Biểu giá điện 5 bậc: Còn nhiều băn khoăn

Cập nhật: 06/03/2020

VOV.VN - Giá điện cần phải được tính toán chính xác, đảm bảo nhu cầu cơ bản, thiết yếu và thường xuyên tăng lên của nhân dân.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, tổ chức và địa phương về 5 phương án cải tiến Biểugiá bán lẻ điện sinh hoạt. Trong đó, Bộ kiến nghị lựa chọn phương án biểu giá điện 5 bậc: Bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101 - 200 kWh; bậc 3 mới từ 201 - 400 kWh; bậc 4 mới từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi?

Trao đổi với báo giới ngày 28/2, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, việc điều chỉnh cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này được Bộ Công Thương đánh giá phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng, không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt.

“Biểu giá điện mới đảm bảo theo nguyên tắc phù hợp với thực tế sử dụng điện; không làm thay đổi giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân và khách hàng sử dụng điện có thể dễ dàng theo dõi, tính toán sản lượng điện và mức tăng vào mùa nắng nóng, không tăng đột biến” ông Tuấn nói.

bieu gia dien 5 bac phai dam bao nguyen tac cong bang toi thieu hinh 1
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
(Bộ Công Thương).

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, với mỗi phương án đưa ra, Bộ Công Thương đều có tính toán, so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án 6 bậc đang được áp dụng. Tất cả các phương án được đưa ra đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, các phương án 1 bậc, 3 bậc và 4 bậc đều có nhược điểm chung là các khách hàng sử dụng điện ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả tiền ít đi.

Cụ thể, với phương án 1 bậc, 2 bậc và 3 bậc thang, các khách hàng sử dụng điện dưới 300 kWh/tháng (chiếm tỷ lệ 87%) bị thiệt và không thực hiện mục tiêu khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; đồng thời ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách bị tăng lên.

Đối với phương án được Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn gồm 5 bậc sẽ khắc phục được các nhược điểm nêu trên, khi hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng được hưởng lợi và trả tiền điện thấp hơn. Đặc biệt, khoảng 1,8 triệu hộ nghèo, hộ chính sách tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ với tổng số tiền khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm.

“Tuy nhiên, ở với phương án này các hộ khách hàng sử dụng điện trên 700 kWh/tháng sẽ bị thiệt. Sẽ có khoảng 0,46 triệu khách hàng (tỷ lệ 1,8%) tổng số khách hàng dùng điện sẽ phải trả tiền điện hàng tháng cao hơn”, ông Tuấn thừa nhận.

Ngành điện không khuyến khích người dân dùng điện?

Khi nhận xét về Biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc mới, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại rằng, với đại đa số người sử dụng điện không thể hiểu với những phân tích mang tính kỹ thuật về mức và lượng điện sử dụng, nếu Biểu giá mới khi được áp dụng có khả năng làm mức tiền điện hàng tháng lại cao hơn.

TS. Lê Ngọc Dũng, thành viên Hội đồng Tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Biểu giá điện chia theo cách nào cũng chỉ mang tính chuyên ngành, tạo ra khoảng cách nên rất khó khăn trong việc kiểm soát. Nếu cứ chia giá điện nhiều bậc như hiện nay, nhiều hộ gia đình sẽ không dám sử dụng điện vì sợ tốn chi phí, điều này có nghĩa ngành điện không khuyến khích người tiêu dùng.

“Tôi không ủng hộ các phương án cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt. Đời sống của người dân tăng lên, gia đình nào giờ cũng có nhiều phòng, mỗi phòng đều có các thiết bị sử dụng điện. Nếu người dân nào sử dụng điện cũng phải lo trả tiền điện quá nhiều là ngành điện đang không khuyến khích người dân sử dụng điện, không theo đúng mục tiêu của Đảng về nâng cao đời sống cho nhân dân”, TS. Lê Ngọc Dũng đánh giá.

bieu gia dien 5 bac phai dam bao nguyen tac cong bang toi thieu hinh 2
Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng cao.

TS. Lê Ngọc Dũng cũng phân tích, theo quy luật kinh tế, cung - cầu, sản phẩm của ngành điện dứt khoát cũng phải giống như sản phẩm của những ngành khác. Ngành điện không thể cứ coi “điện năng là loại hàng hóa đặc thù” để dành riêng cho mình lợi ích.

“Trong xã hội hiện nay, ngành nào cũng là ngành đặc thù, không phải chỉ riêng ngành điện. Ngành điện cũng phải vay ngân hàng để đầu tư nhưng lại được “độc quyền” bán điện giá cao là bất hợp lý. Điện cũng là một sản phẩm hàng hóa nên phải tôn trọng đúng quy luật hạch toán kinh tế thị trường. Trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh, có lãi hay thua lỗ, thất thoát là ngành điện hoàn toàn phải chịu trách nhiệm, không được lấy điều đó tính vào giá điện”, TS. Lê Ngọc Dũng chỉ rõ.

Do đó, chủ trương tiết kiệm điện của ngành điện theo TS. Lê Ngọc Dũng cũng cần phải thay đổi, đó là phải đảm bảo phục vụ cho người dân được thỏa mãn dùng điện nhưng dùng điện không lãng phí. Giá điện cần phải được tính toán chính xác, làm thỏa mãn nhu cầu cơ bản, thiết yếu và thường xuyên tăng lên của nhân dân. Khi ngành điện khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều sẽ góp phần giúp cho xã hội phát triển.

Đặc biệt theo ông Dũng, ngành điện cũng phải bình đẳng và sòng phẳng với các ngành khác. Nếu doanh nghiệp của nhà nước không làm được thì giao cho các nhà đầu tư tư nhân. “Từ trước đến nay đã có nhiều ngành làm được như vậy, đơn cử như ngành viễn thông hay ngành hàng không, khi cạnh tranh phát triển đã tạo ra một thị trường năng động và phát triển, người dân được hưởng lợi nhiều từ sự cạnh tranh đó”, ông Dũng nói.

bieu gia dien 5 bac phai dam bao nguyen tac cong bang toi thieu hinh 3
Sử dụng thiết bị điện là nhu cầu cấp thiết, thiết yếu của mọi người dân.

Ông Lương Bá Hùng, Giám đốc Dự án Năng lượng bền vững, Nhóm công tác Điện và Năng lượng, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, lộ trình tăng giá điện như thế nào cần phải có những trao đổi cũng như quyết sách có tính chuyên môn cao hơn, phù hợp với quy luật phát triển của thị trường.

Đối với các thang bậc để tính giá điện, khi điện năng chi phối, ảnh hưởng toàn bộ đời sống xã hội cần phải căn cứ vào mức độ thu nhập (gồm các doanh nghiệp và các hộ gia đình) luôn có sự khác nhau. Những tập đoàn mạnh họ có thể sẵn sàng chịu giá điện cao hơn, có những hộ gia đình có thể trả tiền điện cao hơn, nhưng dù phục vụ đối tượng nào cũng phải đảm bảo một nguyên tắc công bằng tối thiểu.

“Lộ trình biểu giá điện dù có rút ngắn thang bậc vẫn phải phụ thuộc vào mức độ phát triển thu nhập của toàn xã hội. Chính vì thế cũng không thể đòi hỏi một lộ tình nhanh chóng hoặc chậm trễ hơn mà phụ thuộc vào sự phát triển của cả nền kinh tế cũng như thu nhập của toàn xã hội”, ông Hùng cho biết./.

Ông Michel R.DiGregorio, Trưởng Đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam:

EVN hiện vẫn là DN Nhà nước nên nhận được ngân sách đầu tư nhiều cho các hệ thống trang thiết bị hạ tầng cũng như vận hành, bảo trì bảo dưỡng và các dịch vụ khác. Khi bóc tách chi phí hoạt động của EVN cần loại trừ phần EVN nhận được từ Ngân sách Nhà nước để mở rộng hệ thống lưới điện hoặc bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị của EVN.

Bóc tách được như vậy sẽ xác định lợi nhuận của EVN. Nếu cứ tính cả phần Ngân sách Nhà nước vào chi phí của EVN thì lợi nhuận của EVN sẽ thấp hơn, thậm chí còn không đủ đề bù đắp chi phí. Do đó, giá điện cần phải tăng lên để EVN có thể bù đắp chi phí nhưng trong dài hạn, khi Ngân sách Nhà nước dành cho EVN giảm đi, ngành này cũng phải đưa ra mức giá điện cụ thể, để vừa bù đắp được chi phí bỏ ra, vừa phản ánh được đúng mức chi phí thực tế.

Từ khóa: biểu giá điện sinh hoạt, giá điện sinh hoạt, tiền điện, tiêu thụ điện, khách hàng sử dụng điện

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập