Bị người tình “ảo” lừa đảo hơn 4 tỷ đồng đầu tư bán hàng qua mạng
Cập nhật: 09/10/2024
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
Chỉ trong thời gian ngắn, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận hai vụ lừa đảo qua không gian mạng với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng của các nạn nhân.
Điển hình, vào ngày 7/10, ông N.V.T (SN 1962, ngụ TP Tây Ninh) đã đến phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh cầu cứu về việc bị “người tình” mạng lừa đảo 3,4 tỷ đồng.
Ông T, chua xót: “Qua mạng xã hội, tôi làm quen với tài khoản xã hội có tên “QN” của một cô gái xinh đẹp, trẻ trung. Từ ứng dụng messenger, tôi đã nhắn tin qua lại nhiều lần với “QN” và tin nhắn ngày càng tình cảm như những cặp đôi đang yêu. Cô gái này luôn để những tấm hình sang chảnh, xinh đẹp trên mạng xã hội”.
Khi tạo được lòng tin, “QN” đã dẫn dụ ông T. đầu tư mua bán tiền điện tử USDT trên sàn giao dịch OKX. Lấy lý do sàn OKX đầu tư ít lợi nhuận, “QN” kêu ông T rút hết tiền ở OKX sang đầu tư cho sàn UTSpeed với lãi suất từ 3-4%/ngày.
Cùng với sự nhiệt tình hướng dẫn của “QN” và các nhân viên chăm sóc khách hàng, ông T. đã chuyển khoản 14 lần với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng để đầu tư mà không rút được tiền về tài khoản. Sau đó, ông T liên lạc với “QN” thì nhận được thông báo tài khoản không tồn tại.
Một trường hợp khác, nạn nhân là anh T..T.L. (SN 1984, ngụ huyện Tân Biên). Anh T, bức xúc: “Trước đó, L. lên mạng xã hội thấy trang Alibaba quảng cáo nên truy cập vào. Thông qua tin nhắn messenger, nữ nhân viên xinh đẹp làm quen, hướng dẫn L. tạo tài khoản Telegram để trò chuyện. Tiếp đó, nhân viên hướng dẫn L. tạo cửa hàng trực tuyến theo các đường link để L. giao dịch mua bán và phương thức thanh toán bằng USD”.
Khách vào cửa hàng của anh L. mua món hàng nào thì anh L. phải dùng tiền của mình chuyển vào kho 83% giá trị món hàng đó rồi kho mới xuất hàng bán. Khi khách trả tiền thì anh L. nhận được 100% giá trị món hàng đã bán. Trung bình mỗi món hàng anh L. sẽ nhận được 20% tiền lời.
Các món hàng bán đầu tiên, anh L. rút được tiền về tài khoản của mình nên tin tưởng tham gia nhiệt tình. Sau gần 2 tuần liền, anh L. chuyển khoản mua hàng hơn 620 triệu đồng nhưng chỉ nhận lại được trên 94 triệu đồng, số tiền còn lại đến nay chìm trong vô vọng. Cùng thời gian và cách thức như trên, anh L. bị các đối tượng dẫn dụ tham gia trang bán hàng của Amazon. Anh L. đã chuyển 54 triệu đồng, và các đối tượng chuyển trả lại tài khoản anh 29 triệu đồng.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết: Thời gian qua, cơ quan Công an liên tục cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online đến đầu tư tiền điện tử.
Các đối tượng ban đầu tạo tình cảm yêu thương, dẫn dụ nạn nhân bằng các chính sách rất hấp dẫn như đầu tư ít, hưởng lãi cao. Các đơn hàng, giao dịch ban đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng lãi cao, đến đơn hàng, giao dịch có giá trị cao thì các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền rồi xoá tài khoản.
Qua vụ việc trên, Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, người dân nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn lừa đảo trên, tránh mắc bẫy các đối tượng xấu. Khi tham gia đầu tư hoặc làm cộng tác viên bán hàng, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin của công ty qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định.
Từ khóa: lừa đảo, lừa đảo, lừa đảo trên mạng, lừa bán hàng qua mạng, công an tỉnh Tây Ninh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: theo công an nhân dân
Nguồn tin: VOVVN