Bị can đại án AIC ra đầu thú có được hưởng tình tiết giảm nhẹ?

Cập nhật: 30/08/2023

VOV.VN - Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Ngày 28/8, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, bị can Nguyễn Thu Phương, Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC, đã về nước đầu thú sau khi bị truy nã với mong muốn được xem xét, hưởng khoan hồng của pháp luật. Bị can Phương bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan. Trước khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can, Phương đã bỏ trốn và bị truy nã, cảnh sát chưa ghi được lời khai.

Câu hỏi đặt ra, sau khi ra đầu thú thì bị can Phương sẽ được các cơ quan tố tụng xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, Luật sư Lê Hồng Hiển – Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), cho rằng:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Còn tự thú là tình tiết giảm nhẹ, quy định tại điểm r Khoản 1 Điều 51 BLHS. Theo quy định của pháp luật thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 1 sẽ quan trọng hơn, có giá trị hơn các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 2 Điều 51. Điều đó có nghĩa là khi quyết định hình phạt, nếu bị cáo nào đủ điều kiện để áp dụng tình tiết "tự thú" sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hơn so với bị cáo được áp dụng tình tiết "đầu thú".

Theo điểm h và điểm i khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tự thú, đầu thú như sau:

- Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

- Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Luật sư Lê Hồng Hiển cho rằng, các vụ án gần đây do Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo theo dõi, đặc biệt là vụ án liên quan AIC đã xét xử vắng mặt các bị cáo (trong vụ án AIC có 8 bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và xét xử vắng mặt). Việc xét xử vắng mặt các bị cáo bỏ trốn là hoàn toàn có cơ sở pháp lý, phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể Khoản 2 Điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:

a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;

b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;

c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;

d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

Vụ án AIC, ngoài bị can Phương mới ra đầu thú, thì hồi tháng 7/2023, bị can Đỗ Văn Sơn (45 tuổi), cựu kế toán trưởng Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC đã ra đầu thú để mong hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Với hành vi đầu thú này thì đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 2 Điều 51 BLHS. Theo đó, “khi quyết định hình phạt, Toà án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”.

Và sau khi đầu thú, các bị can tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, thậm trí cung cấp các tài liệu chứng cứ mới, quan trọng để cơ quan điều tra mở rộng vụ án thì có thể được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm t, điểm u khoản 1 Điều 51 BLHS: (t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; (u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội.

Từ khóa: aic, đại án, bị can, Nguyễn Thu Phương, truy nã, đầu thú

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: ctv vững nguyễn/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập