Bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm?

Cập nhật: 15/01/2021

VOV.VN - Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh gây đỏ, sưng dẫn đến đau và xơ cứng khớp, phần lớn là khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối.

Theo thống kê có hơn 100 loại viêm khớp, trong đó, nghiêm trọng nhất là viêm khớp dạng thấp, viêm xương - khớp và viêm khớp trong bệnh vảy nến. Bệnh thường bắt đầu từ sau lứa tuổi 40, tuy nhiên bất cứ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh lý này.

Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh gây đỏ, sưng dẫn đến đau và xơ cứng khớp, phần lớn là khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối. Viêm cũng xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể như phổi, mắt, tim, mạch máu, da và dây thần kinh nhưng khá hiếm gặp. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.

Nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Về cơ bản, viêm khớp được cho là do sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, môi trường, hormone, miễn dịch và nhiễm trùng. Bên cạnh đó, các yếu tố về kinh tế xã hội, tâm lý và lối sống cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và hậu quả của bệnh, chẳng hạn như thói quen hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có chất kích thích.

PGS.TS.BS Nguyễn Vĩnh Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Hà Nội cho biết: Viêm khớp dạng thấp triệu chứng khá đặc trưng như: sưng khớp, đau khớp, cứng khớp buổi sáng, thường đối xứng hai bên. Các biểu hiện toàn thân đôi có thể gặp như mệt mỏi, xanh xao, sốt, gầy sút, có thể đi kèm với tổn thương các cơ quan khác. Viêm đa khớp dạng thấp có triệu chứng rất đa dạng, gồm các triệu chứng của viêm khớp, triệu chứng toàn thân, triệu chứng ở các cơ quan khác.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, có thể làm giảm tuổi thọ và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, như: bệnh về tim mạch, tổn thương thần kinh, loãng xương, các bệnh nhiễm trùng, các bệnh về ruột, các bệnh phổi hay khô mắt hoặc mù lòa…

Việc điều trị bệnh lý viêm khớp dạng thấp hiện nay được áp dụng theo các phương pháp như: sử dụng thuốc điều trị giảm đau chống viêm không steroid; Thuốc nhóm steroid; Thuốc điều trị chống thấp khớp tác dụng chậm(DMARDs); Tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và trong những trường hợp đặc biệt có thể can thiệp ngoại khoa.

Để kiểm soát tốt bệnh, các bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, thực hiện lối sống lành mạnh, vui vẻ. Để phòng bệnh, chúng ta cũng cần thường xuyên vận động, tránh căng thẳng, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý./.

Từ khóa: viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm khớp, triệu chứng viêm khớp

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập