 700 triệu đồng, đặt ngay tại nhà xưởng để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo khi phải chờ đợi đến lượt.
Ông Lê Văn Hiệp, đại diện đơn vị phân phối, lắp đặt máy đo thân nhiệt từ xa tại Công ty TNHH Timberland cho biết, thay vì phải đo cho từng người như trước đây, hệ thống đo thân nhiệt bằng camera hồng ngoại sẽ quét một lượt tất cả công nhân để sàng lọc, phát hiện những trường hợp nghi ngờ trước khi họ vào nhà xưởng.
“Camera nhận diện từ xa và bắtđược nhiệt độ của từng người và của nhiều người cùng một lúc, khoanh vùng nhắn tin nhắn SMS, zalo, dữ liệu hình ảnh để cảnh báo đơn vị có chức năng, đơn vị chủ quản của công ty giúp họ khoanh vùng nhanh, kịp thời những người có nhiệt độ không cho phép”- ông Hiệp cho biết.
Xác định phòng dịch là nhiệm vụ quan trọng, Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, ở khu công nghiệp Mỹ Phước 2, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, đã kích hoạt hệ thống chống dịch trong doanh nghiệp ở mức độ cao nhất. Công ty cho một nửa số nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh làm việc online tại nhà để đảm bảo được công việc khi có dịch bệnh xảy ra. Ở nhà máy, công ty yêu cầu công nhân thực hiện giãn cách và thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly nếu có trường hợp F0.
Ông Trần Thành Trọng- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai cho biết, công ty đưa ra các phương án sẵn sàng để khi dịch bệnh diễn biến phức tạp vẫn chủ động sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho công nhân ở mức tối đa. Người lao động cũng được nhắc nhở chung tay thực hiện mọi biện pháp, không để xuất hiện ca mắc Covid-19.
“Trước tiên yêu cầu người lao động phải tuyệt đối tuân thủ 5K của Bộ Y tế. Chúng tôi có người giám sát liên tục, thậm chí Ban tổng giám đốc mỗi ngày thay phiên nhau giám sát từng công nhân để đảm bảo không sai sót trong việc thực hiện 5K của Bộ Y tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện phương án giao hàng không tiếp xúc để đảm bảo không có nguồn bệnh từ ngoài lây vào nhà máy để đảm bảo an toàn cho sản xuất”- ông Trần Thành Trọng cho biết.
Cắt đứt lây lan dịch
Từ đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương có 164 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó có 90 trường hợp là công nhân ở các doanh nghiệp. Hiện, toàn tỉnh có hơn 5.300 công nhân của 171 công ty là F1, F2 và ở trong khu phong tỏa.
Sở Y tế Bình Dương nhận định, tỉnh có hơn 1,2 triệu công nhân nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn, khó lường. Rút kinh nghiệm từ Hải Dương và Bắc Giang, Bình Dương đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh trong các doanh nghiệp, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Bình Dương đã nâng mức cảnh báo dịch lên cao nhất và sẵn sàng các phương án dập dịch. Địa phương đang mở rộng khu cách ly tập trung lên 10.000 giường; công suất xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu đơn/ngày. Các khu điều trị trên địa bàn có thể tiếp nhận, điều trị khoảng 600 bệnh nhân và đang có phương án mở rộng thêm khu điều trị công suất 500 giường.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, ngăn chặn nguồn lây để khống chế lây lan là quan trọng nhất. Địa phương cũng đã yêu cầu dừng các hoạt động của chợ tự phát, nhất là chợ tự phát tại các khu công nghiệp, khu nhà ở công nhân; huy động lực lượng tăng cường truy vết, cách ly, phong tỏa và phải xét nghiệm thật nhanh.
"Chúng tôi sẽ thành lập khoảng 100 đoàn đi kiểm trao công tác an toàn trong khu công nghiệp; tiến hành xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng. Tỉnh Bình Dương tích cực tìm đối tác, những nhà cung cấp được Bộ Y tế cho phép, có thể tự động nhập khẩu vaccine về để liên hệ mua. Bình Dương cũng khuyến nghị Bộ Y tế tăng tối đa đến mức có thể cấp vaccine cho tỉnh để tiêmcho công nhân, người lao động trong khu nhà máy, xí nghiệp”- TS Nguyễn Hồng Chương cho biết.
Về phía Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản yêu cầu công đoàn cơ sở các doanh nghiệp phát huy vai trò tuyên truyền, nhắc nhở người lao động phòng dịch kể cả ở công ty và khi về nơi ở; chấp hành hướng dẫn phòng dịch của doanh nghiệp và địa phương. Song song đó, hạn chế tối đa giao tiếp với người khác công ty khi ở nhà trọ, đồng thời nhắc nhở người thân cũng phải đeo khẩu trang khi giao tiếp ra vào ở nhà trọ. Việc này sẽ hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm giữa người lao động ở công ty này với người lao động công ty khác. Hiện, công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp cũng đã thành lập “lá chắn” phòng dịch đó là Tổ an toàn Covid-19 với nhiều thành viên để sẵn sàng ứng phó khi có trường hợp F0 trong nhà máy.
Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị cũng đã đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai các phương án phòng dịch tại các cụm, khu công nghiệp. Hiện đã có một số doanh nghiệp thí điểm như Công ty TNHH Chí Hùng ở thị xã Tân Uyên và Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam ở thành phố Dĩ An triển khai phương án này.
"Qua triển khai phương án phòng chống dịch ở Công ty Chí Hùng và Yazaki EDS, chúng tôi thấy doanh nghiệp và người lao động đánh giá rất cao. Đặc biệt là phương án cụ thể trên cơ sở triển khai kinh nghiệm từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... Hiện nay nhiều công đoàn cơ sở đã triển khai vách ngăn nhà ăn và giãn ca, giãn giờ làm để đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo chỉ đạo của Tổng liên đoàn lao động và Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương"- ông Nguyễn Đình Khánh cho biết.
Là đơn vị giám sát hoạt động phòng dịch tại doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến tận nhà máy yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Các doanh nghiệp còn lơ là trong công tác phòng dịch cũng đã bị nhắc nhở. Cùng với đó, ngành chức năng Bình Dương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra lây lan dịch sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật./.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Bình Dương, đẩy lùi, Covid-19, trong doanh nghiệp, khu công nghiệp
Thể loại: Tổng hợp Video
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5