Bình Dương còn thiếu nhiều trường học, sân chơi giải trí
Cập nhật: 1 giờ trước
VOV.VN - Dân số tỉnh Bình Dương tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về trường lớp và giáo viên ngày càng lớn, gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục địa phương. Ngoài ra, việc thiếu hụt các sân chơi giải trí cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương lần thứ 19, khóa X diễn ra ngày 10/12, các đại biểu tập trung chất vấn về những vấn đề trên.
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 713 trường, trung tâm, trong đó có 375 trường công lập và 338 trường ngoài công lập. Mặc dù tỉnh đã nỗ lực xây mới và sửa chữa nhiều trường học nhưng vẫn không thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng trung bình từ 20.000 đến 25.000 học sinh mỗi năm. Do đó, việc thực hiện dạy 2 buổi/ngày theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn nhiều khó khăn.
Để giải quyết tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu sửa chữa, bổ sung thêm, điều chỉnh thứ tự ưu tiên công tác đầu tư xây dựng trường lớp.
Sở cũng đã xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch đầu tư dài hạn, đề án cơ sở vật chất phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đặc biệt, Sở đề xuất 27 công trình trường học cấp thiết để chuẩn bị đầu tư trong năm 2025 nhằm giảm tải cho các trường ở các thành phố.
Bên cạnh quá tải trường học, việc thiếu giáo viên cũng là một thách thức lớn. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bình Dương cần tuyển thêm khoảng 1.000 giáo viên mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế, hằng năm, ngành giáo dục tỉnh chỉ tuyển dụng được khoảng 600 giáo viên, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, tổ đại biểu đơn vị thành phố Dĩ An đặt vấn đề: “Mặc dù ngành giáo dục-đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nhưng vẫn xảy ra. Nguyên nhân và giải pháp giải quyết dứt điểm việc thiếu giáo viên như thế nào?”.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là do nguồn tuyển hạn chế, đặc biệt là đối với các môn học đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc...
Lương thấp, chưa có nhiều chế độ ưu đãi khiến giáo viên không muốn gắn bó với nghề. Yêu cầu trình độ đại học đối với giáo viên tiểu học khiến việc tuyển dụng gặp khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Sở đã triển khai một số giải pháp như: điều chuyển giáo viên giữa các đơn vị, chuyển viên chức có "gốc" sư phạm sang dạy học; hợp đồng giáo viên vừa nghỉ hưu... Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
Theo bà Hằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên cần có sự chung tay của toàn ngành, từ cấp Trung ương đến ban ngành, đoàn thể: "Xuất phát điểm của việc thiếu giáo viên là thiếu nguồn tuyển, sau khi tốt nghiệp THPT thì tỷ lệ sinh viên vào học ngành Sư phạm rất ít. Do đó việc khuyến khích để vào sư phạm là chính sách chung của cả nước. Ngoài ra, khi được tuyển vào ngành thì chế độ dành cho giáo viên cần được quan tâm nhiều hơn để có thể "giữ chân" được giáo viên trong quá trình giảng dạy tại địa phương”..
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt vấn đề thiếu hụt các địa điểm vui chơi giải trí dành cho người lao động, nhất là các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương. Điều này khiến nhiều người phải di chuyển về TP.HCM vào cuối tuần để tìm kiếm những trải nghiệm giải trí đa dạng hơn.
Ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương thừa nhận việc thiếu các dịch vụ giải trí cao cấp là một hạn chế lớn của tỉnh.
Ông cho biết, Sở đang tập trung xây dựng các công trình văn hóa quy mô lớn như khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để tạo ra các điểm đến văn hóa, giải trí hấp dẫn. Khi các công trình này hình thành sẽ tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, giải trí để giữ chân, thu hút được chuyên gia, chủ doanh nghiệp.
“Sắp tới, chúng tôi nghiên cứu, phối hợp với các địa phương phát triển kinh tế đêm, phố đi bộ, khu ẩm thực ban đêm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là dịch vụ cao cấp cho doanh nhân, chuyên gia nước ngoài và phục vụ người dân”, ông Toàn nói.
Bình Dương đang thiếu các công trình văn hóa, thể thao và dịch vụ giải trí, nhưng việc thực hiện các dự án xã hội hóa lại gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về thủ tục đất đai. Do đó, đại biểu đề nghị phải có giải pháp tháo gỡ, thu hút các nhà đầu tư.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước đây có vướng mắc nhưng khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội mới cho đầu tư xã hội hóa. Luật đã đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất, đồng thời cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn cho nhà đầu tư như miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ thủ tục pháp lý... Ngoài ra, Luật cũng tạo điều kiện linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, góp phần thúc đẩy các hình thức hợp tác đầu tư đa dạng.
Để tận dụng tối đa những lợi thế từ Luật Đất đai mới, Sở đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để bố trí quỹ đất cho các dự án xã hội hóa, công khai danh mục dự án thu hút đầu tư, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đề nghị: “Tôi đề nghị huyện, thị tổ chức các hội thảo, hội nghị trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, xã hội hóa để nắm bắt yêu cầu, nhu cầu của nhà đầu tư để tập hợp lại, quy hoạch lại khu nào để xã hội hóa, khu nào phát triển. Địa phương cùng với ngành chuyên ngành nên có sự phối hợp chặt chẽ để xác định rõ nhu cầu của nhà đầu tư, từ đó mới thỏa mãn được nhu cầu nhà đầu tư trong việc đầu tư xã hội hóa”.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua 31 Nghị quyết quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Từ khóa: bình dương, Bình Dương, thiếu giáo viên, trường lớp, sân chơi giải trí, Bộ Giáo dục-Đào tạo, xây dựng ,Giáo viên ,trường học,giáo dục
Thể loại: Xã hội
Tác giả: thiên lý/vov - tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN