Biển Đen - Gấu Nga giữa “tứ bề thọ địch”
Cập nhật: 19/02/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ đang tiên phong trong việc thành lập một mạng lưới đồng minh để bao vây Nga ở Biển Đen.
Hiện nay, khi đề cập đến mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-NATO, Ankara được coi là vấn đề hơn một đồng minh - không chỉ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga mà hoạt động ngoại giao pháo hạm của nước này ở phía đông Địa Trung Hải cũng làm dấy lên bóng ma xung đột quân sự giữa các đồng minh NATO khi các tàu hải quân Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ lao thẳng vào nhau trong mùa hè vừa qua. Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiên phong trong việc thành lập một mạng lưới đồng minh để bao vây Nga ở Biển Đen.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ và chiến lược mới của Thổ Nhĩ Kỳ
Kể từ khi sáp nhập vào năm 2014, Bán đảo Crimea đã trở thành một pháo đài quân sự của Nga. Moscow đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự tại khu vực mà Tổng thống Putin coi là trung tâm trong kế hoạch sức mạnh của Nga ở Địa Trung Hải. Hiện Crimea có đủ các cơ sở, được tăng cường tàu và tàu ngầm mới với hệ thống tên lửa Kalibr mạnh áp đảo bất kỳ liên minh nào trong vùng biển này. Trong năm 2021, quân đội Nga sẽ nhận được gần 3.500 thiết bị mới và 2/3 ngân sách quân sự sẽ dành cho việc mua và nâng cấp vũ khí, bao gồm hệ thống giám sát bề mặt tự động mới nhất của Bộ Quốc phòng ở Biển Đen.
Đáp lại, Hải quân Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đen. Trong hai tuần qua, các tàu khu trục mang tên lửa hành trình Raytheon Tomahawk là USS Donald Cook và USS Porter, và tàu tiếp liệu USNS Laramie đã tiến vào Biển Đen trong lần triển khai lớn nhất tại khu vực kể từ năm 2017. Sự xuất hiện của Hải quân Mỹ là một sự phô trương sức mạnh, chứng tỏ rằng lực lượng này có thể hoạt động trên một vùng địa lý rộng và không cần sự trợ giúp của các đồng minh trong khu vực. Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đen là quan trọng để khống chế sự bành trướng của Nga, nhưng một chiến lược hiệu quả hơn đòi hỏi phải có phản ứng phối hợp từ các đồng minh trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và đặc biệt là Mỹ đã trở nên khó khăn, trục trặc. Bỏ qua những lời cảnh báo từ NATO và mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, nhận lô hàng đầu tiên vào giữa năm 2019. Nhưng bất chấp quan hệ đối tác quốc phòng ngày càng tăng với Moscow, Ankara cũng không kém phần lo lắng về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga ở khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ từng có lợi thế.
Năm 2016, trong một thông điệp tới các đồng minh NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan cho biết, Biển Đen đã trở thành một “cái hồ của Nga” và kêu gọi sự hiện diện lớn hơn của NATO, ngược lại với chính sách hàng thập kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế sự hiện diện của cả các nước trong liên minh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển một chiến lược đa hướng để chống lại ảnh hưởng của Nga ở Biển Đen. Một chân quan trọng của chiến lược đó là tại sân nhà - Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường lực lượng hải quân của mình. Một dự án có tên gọi là MILGEM, trong tiếng Thổ gọi tắt là "tàu quốc gia" (milli gemi), đã được khởi động để thiết kế và đóng các tàu hải quân trong nước, bao gồm cả các tàu hộ tống lớp ADA.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xây dựng khả năng chống tiếp cận/từ chối khu vực (anti-access/area denial - A2/AD) để chống lại các cơ sở và phương tiện A2/AD ngày càng tăng của Nga ở Biển Đen bằng cách đặt mua 4 khinh hạm mới, được gọi là Istanbul và MILGEM II.
Các tàu khu trục nhỏ dựa trên thiết kế tàu hộ tống lớp ADA, nhưng được kéo dài thêm 14 mét để có thể lắp đặt hệ thống tên lửa đất đối không phóng thẳng đứng. Gökdeniz - phiên bản hải quân của hệ thống phòng không tầm thấp Korkut của lục quân sẽ lần đầu tiên được bổ sung vào kho vũ khí cùng với tàu khu trục nhỏ. Tên lửa chống hạm Atmaca quốc gia cũng sẽ được tích hợp vào chiếc đầu tiên của lớp TCG Istanbul, dự kiến sẽ được đưa vào trang bị vào cuối năm nay.
Cân bằng Nga thông qua hợp tác quân sự khu vực
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thực hiện các bước trên mặt trận chính sách đối ngoại, tăng cường hợp tác với Ukraine, Gruzia và Azerbaijan. Ankara coi các nước này là công cụ trong nỗ lực cân bằng sự hiện diện quân sự của Nga ở Biển Đen và Nam Caucasus. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine đã được mở rộng đáng kể. Năm 2020, Tổng thống Erdoğan đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 36 triệu USD cho Ukraine.
Hai nước nhất trí hợp tác thiết kế và sản xuất động cơ máy bay, radar, máy bay không người lái và hệ thống định vị, và xem xét hợp tác trong các dự án công nghệ tiên tiến, như hệ thống tên lửa đạn đạo. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch bán các tàu của mình cho Ukraine như một phần của thỏa thuận quốc phòng lớn hơn nhiều, mà nếu thành hiện thực, có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đen. Bên cạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, hải quân Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành huấn luyện chung ở Biển Đen để phô diễn khả năng hoạt động “phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO”.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đầu tư vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của Gruzia - một quốc gia khác ở Biển Đen bị đe dọa bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã phân bổ hàng triệu USD cho Bộ Quốc phòng Gruzia để cải cách hậu cần quân sự của đất nước và chuyển giao khả năng quốc phòng cho nước láng giềng Đông Bắc đồng thời ủng hộ việc công nhận tư cách thành viên NATO cho Gruzia - một động thái mà Nga phản đối.
Hợp tác quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan cũng đang phát triển, thể hiện rõ nét trong cuộc tranh chấp Nagorno-Karabakh cuối năm 2020, khi Ankara hỗ trợ quân sự đầy đủ cho Baku. Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại cho Azerbaijan một lợi thế to lớn trong cuộc xung đột, kết thúc với việc Azerbaijan chiếm được những vùng lãnh thổ đáng kể từ các lực lượng Armenia. Xuất khẩu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sang Azerbaijan đã tăng gấp 6 lần vào năm 2020, trong đó Azerbaijan đã đứng đầu danh sách các nước mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9/2020.
Điểm sáng duy nhất quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-NATO
NATO được cho nên hỗ trợ những nỗ lực này của Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng nên thành lập một nhóm “Tuần tra Hàng hải Biển Đen” thường trực theo mô hình của Chiến dịch Người bảo vệ Biển (Operation Sea Guardian) thành công ở Địa Trung Hải. Chiến dịch Người bảo vệ Biển là một nỗ lực linh hoạt có khả năng đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về an ninh hàng hải của NATO.
Theo khái niệm "quốc gia khuôn khổ" của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể được giao vai trò quốc gia tiên phong ở Biển Đen và các thành viên nhỏ hơn có thể tích hợp các khả năng hạn chế hơn của mình vào một cơ cấu tổ chức do Ankara xây dựng.
Theo gương các sứ mệnh khác của NATO ở Baltic hoặc Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò điều phối để thu hút các đồng minh NATO khác tham gia và hỗ trợ. Một lực lượng như vậy sẽ đòi hỏi sự phối hợp của NATO và áp lực chính trị giữa các thành viên không thuộc Biển Đen cam kết trước về sự hiện diện hàng hải thường xuyên và luân phiên ở Biển Đen, phù hợp với Công ước Montreux năm 1936, hạn chế sự hiện diện của tàu chiến từ các vùng ven biển tối đa là 21 ngày.
Mặc dù sự phát triển của một đơn vị đa quốc gia như vậy sẽ đòi hỏi một nỗ lực ngoại giao bền vững, nhưng một khi đi vào hoạt động, nó sẽ tăng cường khả năng răn đe của NATO trong khu vực chiến lược đã trở thành bàn đạp để Nga chuyển sức mạnh từ Gruzia đến Syria và Libya./.
Từ khóa: BiểnĐen,Nga,ThổNhĩKỳ,NATO
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN