Bên trong Viện Virus học Vũ Hán- tâm điểm tranh cãi về nguồn gốc dịch Covid-19
Cập nhật: 12/08/2020
Hoa hậu H’Hen Niê, MC Mạnh Khang…lan tỏa thông điệp "sống xanh" tới Gen Z
Rộn ràng Liên hoan “Ca nhạc, ca cổ, tiểu phẩm xuân” TP. Cần Thơ lần thứ XV 2025
VOV.VN - Viện Virus học Vũ Hán chuyên nghiên cứu những loại virus nguy hiểm nhất thế giới, trong đó có cả chủng virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19.
“Cách ly” với thế giới bên ngoài
Nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, Viện virus học Vũ Hán trông giống khuôn viên của một trường đại học với các tòa nhà bằng gạch đỏ khác biệt hoàn toàn so với khu vực xung quanh nhộn nhịp. Để đến đây, bạn phải lái xe qua một con đường dài có gắn các camera và luôn có nhân viên bảo vệ túc trực. Các nhân viên làm việc trong Viện tuân thủ chặt chẽ việc đeo khẩu trang – vật dụng đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành.
Các nhà khoa học đang làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: Getty. |
Trên những khuôn viên được thiết kế đẹp mắt, nằm cạnh một hồ nước nhân tạo nhỏ là một công trình kiến trúc mới hơn với lớp tường bên ngoài màu bạc và có rất ít cửa sổ. Đó là phòng thí nghiệm BSL-4 của Viện Virus học – phòng thí nghiệm đầu tiên của Trung Quốc nhận được chứng chỉ kiểm định an toàn sinh học cao nhất, đồng thời cũng là tâm điểm của những tranh cãi và “thuyết âm mưu” về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19.
Tại phòng thí nghiệm này, các kỹ thuật viên được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ để xử lý các mẫu vật phẩm và những thiết bị khác bên trong một khung kính dày. Giám đốc Viện virus học Vũ Hán Wang Yanyi cho biết, bà và các nhân viên ở đây cảm thấy bất bình khi là tâm điểm của những lời chỉ trích. Bà kêu gọi không nên để mục đích chính trị ảnh hưởng đến các cuộc điều tra về cách thức virus SARS-CoV-2 lây sang người.
“Bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy giận dữ khi bị hiểu lầm hoặc là mục tiêu của những cáo buộc không có căn cứ khi mà họ đang nghiên cứu và thực hiện các công việc liên quan trong cuộc chiến chống lại virus”, bà Wang Yanyi chia sẻ.
Viện virus học Vũ Hán được thành lập vào năm 1950, là một cơ sở khoa học nổi tiếng. Danh tiếng của viện này ngày càng được nâng cao hơn sau khi họ mở phòng thí nghiệm BSL-4 vào năm 2015.
Hiện tại, phòng thí nghiệm ngoài tập trung nghiên cứu virus SARS-CoV-2, còn nghiên cứu về những loại virus khác từng được biết đến như Ebola, Nipah và virus gây bệnh sốt xuất huyết.
Do có chức năng chuyên biệt là nghiên cứu các chất độc và những virus nguy hiểm nhất thế giới, trong đó có cả chủng virus SARS-CoV-2 mới nhất gây dịch Covid-19 được cho là bắt nguồn từ loài dơi, Viện Virus học Vũ Hán từng vướng cáo buộc liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh.
Trong một sự kiện tại Nhà Trắng ngày 30/4, Tổng thống Trump đã ám chỉ mối liên hệ giữa Viện virus học Vũ Hán và dịch bệnh. Khi phóng viên hỏi liệu ông đã nhìn thấy bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay chưa, ông Trump trả lời: “Tôi có nhìn thấy nhưng tôi lại không thể nói với bạn điều đó. Tôi không được phép nói với bạn”, đồng thời từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Sau đó, các cơ quan tình báo Mỹ đã bác bỏ khả năng virus SARS-CoV-2 là do con người tạo ra.
Bà Wang Yanyi và ông Yuan Zhiming – Phó Giám đốc Viện Virus học Vũ Hán đã bác bỏ cáo buộc cho rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Viện này, và cho biết, họ chỉ có mẫu virus đầu tiên sau khi dịch Covid-19 đã lan rộng trong cộng đồng.
Ông Yuan Zhiming nói: “Vào ngày 30/12/2019 chúng tôi nhận được mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi hoặc giống viêm phổi không rõ nguyên nhân từ bệnh viện gửi đến. Trước đó, chúng tôi chưa từng biết đến chủng virus SARS-CoV-12 mới này, do đó không thể nói rằng virus đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm”.
Không ai trong số các nhà khoa học mắc Covid-19
Theo bà Wang Yanyi, không ai trong số các nhà khoa học tại Viện virus học Vũ Hán bị nhiễm SARS-CoV-2 vì thế không có khả năng mầm bệnh bắt nguồn từ cơ sở này. Các nhân viên làm việc trong Viện thường xuyên tiến hành kiểm tra y tế nhưng cho đến nay chưa ai có kết quả xét nghiệm dương tính với virus hoặc kháng thể của virus.
Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố New York chuyên nghiên cứu và ngăn chặn đại dịch, từng làm việc với viện Vũ Hán trong 16 năm, cũng bác bỏ giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Trước đó vào tháng 5/2020, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, Tiến sỹ Anthony Fauci cũng đánh giá thấp khả năng nói trên.
Giám đốc Wang Yanyi cho biết, Viện Virus học Vũ Hán sẽ “hỗ trợ đầy đủ” các nỗ lực điều tra của Tổ chức Y tế thế giới về nguồn gốc dịch bệnh. Bà cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong đối phó dịch bệnh. Hồi tháng 4 vừa qua, Viện Y tế quốc gia Mỹ đã chấm dứt tài trợ cho Viện virus học Vũ Hán để thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu với EcoHealth Alliance. Đây là một dự án lâu dài nhằm xác định các khu vực có nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm và thu thập các mẫu từ loài dơi để ngăn chặn dịch bệnh khác do chủng virus corona gây ra trong tương lai.
Quyết định của Mỹ đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng khoa học.
Ông Daszak, Chủ tịch của EcoHealth Alliance cho biết: “Cắt đứt quan hệ của chúng tôi với các nhà khoa học trên thực địa, nơi dịch bệnh bắt đầu xảy ra, là điều hoàn toàn sai lầm”.
Còn Phó giám đốc Viện virus học Vũ Hán Yuan Zhiming cho rằng mối quan hệ Mỹ- Trung ngày càng xấu đi đang gây ảnh hưởng đến sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học. Ông nói: “Chúng tôi không muốn chứng kiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vì điều đó không tốt cho sự phát triển của khoa học, không tốt cho sự tiến bộ và ổn định của thế giới”.
Chợ Hoa Nam ở Vũ Hán bị đóng cửa sau khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Getty. |
Nguồn gốc của Covid-19 vẫn là bí ẩn lớn
Đã hơn 8 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cướp đi sinh mạng hơn 700.000 người và khiến hơn 20 triệu người bị mắc, nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn là một bí ẩn. Nghiên cứu ban đầu cho thấy, virus này gần giống với một loại virus có trong loài dơi móng ngựa, nhưng việc xác định nguồn gốc của nó và loài động vật trung gian lây truyền bệnh cho con người, nếu có, sẽ là một quá trình lâu dài và phức tạp.
Một số ca bệnh đầu tiên được thông báo bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Đây là một khu “chợ ướt” nơi có các cửa hàng bán thịt, hải sản và động vật sống. Các quan chức y tế từng cảnh báo rằng những khu chợ bán động vật sống như vậy có thể là “điểm nóng” của các bệnh truyền nhiễm. Nhưng ông Yuan Zhiming cho biết, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy bằng chứng chứng minh virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ nơi này.
“Đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy virus SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người tại Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán và vẫn chưa rõ làm thế nào nó có thể lây truyền từ vật chủ trong tự nhiên hoặc vật trung gian sang con người trong giai đoạn đầu”, ông Yuan Zhiming nhấn mạnh.
Các nhà khoa học có thể thu thập thông tin về một loại virus từ gien di truyền của nó, nhưng cấu trúc phân tử của gien sẽ không tiết lộ mọi thứ về nguồn gốc của nó.
Viện Virus học Vũ Hán đã tham gia vào việc giải trình tự bộ gien của virus SARS-CoV-2 và công bố kết quả vào ngày 12/1/2020. Bộ gien của virus cho thấy nó là một chủng mới, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng với virus corona có trên loài dơi được thu thập ở tỉnh Vân Nam vào năm 2013.
Shi Zhengli, một nhà nghiên cứu về dơi nổi tiếng, người điều hành Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm tại Viện virus học Vũ Hán, cho biết, hai bộ gien giống nhau đến 96,2% nhưng sự khác biệt còn lại rất quan trọng. Theo bà Shi Zhengli, virus corona có trên loài dơi này sẽ cần phải biến đổi hơn 1.100 lần mới có thể phát triển được thành loại virus SARS-CoV-2 đang gây dịch Covid-19 trên khắp thế giới hiện nay./.
Từ khóa: Viện virus học Vũ Hán, tranh cãi nguồn gốc dịch Covid-19, virus SARS-CoV-2, virus corona, Trung Quốc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN