Bình Định xử lý nghiêm tàu cá vi phạm IUU
Cập nhật: 18/07/2024
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Tỉnh Bình Định đang tập trung thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các địa phương ven biển của tỉnh này lập tổ công tác đi vào các tỉnh phía Nam, nơi có tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động để tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thị xã Hoài Nhơn là địa phương có số lượng tàu đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất tỉnh Bình Định. Địa phương này từng có tàu cá vi phạm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hiện nay, các tàu cá ở thị xã Hoài Nhơn có chiều dài trên 15m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đang thí điểm nhật ký điện tử tàu cá.
UBND thị xã Hoài Nhơn đã kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn liên quan vi phạm xác nhận nguồn gốc thủy sản mà các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo.
Nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương, ngư dân ngày càng chấp hành tốt nên đã khắc phục được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Hiện tôi lắp 2 máy thiết bị giám sát hành trình, vì chuyến biển vừa rồi mất kết nối thiết bị giám sát hành trình nhiều quá, mất tín hiệu 6 - 8h. Để bị mất tín hiệu như vậy khi về cảng rất khó xác nhận nguồn gốc thủy sản. Khi đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài và mỗi tàu cá đánh bắt theo Luật Thủy sản và quy ước và theo giấy tờ các cơ quan chức năng cấp" - ngư dân Võ Duy Khương trú phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định chia sẻ.
6 tháng đầu năm 2024, 8 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ. Các chủ tàu vi phạm này đều ở huyện Phù Cát, có chiều dài dưới 15m, hành nghề câu mực, đi đánh bắt ở ngoài tỉnh và nhiều năm không về địa phương. Tỉnh Bình Định đã xử phạt hành chính 5 chủ tàu vi phạm với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ các chủ tàu đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc nộp phạt rất khó.
Ông Đỗ Văn Ngộ, Bí thư Huyện uỷ Phù Cát cho biết, huyện có 682 tàu cá, trong đó có 236 tàu từ 12m đến dưới 15m. Số tàu này trị giá không lớn, thường xuyên đánh bắt ở ngư trường phía Nam, hằng năm ngư dân về địa phương nhưng tàu không về nên công tác quản lý gặp rất nhiều trở ngại, chủ yếu thông qua việc tiếp cận người thân chủ tàu, theo dõi nắm bắt thông tin.
“Số tàu này chủ yếu là câu mực, mặc dù được tuyên truyền nhưng vẫn cố tình vi phạm. Bên cạnh đó cũng có những thông tin là có đối tượng môi giới, họ chuẩn bị các điều kiện để mà khi có những sự kiện người ta sẵn sàng thương lượng với nhau cho nên rất khó quản lý. Bên cạnh việc theo dõi, sử dụng các biện pháp ngăn chặn, huyện ủy Phù Cát giao cho công an tiếp tục nắm tình hình, xác minh, nếu thấy có vi phạm, có yếu tố dẫn dắt người ra nước ngoài thì phải xử lý kiên quyết” - ông Đỗ Văn Ngộ nói.
Tỉnh Bình Định hiện có 5.303 tàu cá với hơn 44.500 lao động khai thác trên biển, trong đó tàu cá từ 15m trở lên chiếm 61%. Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đã rà soát danh sách 1.066 tàu cá chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các xã, phường ven biển thông báo, hướng dẫn bà con thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật lần đầu và thủ tục đăng ký tàu cá cho các chủ tàu.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có những biện pháp mạnh xử lý các tàu cá vi phạm.
“Chúng tôi tăng cường quản lý nhóm tàu nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Chúng tôi đã tổ chức đoàn công tác làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp quản lý tàu cá này. Đoàn công tác đã trực tiếp gặp gỡ chủ tàu, tuyên truyền lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đến giờ này chính thức lắp đặt 25 chiếc. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cũng đã đề nghị phía cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp để quản lý đội tàu này, không cho tàu này xuất bến khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình” - ông Trần Văn Phúc nói.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, hiện nay, việc ngăn chặn tàu cá vi phạm còn nhiều lúng túng. Thực tế công tác quản lý tàu cá xuất bến tại tỉnh Bình Định tương đối tốt, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác vào phía Nam nơi có tàu Bình Định cập bến để tuyên truyền, vận động nhưng vẫn còn một số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đều đăng ký tại huyện Phù Cát.
Ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đề nghị, các ngành và địa phương cần làm rõ tại sao tàu cá vi phạm chỉ tập trung ở huyện Phù Cát?
“Năm nay, đặc điểm là cả 8 tàu vi phạm đều nằm ở huyện Phù Cát, các ngành chức năng và địa phương xem thử có một đường dây thông đồng trong, ngoài nước không? Biện pháp trong thời gian tới là các đồng chí khẩn trương xác minh và có quan điểm xử lý. Xử phạt mà không thực hiện coi như bằng không, không có tính giáo dục, tính răn đe, thậm chí làm nhờn pháp luật. Hiện nay đã bổ sung khung hình phạt, nếu vi phạm có thể xử lý khung hình sự nên tôi đề nghị các ngành, các địa phương phải tuyên truyền quy định mới này” - ông Lê Kim Toàn nói.
Từ khóa: IUU, Bình Định, tàu cá, tàu cá vi phạm, chống khai thác IUU, IUU
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thanh thắng/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN