Biên phòng xã đảo Thạnh An dạy nghề cho người nghèo

Cập nhật: 12/06/2020

VOV.VN -Sự tận tình của những người thầy mang quân hàm xanh đã giúp bà con trên đảo có thêm sinh kế ổn định cuộc sống.

Sống ở nơi xa xôi cách trở với đất liền,ngoài mưu sinh bằng nghề biển,người dân xãđảoThạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCMhầu như không cóđiều kiện họctập thêm ngành nghề khác để cải thiện đời sống. Thấu hiểu những vất vả của bà con,nhiềunăm qua, cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Thạnh An (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP HCM) đã tổ chức và duy trì đều đặn các lớpdạy nghềcho dân nghèo tại đây. Sự tận tình của những người thầy mang quân hàm xanh đã giúp bà con trên đảocó thêm sinh kế ổn định cuộc sống.

Xóa được nghèo từ lớp dạy nghề của bộ đội Biên Phòng

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ nằm cách trung tâm TP HCM hơn 70km đường bộ, thêm hơn 7km đường biển với hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng thuyền. Trên đảo, các hộ dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt nhỏ, buôn bán. Trước đây có nhiều lớp học nghề được triển khai, tuy nhiên được tổ chức ở trung tâm huyện và ở TP, điều kiện đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn và tốn kém, nên nhiều người không mấy mặn mà.

bien phong xa dao thanh an day nghe cho nguoi ngheo hinh 1
Nhiều học viên sau khi học lớp nghề đã mở được tiệm và có thu nhập ổn định.

3 năm trở lại đây, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Thạnh An, Bộ đội biên phòng TP HCM có sáng kiến tổ chức lớp dạy nghề cho thanh niên khó khăn, ngay chính trên đảo. Riêng lớp dạy nghề trang điểm và làm tóc qua thời gian đào tạo có 35 thanh niên nam nữ được nhận chứng chỉ. Hiện 12 học viên đã mở tiệm tại nhà, thu nhập ổn định, cuộc sống có nhiều chuyển biến đáng kể.

Chị Huỳnh Thị Kim Cương, người dân xã Thạnh An, Cần Giờ phấn khởi:"Tôi có học lớp nghề trang điểm làm tóc của Đồn biên phòng Thạnh An tổ chức. Sau khi nhận được chứng chỉ, mình có mở được tiệm làm tóc ngay tại nhà. Từ khi mở tiệm đã có thu nhập 4-5 triệu/tháng trang trải cuộc sống. Cảm ơn các chiến sĩ đồn biên phòng Thạnh An rất nhiều".

Không chỉ bà con trên đảo mà nhiều người dân xa xứ đến Thạnh An làm thuê cũng tìm đến lớp dạy nghề của các chiến sĩ biên phòng. Có người trước đây làm mướn cho các hộ diêm dân, hay khuân vác ở bến tàu, sau khi học đã chuyển sang nghề làm tóc, cuộc sống ổn định hơn trước. Nhiều người cũng tìm đến Đồn biên phòng Thạnh An để học vi tính hay ngoại ngữ sau những giờ lao động mệt nhọc.
Anh Huỳnh Văn Thiện, người dân trên đảo Thạnh An cho rằng nhờ các lớp học này mà tình cảm quân dân nơi đây ngày càng gắn kết:"Nông dân ở đây phần lớn làm nghề nuôi trồng thủy sản, làm muối... đời sống kinh tế bấp bênh. Tình cảm quân dân ở đồn biên phòng Thạnh An rất gắn bó. Các anh chăm lo cho bà con rất nhiều".
Dạy nghề, truyền kiến thức giúp dân vươn lên trong cuộc sống
Qua 3 năm hoạt động, các lớp dạy nghề của bộ đội biên phòng xã đảo Thạnh An, với sự tham gia của giảng viên các trường nghề TP đã đào tạo, cấp chứng chỉ cho hơn 80 học viên các nghề trang điểm, làm tóc, vi tính, ngoại ngữ. Nhiều người còn tự tin vào đất liền, kiếm việc làm, có cuộc sống ổn định với thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/tháng.
bien phong xa dao thanh an day nghe cho nguoi ngheo hinh 2
Người dân trên đảo Thạnh An lao động vất vả được học nghề sẽ giúp
cãi thiện cuộc sống.

Làm sao giúp người trên đảo luôn được mở mang kiến thức, có việc làm ổn định góp phần xây dựng quê hương luôn là niềm mong mỏi của những người thầy mang quân hàm xanh.

Đại úy Bao Minh Tiến, Chính trị viên đồn biên phòng Thạnh An cho biết:"Xã đảo Thạnh An ngày càng được nhiều người biết tới. Thông qua các trang mạng xã hội thì các hoạt động tham quan du lịch vào dịp cuối tuần, khách du lịch đến với đảo ngày càng đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các lớp nghề cho bà con, trong đó có dạy ngoại ngữ với giáo án phù hợp với du lịch của địa bàn để bà con có thể tiếp tục đóng góp cho phát triển du lịch xã đảo trong thời gian tới".

Bằng tấm lòng của mình, những người tổ chức lớp nghề đã vượt qua nhiều khó khăn, cố gắng duy trì lớp học đều đặn giúp cho người dân trên đảo suốt nhiều năm qua. Số lượng người dân học nghề mỗi lúc một đông hơn. Việc làm ý nghĩa của Đồn biên phòng Thạnh An nói riêng và Bộ đội Biên phòng TP HCM nói chung đã góp phần làm vơi bớt khó khăn, tiếp thêm động lực cho người dân trên đảo, giúp họ có việc làm, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình./.


Từ khóa: dạy nghề, biên phòng xã đảo, xã đảo Thạnh An, dạy nghề cho người nghèo

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập