Bệnh dại gia tăng, người dân cần chủ động tiêm phòng
Cập nhật: 09/08/2023
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Những ngày gần đây, cả nước ghi nhận hàng chục ổ dịch chó dại, đáng lưu ý, có một số ca tử vong sau nhiều tháng bị chó dại cắn.
Với gần 125 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, Hệ thống Tiêm chủng VNVC ghi nhận số người dân đến tiêm vắc xin dại tăng cao, nhất là ở miền Tây Nam Bộ, tăng gần 600% so với 2 tuần trước.
Tiêm vaccine phòng bệnh dại tăng cao khi thời gian trở lại đây cả nước ghi nhận hàng chục ổ dịch chó dại, đáng lưu ý, có một số ca tử vong sau nhiều tháng bị chó dại cắn. BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, gần như 100% bệnh nhân tử vong khi lên cơn dại. Bệnh lây truyền chủ yếu do bị chó, mèo mang virus dại cắn, cào, liếm trên da bị tổn thương. Trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 500.000 người phơi nhiễm dại và hơn 70-100 người mắc bệnh dại tử vong. Từ đầu năm đến 31/7/2023, cả nước ghi nhận 43 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, miền Bắc 20 ca, miền Nam 9 ca, miền Trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca (Gia Lai 8 ca và Đắk Lắk 3 ca).
Bệnh dại có 2 thể gồm thể cuồng và thể liệt. Ở thể cuồng, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là sốt cao, đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hành vi hung hăng, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, lú lẫn, co thắt cơ bắp, ngưng tim. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể nhai, nuốt, uống nước. Người bệnh thường chết chỉ sau một tuần kể từ ngày phát bệnh.
Thể bại liệt ít gặp hơn, khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiêu tiểu, liệt tay chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết. Các chuyên gia y tế khẳng định, hiện nay chưa có một bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại, việc thực hiện các biện pháp này không có tác dụng. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại.
Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong khoảng thời gian 10-15 phút và sát trùng vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod. Sau đó, nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị vết thương và tiêm vaccine phòng dại hoặc huyết thanh kháng dại theo tư vấn của bác sĩ càng sớm càng tốt, đúng và đủ liều theo phác đồ điều trị.
Trước lo ngại vaccine phòng bệnh dại có tác dụng phụ, ảnh hưởng hệ thần kinh, gây mất trí nhớ, bác sĩ Chính cho biết, vaccine thế hệ cũ tồn tại vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay vaccine phòng dại đã được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người dùng.
Từ khóa: tiêm, tiêm phòng, tiêm vaccine, tiêm phòng bệnh dại, chó dại, bệnh dại
Thể loại: Y tế
Tác giả: thúy ngà/vov1
Nguồn tin: VOVVN