Biết bao nhiêu tình
Cập nhật: 24/02/2021
Văn nghệ hướng tới sự vĩnh hằng, tới chân, thiện, mỹ, nhưng nếu thờ ơ với những câu hỏi lớn, những vấn đề nóng bỏng của đất nước, của thời đại thì khó đưa đất nước cập bến tương lai.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta, văn học, nghệ thuật luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân; dù trong hoàn cảnh nào, người nghệ sĩ chân chính luôn lấy việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm mục đích sống và viết của mình.
Văn nghệ hướng tới sự vĩnh hằng, tới chân, thiện, mỹ, nhưng nếu thờ ơ với những câu hỏi lớn, những vấn đề nóng bỏng của đất nước, của thời đại thì khó đưa đất nước cập bến tương lai.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Độ lùi thời gian cũng như sự thay đổi về khoảng cách thẩm mỹ, thái độ chiêm nghiệm và ý thức văn hóa, sự đổi mới về bút pháp và cách tân nghệ thuật giúp cho các nhà văn của ta có thêm nhiều phát hiện và xúc cảm thẩm mỹ mới.
1. Sau khi Đảng ta ra đời, rất nhiều nhà văn đã đi theo con đường cách mạng của Đảng, tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc; ủng hộ Đề cương Văn hóa 1943 của Đảng; hăng hái tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp; thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc; và những năm đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, vào tháng 4/1957, Hội Nhà văn Việt Nam ra đời. Hội trở thành tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của các nhà văn Việt Nam, tập hợp, đoàn kết hội viên; góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng, từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm, pháp luật, chính sách phát triển văn hóa, văn nghệ; động viên, khích lệ hội viên sáng tạo, phản ảnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc họa hình tượng con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
2. Trong suốt hàng chục năm qua, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hội và các hội viên ưu tú đã “cùng xương thịt với nhân dân, cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” với Tổ quốc; bồi dưỡng, cổ vũ các tài năng văn chương; cống hiến cho đất nước, cho nhân dân nhiều tác phẩm có giá trị; phát triển nền văn học cách mạng Việt Nam thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước, dân chủ, khoa học, nhân văn; góp phần bồi dưỡng tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Đông đảo những người viết văn cả nước luôn tự hào với các tên tuổi lớn: Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu, Hải Triều, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Hà Xuân Trường, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Chính Hữu, Nguyễn Bính, Hoàng Trung Thông, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Anh Thơ, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Tú Nam, Hồ Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyệt Tú, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… Nhiều nhà văn, nhà thơ thực sự là nghệ sĩ - chiến sĩ, đứng nơi đầu song ngọn gió, anh dũng hy sinh trên các chiến trường như: Trần Đăng, Nam Cao, Trần Mai Ninh, Thâm Tâm, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Lê Vĩnh Hòa… Nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ cách mạng đã đi cùng, sống cùng năm tháng, sống mãi với nhân dân, với dân tộc; gợi lên trong lòng mỗi người niềm kiêu hãnh, tự hào về đất nước, về nhân dân; về các cuộc kháng chiến thần thánh chống kẻ thù xâm lược; về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để ghi nhận, tôn vinh công lao đóng góp của Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn tiêu biểu, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng Hội Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều nhà văn ưu tú được Đảng, Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 5 nhà văn được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
3. Trong chặng đường mới của đất nước, chúng ta vừa tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của nhân dân ta, vừa phải đương đầu và vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Hiện thực đời sống mà các văn nghệ sĩ hằng ngày tiếp xúc, tìm tòi, khám phá, vừa có rất nhiều điều hay, mặt tốt, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua mang lại; cùng với đó, cũng xuất hiện không ít những yếu kém, tiêu cực, cái xấu, cái ác do mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đưa đến. Ngay trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, bên cạnh ưu điểm, kết quả to lớn, cũng xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại trong xây dựng, tập hợp đội ngũ và sáng tạo tác phẩm. Nhà văn, nhà thơ là con người, là công dân như bao người khác. Nhưng họ cũng có những đặc điểm, phẩm chất khác với nhiều người, họ nhạy cảm, tinh tế, rung động sâu xa, biểu hiện mạnh mẽ trước mọi vấn đề, hiện tượng của đời sống xã hội. Trước một sự việc cụ thể, có nhà văn bình tĩnh nắm bắt, khám phá, sáng tạo, phản ảnh, phản biện có tính xây dựng; cũng có nhà văn lo lắng, băn khoăn, bức xúc, thậm chí có thể có suy nghĩ và hành động bộc trực, thái quá, có lúc cực đoan.
4. Văn nghệ là một hình thái ý thức thuộc thượng tầng kiến trúc; dù có những đặc trưng, đặc thù nào thì sự tiếp cận, nhận thức, phản ánh hiện thực của nhà văn phải góp phần cải biến xã hội theo hướng nhân văn, khoa học, phát triển. Văn nghệ không hoàn toàn là chính trị nhưng không thể không tham gia vào chính trị, càng không thể đứng ngoài chính trị. Văn nghệ hướng tới sự vĩnh hằng, tới chân, thiện, mỹ, nhưng nếu thờ ơ với những câu hỏi lớn, những vấn đề nóng bỏng của đất nước, của thời đại thì khó đưa đất nước cập bến tương lai. Văn hóa nói chung, văn nghệ nói riêng, phải mang trách nhiệm xã hội, phải vì xã hội, vì con người. Ngay từ năm 1943, Ðề cương văn hóa Việt Nam đã khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng đối với văn hóa (trong đó có văn nghệ); đặt văn hóa là một cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” chỉ rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Văn học, nghệ thuật tiến bộ, cách mạng mang tinh thần nhân bản, nhân văn sâu sắc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Ðảng khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Trong quyền con người, có quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ.
5. Cùng với sự tôn trọng, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung, về hình thức, Ðảng và Nhà nước cũng mong muốn văn nghệ sĩ nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; dấn thân, lao động nghiêm túc, sáng tạo nhiều tác phẩm tốt, khơi dậy, thổi bùng ngọn lửa yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí và khát vọng đổi mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật của dân tộc và nhân loại cho thấy, chỉ khi nào nghệ sĩ dám sống đến cùng vì đất nước, vì nhân dân, phát huy tối đa tài năng nghệ thuật và trách nhiệm công dân thì khi đó họ mới có được những tác phẩm nghệ thuật ưu tú, phản ánh được khát vọng của nhân dân và xu thế phát triển của thời đại. Văn học, nghệ thuật nước ta thời kỳ đổi mới đã mở rộng hơn về biên độ sáng tạo, về tư duy nghệ thuật, về quan niệm nhân sinh, vừa cố gắng phản ảnh được những mặt tích cực của thực tiễn đổi mới, vừa kịp thời đấu tranh phê phán sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự suy thoái tư tưởng và biến chất của con người trong điều kiện kinh tế thị trường. Hiện nay, vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề đặc biệt quan trọng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã nhiều lần cảnh báo về nạn tham nhũng, tệ cửa quyền, nguy cơ suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, coi đó là những nguy cơ cần phải nhanh chóng đẩy lùi. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về vấn đề này thêm một lần nữa khẳng định tư duy chính trị, văn hóa và tầm nhìn đúng đắn của Đảng.
6. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về văn học, nghệ thuật; đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” định hướng cho những người làm công tác văn hóa văn nghệ trong thời kỳ mới.
Tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, cần cù, sáng tạo. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.
Tiếp tục đi sâu nắm bắt, sáng tạo các tác phẩm văn học ca ngợi, tôn vinh các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và nhân dân anh hùng trên tinh thần nhận thức lịch sử một cách biện chứng, sâu sắc. Độ lùi thời gian cũng như sự thay đổi về khoảng cách thẩm mỹ, thái độ chiêm nghiệm và ý thức văn hóa, sự đổi mới về bút pháp và cách tân nghệ thuật giúp cho các nhà văn của ta có thêm nhiều phát hiện và xúc cảm thẩm mỹ mới.
Bám sát hơi thở đời sống đương đại, đi sâu miêu tả, phân tích, lý giải những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra cho cả xã hội, trong đó có người nghệ sĩ. Trong hơn ba mươi năm qua, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đã khắc họa một cách sinh động con người Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại, đồng thời, đề cập đến nhiều vấn đề bức thiết của xã hội đương đại. Kế thừa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo - truyền thống quý báu của dân tộc, của văn hóa Việt Nam.
Bình tĩnh, cảnh giác trước các biểu hiện, các khuynh hướng văn học thiếu lành mạnh, thậm chí, độc hại, phản động. Tình trạng “thương mại hóa” văn học, nghệ thuật, chạy theo thị hiếu dễ dãi, tầm thường có nguy cơ lan rộng. Có cả những trường hợp sáng tạo tác phẩm nhằm mục đích “giải thiêng” lịch sử, “hạ bệ thần tượng”, kêu gọi “nổi loạn”, “ly khai”… Để không xảy ra tình trạng chệch hướng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong văn học, nghệ thuật, người nghệ sĩ phải không ngừng bám sát thực tiễn, sống cùng đất nước mình, nhân dân mình, gắn bó máu thịt với sự nghiệp đổi mới, đi sâu vào thực tiễn, dám đổi mới một cách mạnh mẽ nhưng đúng đắn, tạo ra những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn, lôi cuốn công chúng./.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ/VOV.VN
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả:
Nguồn tin: R&D