Bến Tre cần nhiều giải pháp để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Cập nhật: 31/12/2021

VOV.VN - Những năm gần đây, Bến Tre đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn do biến đổi khí hậu. Tình hình nắng nóng và khô hạn diễn biến ngày càng bất thường, kết hợp với hiện tượng nước biển dâng gây nên tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Sáng nay (31/12), Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ tổ chức hội thảo khoa học về phát triển bền vững của tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các mô hình thích ứng, kịch bản biến đổi khí hậu được xác định là giải pháp chủ yếu để địa phương này đạt được các mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế- xã hội.

Những năm gần đây, Bến Tre đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn do biến đổi khí hậu. Tình hình nắng nóng và khô hạn diễn biến ngày càng bất thường, kết hợp với hiện tượng nước biển dâng gây nên tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng. Cụ thể là hai đợt hạn mặn vào các năm 2015-2016 và 2019-2020 xảy ra tại 162/164 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.800 tỷ đồng, với khoảng 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và 1.800 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 41.325 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt...

Trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã chuyển dịch theo hướng từ trồng lúa sang cây trồng khác và nuôi thủy sản. Diện tích trồng lúa của tỉnh năm 2020 ước đạt 21.993 ha, giảm 38.727 ha so với năm 2015. Tỉnh cũng khuyến khích tăng diện tích sản xuất rau màu, tuy nhiên kế hoạch này cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ hai đợt mặn, phải thu hoạch sớm và kéo dài thời gian trồng vụ mới.

Theo ông Nguyễn Quốc Thành, Văn phòng Tỉnh uỷ Bến Tre, quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt ở địa phương nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn còn tồn tại một số bất cập. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa đáp ứng được yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu ở cả hiện tại và tương lai. Diện tích, sản lượng của một số cây trồng chủ lực của tỉnh có dấu hiệu giảm sút mặc dù đã có chủ trương mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, nông dân Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn nên khó mở rộng quy mô sản xuất. Những bất cập này đặt ra bài toán điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, rà soát, cơ cấu lại giống cây trồng, ứng dụng khoa học - công nghệ mới,…

Ông Nguyễn Quốc Thành đề xuất: “Qua những tác động của COVID-19, chúng ta thấy được giá trị của ngành nông nghiệp là "bệ đỡ" của phát triển nền kinh tế, đặc biệt là những tỉnh có tỷ lệ người dân lao động trong nông nghiệp cao và ngành nông nghiệp cũng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chúng ta phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ, kịp thời và vận động người dân cùng tham gia thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn”.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toại (Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ) cho biết, rủi ro trong kinh tế nông nghiệp đã khiến một phận không nhỏ cư dân Bến Tre thay đổi sinh kế hoặc chuyển cư. Trong đó, nhóm người đang trong tuổi lao động có xu hướng di cư cao so với xu hướng chung của toàn quốc với 57% cư dân xuất cư sang các vùng nông nghiệp tại Bình Phước, Đồng Nai, Tây Nguyên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toại, nếu kinh tế ổn định, nông nghiệp không chịu quá nhiều rủi ro thì người dân sẽ không chuyển đến các khu đô thị để tìm việc mới. Để giữ nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, đảm bảo an ninh lương thực thì vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và Bến Tre cần có những biện pháp ứng phó và thích nghi lâu dài.

“Định hướng phát triển của Bến Tre cho tới năm 2030 và 2045 phát triển về hướng Đông, trong đó du lịch được xem là mũi nhọn. Tuy nhiên, trong các chiến lược phát triển cần dựa vào các mô hình thích ứng, kịch bản biến đổi khí hậu. Đặc biệt, việc phát triển nhân lực theo định hướng của tỉnh cần dựa trên nguồn lực hiện có cũng như căn cứ vào xu hướng di cư hiện tại cũng như tương lai”, ông Toại nói./.

Từ khóa: biến đổi khí hâu, bến tre, Viện khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ, chuyển đổi cây trồng

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập