Biến Barner quảng cáo, quần áo cũ thành sản phẩm du lịch (10/6/2024)

Cập nhật: 10/06/2024

Thay vì vứt bỏ ra môi trường, những banner quảng cáo, đồ nhựa dùng một lần hay quần áo cũ sẽ được tái chế thành những sản phẩm độc - đẹp - lạ. Đây là cách những người phụ nữ ở HTX Green Life, Hạ Long, Quảng Ninh bền bỉ thực hiện trong nhiều năm qua để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

Trong gian nhà hơn 100 m2 là trụ sở của HTX Green Life (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long), 4 chiếc máy may chạy liên tục từ 7 giờ sáng để cho "ra lò" ra những sản phẩm tiêu dùng đặc biệt. Nhờ sự khéo léo, sáng tạo của những người phụ nữ mà bạt nhựa, quần áo cũ, vải vụn... có thêm vòng đời ý nghĩa khi trở thành túi xách thời trang, làn đi chợ, vòng tay, nơ buộc tóc. Vừa cắt tấm banner quảng cáo để chuyển sang khu vực máy may, bà Đặng Thị Rồng (82 tuổi, phường Hùng Thắng, Tp Hạ Long) cho biết: Ngày nào cũng tới HTX để phụ giúp cắt ghép vải vụn, banner, bạt nhựa... với suy nghĩ mình đang lan tỏa lối sống có trách nhiệm với môi trường cho con cháu: "Tôi đến đây làm giúp cho các cháu được tí nào hay tí đấy, mình còn khỏe mình mà làm cũng vui; tận dụng rác thải nhựa làm ra túi đựng hàng cho khách người ta thích thì người ta mua bảo vệ môi trường. Gia đình tôi còn phân loại ra đâu là rác thải làm phân hữu cơ để riêng, còn cái nào không được thì tôi mới bỏ ra đây mang lên cho các cháu làm". Bà Rồng nói.

Bà Đặng Thị Rồng (82 tuổi) ngày nào cũng tới HTX để phụ giúp tái chế rác thải nhựa với mong muốn lan tỏa tình yêu với môi trường tới các con, cháu

Gắn bó với gia đình nhà chồng có nghề đóng tàu truyền thống, chị Trần Thị Hương, Giám đốc HTX đã không ít lần chứng kiến sự ô nhiễm môi trường từ các loại rác thải và luôn suy nghĩ về việc làm gì đó để hạn chế rác thải nhựa. Tháng 12/2019, cơ duyên khi chị biết đến dự án của Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Green Hub cùng Hội Phụ nữ TP Hạ Long với mô hình "sống xanh". Có thêm động lực, chị Hương bắt tay vào việc xây dựng ngôi nhà Green Life từ những mảnh ghép là rác thải nhựa, rác thải công nghiệp. Tường bao HTX được xây từ những viên gạch vỡ; kính cửa sổ được tận dụng từ các tàu du lịch cải hoán; Thậm chí bàn tiếp khách trong HTX cũng được tái chế từ phao tàu bỏ đi; những ghế ngồi là lốp xe hỏng được "mặc" chiếc áo vải hoa đẹp.... Chị Lê Thị Hải (58 tuổi), tổ 5 khu 2, phường Hà Khẩu cho biết: Ngay cả những sợi dây đai nhựa buộc gạch cũng được tận dụng để đan thành sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách. "Đây ví dụ nói về cái làn này nhé! Thì đi từ nhà đến HTX làm việc thì là trên đường đi chúng tôi sẽ nhặt được những cái dây buộc lạt này của những công trình xây dựng họ vứt bừa bộn ra đường. Về đến HTX thì đánh rửa thật sạch sẽ. Trong thời gian làm ở HTX xong thì về nhà, chúng tôi tranh thủ đan những cái làn này để mang đến HTX để quảng bá với khách nước ngoài đồng thời người ta có mua thì chúng tôi có thêm thu nhập".

Chị Sofia (20 tuổi, du khách New Zealand) thích thú với sản phẩm túi từ nhựa tái chế

Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, vượt qua những nghi ngại ban đầu, Green Life Hạ Long đã trở thành mô hình thành công về thu gom, tái chế rác thải nhựa của tỉnh Quảng Ninh. Mỗi tháng, HTX xử lý khoảng 1 tấn sản phẩm từ bạt nhựa, banner quảng cáo, quần áo cũ... thành những vật dụng, hàng lưu niệm đẹp mắt. Điều đáng nói, nguồn thu chính của HTX hiện nay là từ khách du lịch trải nghiệm lối sống thân thiện với môi trường, đều đặn mỗi ngày HTX đón từ 2-3 đoàn khách quốc tế. Chị Sofia, du khách New Zealand chia sẻ:"Tôi rất thích và ấn tượng những hoạt động như thế này. Các sản phẩm này không ai dùng nhưng các chị đã biến thành những sản phẩm tiện ích, đẹp mắt và cũng là cách lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường với cộng đồng".

Ghế ngồi, bàn uống nước đều là các sản phẩm tận dụng từ những vật liệu thải bỏ trong quá trình cải tạo tàu du lịch

Giám đốc HTX Trần Thị Hương cho biết mục tiêu xa hơn là hướng tới các em học sinh, bởi đây sẽ là những tuyên truyền viên tốt nhất để giúp người thân thay đổi nhận thức trong bảo vệ môi trường sống: "Chúng tôi cũng mong muốn các cấp hội tuyên truyền, để người dân, người phụ nữ đi chợ bằng làn, hay túi tái chế để giảm lượng túi bóng nilon và dùng các sản phẩm tái chế để chúng tôi có thể thu gom và làm được nhiều sản phẩm hơn. Tôi mong muốn được đến các trường học để tuyên truyền rồi; có thêm các buổi ngoại khóa để dạy các con làm các sản phẩm tái chế để các con có ý thức hơn trong cái việc là bảo vệ môi trường".

Mỗi năm, có tới hơn 1.000 khách du lịch quốc tế ghé thăm và mua sản phẩm được tái chế từ rác thải, tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên HTX

Biến rác thải nhựa, khó phân hủy thành những sản phẩm hữu ích; đi liền với tạo việc làm, thu nhập cho người dân không còn là mô hình mới. Nhưng việc bền bỉ duy trì những mô hình "sống xanh" không phải là điều dễ dàng nếu không chuyển biến được nhận thức của người dân về rác thải nhựa. Và HTX Green Life đang góp phần lan tỏa tình yêu thương, lan tỏa lối sống có trách nhiệm với môi trường của những người dân thành phố bên bờ di sản vịnh Hạ Long./.

Vũ Miền/VOV Đông Bắc

Từ khóa: #rác thải #sản phẩm #du lịch #môi trường

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV1

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập