Bị lừa tiền khi tham gia "Cuộc thi ảnh Nét đẹp nhà giáo Việt Nam" trên Facebook
Cập nhật: 04/11/2024
VOV.VN - Tham gia "cuộc thi ảnh Nét đẹp nhà giáo Việt Nam", giáo viên được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chân dung, toàn thân và cam kết sẽ “đồng hành” cùng chương trình đến cùng bằng cách tham gia thử thách chuyển khoản tiền để mua hàng với giá trị tăng dần.
Chị K. (một giáo viên THPT xin giấu tên) vẫn chưa hết bàng hoàng khi vừa bị lừa mất hơn 10 triệu đồng vì đăng ký tham gia “Cuộc thi ảnh Nét đẹp nhà giáo Việt Nam 2024” trên Facebook.
Chị K. cho biết, khi lên mạng xã hội, chị thấy xuất hiện "Cuộc thi ảnh Nét đẹp nhà giáo Việt Nam 2024" nhằm chào mừng ngày 20/11, nghĩ rằng đây là cuộc thi giành cho giáo viên, chị K. không suy nghĩ nhiều và nhắn tin tìm hiểu về thể lệ để tham gia.
Sau khi nhắn tin cho BTC cuộc thi trên facebook, chị K được yêu cầu cung cấp ảnh chân dung hoặc ảnh toàn thân khi đang tham gia hoạt động giáo dục cùng thông tin cá nhân như họ tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, đơn vị công tác, địa chỉ sinh sống để “tạo hồ sơ tham dự”.
Sau khi đã cung cấp hết thông tin cá nhân theo yêu cầu, chị K. được yêu cầu nhắn tin riêng với một người được cho là đại diện BTC để tạo nhóm “chat kín” gồm các thành viên khác cùng tham dự cuộc thi.
Chị K. chia sẻ, khi tham gia vào nhóm chat, chị được yêu cầu "like" trang facebook có tên Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó các ứng viên tham dự cùng tham gia các thử thách để cam kết rằng sẽ đồng hành cùng nhà tài trợ để quảng bá sản phẩm suốt quá trình tham dự cuộc thi.
"Khi được yêu cầu ấn like và theo dõi trang của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi càng thấy yên tâm hơn và tiếp tục tham gia các hoạt động phía sau", chị K. nói.
Khi tham gia thử thách của cuộc thi, ban đầu, chị K. được gửi link một sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, BTC cuộc thi yêu cầu các ứng viên chỉ cần ấn vào nút mua sản phẩm, nhưng không cần thanh toán trực tuyến trên trang thương mại điện tử đó, mà gửi riêng 1 số tài khoản khác để chuyển khoản số tiền bằng với giá của sản phẩm vừa chọn mua.
“Ban đầu, chúng yêu cầu tôi mua một bộ áo dài với giá hơn 300.000 đồng và hứa sau khi tôi chuyển khoản và hoàn thành các vòng thử thách sẽ nhận lại được số tiền gốc kèm theo 20% hoa hồng cho mỗi sản phẩm. Sau khi mua sản phẩm thứ nhất, tôi có nhận được hơn 60.000 tiền hoa hồng. Tôi được yêu cầu tiếp tục mua đến sản phẩm thứ 2 có giá trị hơn 1 triệu đồng, sản phẩm thứ 3 có giá trị hơn 4 triệu đồng, sản phẩm thứ 4 có giá trị hơn 6 triệu đồng. Đến sản phẩm cuối cùng là 1 chiếc ví da trị giá hơn 10 triệu đồng thì tài khoản của tôi hết tiền để chuyển khoản. Nhưng người tự xưng là đại diện BTC vẫn yêu cầu tôi phải chuyển khoản số tiền hơn 10 triệu đồng kia thì mới tất toán để hoàn trả lại toàn bộ số tiền tôi đã chuyển khoản kèm theo hoa hồng.
Khi tôi nói rằng đã hết tiền, đối tượng này tiếp tục thúc giục. Tôi xin dừng lại và yêu cầu được hoàn trả số tiền mua 4 sản phẩm ban đầu thì đối tượng này cho biết sẽ chuyển khoản lại sau 12-24 tháng nữa. Nhưng sau đó tôi bị đẩy ra khỏi nhóm chat và không có cách nào liên lạc với BTC cuộc thi. Đến lúc này tôi mới biết mình bị lừa đảo”, chị K. cho biết.
Tương tự chị K., một giáo viên khác cũng cho biết, khi nhìn thấy thông tin cuộc thi trên mạng xã hội đã hào hứng đăng ký tham gia. Nhưng khi tham gia đến vòng “thử thách” yêu cầu ứng viên phải chuyển khoản để mua hàng, thể hiện “cam kết” sẽ đồng hành cùng các nhà tài trợ quảng bá sản phẩm trong suốt quá trình dự thi, giáo viên này đã nhận ra sự bất thường và dừng tham gia trước khi chuyển khoản.
Để tìm hiểu thông tin, phóng viên đã nhắn tin cho fanpage "Cuộc thi Nét đẹp nhà giáo Việt Nam 2024". Tại đây, BTC cuộc thi giới thiệu: “Cuộc thi ảnh Nét đẹp nhà giáo Việt Nam" nhằm tôn vinh những người thầy, người cô trong sự nghiệp "trồng người" đầy cao cả! BTC cũng nhấn mạnh rằng, giá trị giải thưởng rất lớn, giải nhất lên đến 50 triệu đồng và nhiều giải thưởng khác cũng có giá trị từ 10-30 triệu đồng.
Khi phóng viên hỏi về đơn vị tổ chức cuộc thi, thì BTC cho biết, chương trình do “Đài Truyền hình VTV24” và nhà tài trợ phối hợp tổ chức. Đăng ký tham gia, phóng viên cũng được một thành viên của BTC, giới thiệu là "BTV Dương Sơn Lâm, phóng viên VTV24" hướng dẫn thực hiện các thử thách để chuyển tiền mua hàng tương tự như những giáo viên trên. Qua tìm hiểu, trang facebook có tên Dương Sơn Lâm này hoàn toàn là giả mạo, không phải trang facebook cá nhân chính chủ của BTV Sơn Lâm đang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, đại diện VTV24 cho biết, đơn vị này không đồng hành cùng bất cứ cơ quan, tổ chức nào để tổ chức "Cuộc thi ảnh Nét đẹp nhà giáo Việt Nam 2024" trên mạng xã hội.
Qua theo dõi, trang facebook của cuộc thi này có đến hàng ngàn lượt like và lượt chia sẻ. Các bài viết về cuộc thi xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), với hình thức lừa đảo “giả mạo thương hiệu” các đối tượng sẽ tạo lập nhiều các trang fanpage, trang mạng xã hội (website) giả mạo vô cùng tinh vi và chuyên nghiệp. Trang web giả mạo có giao diện trông giống như trang web chính thức của một thương hiệu nổi tiếng. Các đối tượng còn có thể sử dụng các tên miền tương tự hoặc thay đổi một vài ký tự nhỏ, người dùng ít chú ý để làm cho trang web trông hợp lệ.
Để tăng mức độ uy tín, các đối tượng còn tạo ra các tài liệu, quảng cáo hoặc sản phẩm với tên và logo của thương hiệu nổi tiếng, đồng thời đăng tải những nội dung về các cuộc thi có tính hấp dẫn để thu hút sự chú ý và đánh lừa người tiêu dùng. Những người dùng mạng xã hội có nhu cầu tìm hiểu các nội dung liên quan, tham gia cuộc thi để nhận phần thưởng, giải thưởng thường sẽ để lại tin nhắn, nhận xét... trên các fanpage. Theo đó, đối tượng sẽ nhanh chóng tiếp cận với nạn nhân qua hình thức tin nhắn và yêu cầu nạn nhân tham gia cuộc thi cung cấp thông tin cá nhân như đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, hòm thư điện tử (email) thậm chí cả thông tin tài chính liên quan đến mức thu nhập...
Khi người tham gia cung cấp thông tin, kẻ lừa đảo gửi email thông báo họ đã trúng giải thưởng vô cùng lớn, hấp dẫn. Email thường yêu cầu người tham gia cung cấp thêm thông tin hoặc trả phí để nhận giải thưởng của các cuộc thi giả.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến cáo người dân cẩn thận trọng khi tiếp nhận thông tin từ các trang Facebook về các cuộc thi hoặc chương trình trên mạng, đồng thời yêu cầu xác minh rõ ràng danh tính của đơn vị tổ chức trước khi tham gia. Trong trường hợp đã bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết.
Từ khóa: giáo viên, lừa đảo, lừa đảo online, mất tiền, cuộc thi nét đẹp nhà giáo việt nam,giáo viên,nhà giáo
Thể loại: Xã hội
Tác giả: n.t/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN