Biển Đông 2020 - Từ ngoại giao công hàm đến tinh thần thượng tôn pháp luật

Cập nhật: 18/12/2020

(VOV5) - Năm 2020 chứng kiến nhiều quốc gia ven biển Đông thể hiện rõ hơn lập trường pháp lý ở biển Đông

Năm 2020 chứng kiến nhiều quốc gia ven biển Đông thể hiện rõ hơn lập trường pháp lý ở biển Đông, thông qua các công hàm được trao đổi tại Liên Hợp Quốc. Không chỉ các quốc gia trong khu vực, nhiều quốc gia bên ngoài cũng bày tỏ quyền hợp pháp của mình với tư cách thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Điều này khẳng định Biển Đông đã không đơn thuần là vấn đề giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc mà đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Biển Đông 2020 - Từ ngoại giao công hàm đến tinh thần thượng tôn pháp luật - ảnh 1Tàu chiến Australia, Mỹ và Nhật Bản diễn tập tại Biển Philippines, gần Biển Đông tháng 7/2020. - Ảnh: Hải quân Mỹ

Suốt 1 năm qua, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến “cuộc chiến công hàm” liên quan đến vấn đề Biển Đông khởi đầu từ việc Malaysia nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa vào tháng 12/2019. Tiếp sau đó, nhiều quốc gia đều đã gửi công hàm, công thư phản đối các lập luận sai trái của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Sôi động ngoại giao công hàm

Tháng 9/2020, ba cường quốc châu Âu là Anh, Pháp, Đức cùng gửi công hàm thể hiện quan điểm chung về vấn đề Biển Đông lên Liên Hợp Quốc. Công hàm chung thể hiện sự nhất quán về các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông, nhấn mạnh tính chất toàn cầu và nhất quán của UNCLOS 1982 trong việc thiết lập một khung pháp lý cho các hoạt động biển trên toàn thế giới. Cùng ủng hộ quyền tự do biển cả, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, công hàm còn cụ thể hơn về quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải.

Biển Đông 2020 - Từ ngoại giao công hàm đến tinh thần thượng tôn pháp luật - ảnh 2

Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12. - Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Trước đó, khởi đầu là Malaysia, tiếp sau là nhiều quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mỹ, Australia đều gửi công hàm phản đối các lập luận của Trung Quốc đối với vùng biển Đông. Đến nay, đã có hơn 20 công hàm và tuyên bố ngoại giao đến từ cả các nước trong và ngoài khu vực. Các công hàm đều có chung một số nội dung như: Chỉ trích và lên án các yêu sách phi lý của Trung Quốc, trong đó cái gọi là “Đường 9 đoạn”, là đi ngược lại với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; Khẳng định UNCLOS 1982 là văn bản pháp lý quan trọng, đóng vai trò nền tảng để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển và đại dương; Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 là một phần quan trọng của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, và Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết này.

Các công hàm này đều là các văn bản chính thức được trình Liên Hợp Quốc, vì vậy chúng đảm bảo tính pháp lý cao nhất và rõ ràng nhất. Như vậy, rõ ràng, Biển Đông đã không chỉ là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc mà còn là mối quan tâm của hầu hết các nước trên toàn thế giới, bởi tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh và sự phát triển của toàn thế giới.

Hướng tới an ninh, an toàn ở Biển Đông

Có thể thấy cuộc chiến công hàmgiữa các quốc gia là một điểm nổi bật trong tình hình Biển Đông năm 2020. Tuy nhiên, có điểm tích cực là thay vì có những động thái làm leo thang tình hình căng thẳng có thể dẫn đến đối đầu và đụng độ quân sự, các quốc gia đã hướng nhiều hơn đến yếu tố pháp lý, trong đó đặc biệt coi trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và lấy đó làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp. Điều này có nghĩa UNCLOS 1982 có giá trị phổ quát và toàn diện, có phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề trên biển, được các quốc gia đặc biệt coi trọng. Cuộc tranh luận bằng công hàm được xem là cách đấu tranh chính thức, hòa bình và mang lại sự minh bạch vì các nước yêu sách dần làm rõ các yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển ở Biển Đông, đồng thời công bố công khai với cộng đồng quốc tế.

Một điểm đáng chú ý trong vấn đề Biển Đông năm 2020 là chủ đề này được đề cập với tần suất gia tăng tại hầu hết các diễn đàn đa phương của khu vực cũng như quốc tế. Từ các diễn đàn khu vực của ASEAN như ARF (An ninh khu vực), Cấp cao Đông Á (EAS); Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…, đến các diễn đàn toàn cầu như Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế hàng đầu (G20), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM). Nhìn chung tất cả các quốc gia đều chung quan điểm, đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, không quân sự hóa, kiềm chế không có các hành động gây phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982. Ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử COC ở Biển Đông(COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Xây dựng một Biển Đông an toàn, an ninh và thịnh vượng là điều mà nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang hướng đến. Có thể thấy, Biển Đông năm 2020 luôn là một trong những vấn đề đáng lưu ý khi cả thế giới vẫn đang phải căng mình đối phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực vừa qua đã cho thấy thế giới có thể hy vọng vào một Biển Đông hòa bình, ổn định hơn trong năm 2021.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Biển Đông, thinh vượng, Bộ quy tắc ứng xử, hiệu lực

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập