“Bếp đồng bào” và những bữa cháo ấm áp cho bệnh nhân K
Cập nhật: 1 ngày trước
Khám sàng lọc và tầm soát tim miễn phí cho trẻ em tại Đắk Lắk
Hà Nội có khoảng 20.000 trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi được tiêm sởi
VOV.VN - Đều đặn khoảng 2 năm nay, cứ cách 2 tuần, một nhóm tình nguyện viên tại Hà Nội lại tổ chức bếp ăn và nấu cháo dành tặng cho các bệnh nhân mắc ung thư. Họ coi đây là một sự động viên thiết thực đối với sức khỏe và tinh thần cho những người bệnh hiểm nghèo.
Có bố mắc K (ung thư) đang điều trị tại bệnh viện ung bướu Hà Nội, chị Trần Đặng Phương Anh (ở quận Long Biên) rất thấu hiểu tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng của những người đồng cảnh ngộ với bố mình.
Trong một lần được người quen giới thiệu, chị Phương Anh biết đến dự án “Bếp đồng bào” và lập tức thu xếp thời gian sau giờ hành chính để tham gia. Hiện tại, chị là thành viên nấu ăn chính cho Bếp đồng bào: “Chúng mình luôn ưu tiên chất lượng dinh dưỡng. Người bệnh luôn cần nguồn dinh dưỡng tốt nhất phục vụ quá trình phục hồi sức khỏe. Mình cũng hiểu, khi chờ đợi đến lúc khám, điều trị, đến giờ ăn, bệnh nhân được ăn một suất ăn ngon miệng, bổ dưỡng rất quý báu. Chúng mình đặt rất nhiều cái tâm vào khâu chuẩn bị nguyên liệu, khâu nấu rồi lúc trao cháo đến tay người bệnh”.
Nhận suất cháo nóng hổi trên tay ở giường bệnh, ông Nguyễn Hữu Nhân (trú tại Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) rất xúc động. Những món quà từ các thành viên Bếp đồng bào như tiếp thêm cho ông nguồn động viên để chăm sóc vợ mắc bệnh hiểm nghèo 15 năm nay: “Nằm ung thư thì rất tốn kém, mà điều kiện gia đình không có. Tôi rất cảm ơn các cháu, đã đỡ đần được gia đình trong lúc khó khăn thế này. Việc làm của các cháu rất tốt”.
Trong khi đó, bà V.T.L, một bệnh nhân đang xạ trị chia sẻ, nhờ có các nhà hảo tâm như Bếp đồng bào, dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày trong viện của bà được cải thiện. Nhờ đó, bà như được tiếp thêm sức khỏe để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật: “Tôi không có tiền, tiền tập trung hết vào các đợt điều trị kéo dài 20 ngày như thế này. Cứ có gì ăn vậy, không có tiền tẩm bổ, nếu có thì sức khỏe sẽ tốt lên. Cũng rất cảm ơn các bạn đã hỗ trợ cho tôi, được các bác sĩ chăm sóc, được ăn uống đầy đủ. Cứ sáng là tôi có cháo ăn”.
Theo chị Lê Thùy Phương, thành viên sáng lập Bếp đồng bào, dự án được nhen nhóm bởi chị và các cộng sự ở Công ty cổ phần tư vấn nhập cư Canada (Ways to Canada) vào năm 2023. Từ đó đến nay, với sự tài trợ của công ty, cùng việc kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng, liên kết chặt chẽ với các bệnh viện, Bếp đồng bào đã huy động được trên 80 tình nguyện viên, hỗ trợ được hơn 20.000 suất ăn cho các bệnh nhân ung thư ở bệnh viện Ung bướu Hà Nội và bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM.
Chị Phương chia sẻ về nhóm đối tượng mà dự án giúp đỡ: “Có những nhóm chọn người già neo đơn, trẻ em nghèo hay những người kém may mắn. Chúng mình chọn các bệnh nhân, những người rất dễ tổn thương trong xã hội. Họ phải đối diện với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Chúng mình rất xúc động, muốn đóng góp phần nào và san sẻ những khó khăn với họ”.
Là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia dự án, Đỗ Anh Nhi, lớp 11D2, THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đang đảm nhiệm vị trí trưởng ban đối ngoại. Cách đây gần một năm, Nhi biết tới Bếp đồng bào thông qua mạng xã hội và nộp đơn. Với các nhiệm vụ xin tài trợ nguyên vật liệu nấu cháo, phương tiện vận chuyển, hiện kim, cô nữ sinh này cảm thấy tự tin hơn trong các kỹ năng giao tiếp, khả năng lãnh đạo, sắp xếp thời gian.
Bản thân Đỗ Anh Nhi cũng cảm nhận chân thực hơn truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào” giữa những người không quen biết, vẫn sẵn sàng chìa tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhi nhớ về một nhà hảo tâm từng giúp đỡ dự án: “Đó là một chú đầu tiên mà chúng em xin tài trợ vận chuyển từ nơi nấu cháo đến bệnh viện ung bướu. Lúc đầu, chú định lấy xe để giúp, nhưng có trục trặc, nên chú quyết định dùng tiền mặt tài trợ. Rồi sau đó, chúng em lại nhận được một đơn vị khác tài trợ xe trực tiếp, em có thông báo, nhưng chú ấy vẫn sẵn sàng và tài trợ tiền mặt. Chú có nhắn, sau này có gì cần thì liên hệ, chú rất cảm kích trước những tấm lòng của người trẻ hướng tới giúp đỡ cộng đồng như thế”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, bác gái của Đỗ Anh Nhi tỏ ra vui mừng khi cháu mình được tham gia vào một hoạt động ý nghĩa với người trẻ như vậy: “Chương trình Bếp đồng bào rất ý nghĩa, giúp đỡ các bệnh nhân khó khăn một chút sữa, cháo và sự ấm áp. Mình mong chương trình sẽ mở rộng không chỉ với các anh chị sinh viên, mà cả các học sinh nữa. Chương trình giúp các con biết thế nào là yêu thương, yêu thương ở đây không chỉ yêu thương gia đình mà cả cộng đồng xã hội, biết bao bọc lẫn nhau. Đó cũng là thông điệp, truyền thống đùm bọc lẫn nhau của Việt Nam”.
Chị Lê Thùy Phương, sáng lập Bếp đồng bào, cho biết, thông điệp của dự án rất giản dị: Đó là trao đi yêu thương và lan tỏa trách nhiệm xã hội tới mọi người thông qua những hành động nhỏ. Chị Phương chia sẻ về câu chuyện xúc động trong quá trình phát cháo cho người bệnh.
“Trong một buổi phát cháo, có chị xin 3 suất được không. Các bạn mới bảo, vâng, chị cứ lấy, 4-5 suất cũng được, cầm về thêm cho người nhà nữa. Trong câu chuyện hỏi thăm, chị cho biết đi điều trị 2 năm rồi, gần đây còn phát hiện 2 con cũng mắc bệnh ung thư. Đó là một bất hạnh rất lớn. Khi chị ấy chia sẻ câu chuyện, chúng mình xúc động và rất thương chị. Những bát cháo của chúng mình hy vọng sẽ san sẻ, giảm bớt phần nào nỗi buồn, góp thêm một bữa ăn cho chị”.
Thời gian tới, Bếp đồng bào mong muốn tìm được những người đồng hành chung chí hướng để tiếp tục nối dài hơn hành trình này, mở rộng hơn những suất ăn tới được các bệnh nhân hiểm nghèo. Với họ, nụ cười nhẹ nhõm của bệnh nhân chính là những món quà quý giá nhất sau mỗi chuyến đi thiện nguyện.
Từ khóa: Bếp đồng bào, Bếp đồng bào, bệnh nhân ung thư, phát cháo, phát cơm miễn phí, phát cháo miễn phí, bệnh nhân,phát cháo miễn phí cho bệnh nhân ung thư
Thể loại: Xã hội
Tác giả: chu đức/vov giao thông
Nguồn tin: VOVVN