Bi hài việc xét duyệt NSƯT, NSND: Yêu thì bỏ phiếu, ghét thì… gạch tên?

Cập nhật: 06/12/2023

Theo NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, có thành viên Hội đồng xét duyệt danh hiệu bỏ phiếu còn cảm tính.

Nhân dân chính là "giám khảo" khách quan, công tâm nhất

Theo đúng lịch, lẽ ra kết quả xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã phải công bố dịp Quốc khánh 2/9 năm 2022 nhưng do nhiều lý do nên đến tháng 11/2023, lễ trao tặng chưa được diễn ra mà dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2024.

Theo đó, tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần đầu tiên áp dụng theo Nghị định mới.

Với danh hiệu NSND, nghệ sĩ phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân). Nếu không có giải vàng cá nhân, nghệ sĩ sẽ phải có ít nhất 3 giải vàng quốc gia.

Với danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ phải có ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia (trong đó có 1 giải vàng cá nhân)...

Với những cá nhân có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng theo quy định sẽ được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Cứ tưởng việc xét duyệt sẽ theo quy định "cứng" nhưng những ồn ào vừa qua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về các tiêu chí xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND.

NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND phải qua 5 hội đồng: Hội đồng cơ sở; Hội đồng cấp tỉnh, thành; Hội đồng cấp bộ; Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước (do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thành lập theo từng lĩnh vực) và Hội đồng cấp nhà nước (do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL).

Một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua sự thẩm định của hơn 40 thành viên của 5 Hội đồng xét tuyển đến từ mọi miền, ở nhiều ngành nghệ thuật, tuy nhiên ông Thọ thấy rằng, chất lượng của việc xét duyệt NSƯT, NSND đang bị giảm giá trị.

"Giải thưởng trong nước còn thẩm định được, nhưng những giải thưởng quốc tế cần phải xem xét lại. Có NSƯT chỉ cần 2 huy chương vàng là lên NSND đối với những vai chính rất dễ, là xong. Tiết mục về đóng gói mà không ai biết NSND mặt mũi như thế nào. Vì vậy, giá trị của danh hiệu cần xem lại", ông chia sẻ.

Ông Thọ cho hay, để đạt được danh hiệu NSƯT, NSND, bên cạnh những tiêu chí về số năm làm việc, giải thưởng… nghệ sĩ cũng phải nhận được 80% phiếu bầu của Hội đồng xét duyệt thì hồ sơ mới được thông qua.

"Trước kia, phải cần 90% phiếu bầu thì hồ sơ mới được duyệt nhưng đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 lần đầu tiên áp dụng theo Nghị định mới, là chỉ cần 80% phiếu bầu là đạt.

Nhiều người trong hội đồng hoạt động ở chuyên ngành khác, không quan tâm ứng viên biểu diễn ở đâu, sức lan tỏa thế nào mà chỉ xem giải thưởng trên… hồ sơ nên có sự cảm tính", ông Thọ chia sẻ.

Đồng quan điểm, NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam - nói, bản thân ông cũng từng ngồi ở Hội đồng xét duyệt, ông cảm nhận sự đánh giá của những thành viên rất khác nhau.

"Thậm chí là đánh giá của các thành viên Hội đồng trái ngược nhau. Có những người vì yêu mà bỏ phiếu cho người này, vì không yêu mà gạch người kia", ông Vương Duy Biên thẳng thắn nói.

Cùng chung với quan điểm của NSND Lê Tiến Thọ và NSND Vương Duy Biên, NSND Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) - cho rằng, những người ngồi ở Hội đồng xét duyệt đều là những người ở các chuyên ngành khác nhau, họ chỉ biết sâu về ngành họ hoạt động chứ ngành nghệ thuật khác thì… chịu.

Vậy, việc bình bầu cho một người ở chuyên ngành khác là không hợp lý và có thể không biết uy tín của nghệ sĩ ngành khác lan tỏa thế nào.

NSND Tiến Thọ cũng chỉ ra một bất cập nữa của việc xét tặng danh hiệu là gần đây, Bộ VH-TT&DL cũng như các hội chuyên ngành mở ra rất nhiều cuộc thi, liên hoan, giải thưởng cũng được mở rộng nhưng ông Thọ đặt hoài nghi, giải thưởng đó có tạo ra giá trị đích thực của danh hiệu không? Hay diễn viên tham gia liên hoan, hội diễn chỉ để lấy huy chương để xét danh hiệu NSƯT, NSND?

Vì vậy, ông Thọ đề xuất, khi xét duyệt danh hiệu cần có những tiêu chí rõ ràng phải phục vụ nhân dân vì nhân dân chính là "giám khảo" khách quan, công tâm nhất.

NSND Thanh Hoa cũng thẳng thắn nói: "Những nghệ sĩ có tài năng thì ít có thời gian đi thi, đi liên hoan. Thời chúng tôi, làm gì có các cuộc thi, lúc ấy chỉ "căng người" ra phục vụ khán giả. Nếu cứ xét duyệt huy chương vàng, huy chương bạc thì những người không tham gia liên hoan, hội diễn thiệt thòi quá. Nếu là NSND thì hãy để cho nhân dân bình chọn", bà Thanh Hoa chia sẻ.

Nghệ sĩ về hưu, nghệ sĩ tự do có bị thiệt thòi khi xét duyệt?

NSND Thanh Hoa cho biết thêm, năm nay bà được mời vào Hội đồng xét duyệt NSƯT, NSND nhưng vì nhiều lý do, bà đã từ chối. Các năm trước, bà cũng quyết liệt nói về những vướng mắc, những vô lý của việc xét duyệt nhưng nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại khiến bà rất buồn.

"Tôi còn trăn trở điều này nữa, nếu ca sĩ thì được ghi nhận bằng giọng hát, còn những người trong dàn nhạc, người đứng sau sân khấu thì tính thế nào? Họ làm việc cùng tập thể, họ âm thầm góp cho tác phẩm thêm hay nhưng có được tôn vinh không? Năm ngoái tôi ngồi trong Hội đồng xét duyệt, lên tiếng nhiều lắm, nói nhiều ở các hội thảo nhưng năm nay vẫn thế", NSND Thanh Hoa bày tỏ.

"Vẫn thế" mà NSND Thanh Hoa nói đến là việc cộng dồn, quy đổi % huy chương giải thưởng hiện nay cũng khá máy móc.

"Sao lại cộng mấy chiếc huy chương bạc quy ra một huy chương vàng? Vàng là "vàng ròng" chứ không nên cộng dồn. Nếu cứ lấy huy chương ra làm tiêu chí, nhiều nghệ sĩ sẽ bằng mọi cách tham gia liên hoan, cuộc thi để có huy chương. Có huy chương dễ dãi quá cũng khiến danh hiệu bị giảm giá trị.

Mong rằng, những người xét duyệt vì cái chung, đừng làm giảm uy tín của các danh hiệu cao quý. Nếu người trong nghề thấy thỏa đáng thì sẽ không có những đơn kiến nghị như thời gian qua", bà Thanh Hoa thẳng thắn nói.

Trước câu hỏi,  vì sao trao danh hiệu NSƯT, NSND đến lần thứ 10 rồi mà vẫn xảy ra những ồn ào?, NSND Lê Tiến Thọ lý giải: "Do tiêu chí đặt ra chưa được khoa học, chặt chẽ, cảm tính vẫn nhiều. Ngày trước, việc trao danh hiệu chặt chẽ hơn bây giờ. Như đợt trao NSND cho Đặng Thái Sơn - khi ấy nghệ sĩ này mới gần 30 tuổi nhưng không có điều tiếng gì.

Nhưng gần đây thì ồn ào quá. Vì thế, các tiêu chí đặt ra phải mang tính định lượng, thuyết phục được số đông chứ không phải là những quy định chung chung".

NSND Vương Duy Biên cho rằng, việc đánh giá tài năng ở Việt Nam đang có một nghịch lý, nhiều ca sĩ có tài năng, được nhiều khán giả yêu mến, họ cứ xuất hiện là bán được vé, lại không quan tâm đến việc xét duyệt danh hiệu.

"Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ phía Nam ở trường hợp này như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… họ không tham gia liên hoan, hội diễn, không có huy chương nên không đủ tiêu chí để xét duyệt danh hiệu, như vậy là chúng ta đang bỏ sót người tài", ông Vương Duy Biên chỉ ra "lỗ hổng" của tiêu chí xét duyệt.

Nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho biết thêm, nhiều nghệ sĩ cao tuổi đã nghỉ hưu, không tham dự được các cuộc thi để có thêm huy chương nữa nên không thể xét duyệt NSƯT, NSND.

"Vì vậy, tiêu chí cũng cần làm rõ, nghệ sĩ đã nghỉ hưu, nghệ sĩ tự do thì có thể tham gia các liên hoan không? Có nghệ sĩ đến khi mất mới được truy tặng danh hiệu một cách cấp tập. Nhiều nghệ sĩ đến khi về hưu mới được xét tặng danh hiệu thì sự vinh danh này muộn quá.

Thực tế ghi nhận, nhiều người tài năng cũng ở mức độ vừa thôi nhưng do nhiều yếu tố vẫn được phong các danh hiệu. Theo tôi, nghệ sĩ đạt danh hiệu NSƯT, NSND là phải xuất chúng, chứ không thể "chìm nghỉm" được", ông Biên nói.

Từ khóa: nsnd, nsưt, nghệ sĩ, xét duyệt, danh hiệu, nsnd

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: theo lạc thành/dân trí

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập