Biểu hiện của u não ở trẻ mà bố mẹ phải chú ý
Cập nhật: 02/10/2022
VOV.VN - Khi một đứa trẻ bị u não, việc phát hiện bệnh sớm hay muộn đóng vai trò quyết định trong việc điều trị. Nhức đầu, buồn nôn, buồn ngủ… là một số biểu hiện của bệnh mà bố mẹ nên chú ý.
1. Nhức đầu: Nhiều trẻ mắc u não bị đau đầu trước khi được chẩn đoán. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp bị đau đầu và hầu hết chúng không mắc bệnh. Vì vậy, một dấu hiệu đỏ để phát hiện bệnh là: cơn đau đầu tệ hơn vào mỗi buổi sáng. Điều này một phần là do áp lực trong não tăng lên khi bạn nằm xuống và khối u có thể khiến điều đó trở nên tồi tệ hơn.
2: Buồn nôn và nôn mửa: Buồn nôn và nôn mửa là hai dấu hiệu phổ biến của bệnh cúm hoặc bệnh flulike. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, những triệu chứng này có thể là do khối u não gây tăng áp lực bên trong não. Nếu những triệu chứng này kéo dài hoặc xuất hiện cùng lúc với đau đầu, hãy đưa con bạn đến bác sĩ nhi khoa để được tư vấn và chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
3. Buồn ngủ: Việc một đứa trẻ buồn ngủ thường không phải là một biểu hiện đáng báo động. Tuy nhiên bạn hãy dựa vào trực giác của bản thân. Nếu con bạn có biểu hiện lờ đờ, hoặc buồn ngủ thường xuyên, ngoài giờ mà không rõ lý do, hãy nhờ bác sĩ tư vẫn xem có cần thực hiện kiểm tra hay quan sát thêm.
4. Thay đổi trong thị giác, thính giác hoặc giọng nói: Tùy thuộc vào vị trí của khối u não, khối u có thể ảnh hưởng đến thị lực, thính giác và lời nói. Tất nhiên, nhiều trẻ em gặp khó khăn trong những lĩnh vực này mà không liên quan gì đến khối u. Tuy nhiên, bạn nên chú ý nhiều hơn khi phát hiện những thay đổi đột ngột về cách con bạn nhìn, nghe hoặc nói và nên nhờ bác sĩ tư vấn về những biểu hiện này.
5. Thay đổi tính cách: Thay đổi tính cách có thể là một phần hoàn toàn bình thường trong quá trình nuôi dạy con cái. Trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng có thể là do khối u não đang ảnh hưởng đến vỏ não. Nếu tâm trạng của con bạn thay đổi thất thường hoặc tính cách thay đổi một cách đột ngột hoặc nghiêm trọng, hãy liên lạc với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn càng sớm càng tốt
6. Vấn đề cân bằng: Nếu một khối u nằm gần thân não, nó có thể gây ra các vấn đề về thăng bằng. Bị mất thăng bằng và ngã là một phần thường xuyên của cuộc sống đối với hầu hết trẻ mới biết đi. Nhưng khi việc này trở nên nghiêm trọng hoặc tệ đi thì bạn nên cho con đi khám. Trong trường hợp con bạn lớn hơn nhưng đột nhiên gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, bác sĩ có thể giúp bạn xác định lý do tại sao.
7. Động kinh: Khi một khối u não nằm trên bề mặt của não, nó có thể gây ra co giật. Có nhiều hành động có thể gây ra cơn động kinh, kể cả cười. Nếu con bạn bị co giật, bạn nên đưa chúng đi khám ngay. Nguyên nhân có thể là một khối u hoặc một cái gì đó khác, nhưng các cơn động kinh luôn cần phải được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
8. Tăng kích thước đầu: Khi trẻ còn nhỏ, xương sọ của chúng chưa hợp nhất (hoặc phát triển với nhau). Bởi vì những chiếc xương này vẫn còn dễ uốn, một khối u não có thể khiến đầu của chúng phát triển theo những cách bất thường. Nếu bạn nhận thấy khối phồng ở một bên hoặc bất kỳ thay đổi nghiêm trọng nào khác đối với hình dạng đầu của con bạn, bạn phải đưa con đi khám ngay để các bác sĩ kiểm tra./.
Từ khóa: u não, nhi khoa, biểu hiện của u não
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN