Bê bối đăng kiểm không còn là "tham nhũng vặt"
Cập nhật: 02/03/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Theo nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, để xảy ra tiêu cực đó, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan tổ chức ở đâu, vì sao một sai phạm hệ thống như vậy lại có thể công nhiên diễn ra trong một thời gian dài, trên một phạm vi rất rộng?
Câu chuyện tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm tồn tại trong một thời gian dài vừa bị phanh phui tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Người đứng đầu lĩnh vực này, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và ông Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ.
"Ở đâu làm dễ người ta sẽ đến đó để đăng kiểm cho nhanh"
Trước đó, đăng kiểm được coi là một thế giới riêng với những luật lệ “bất thành văn” khiến dư luận không khỏi bức xúc, khó chịu. Số tiền chi phí để được “nhắc nhẹ” về lỗi xe khi kiểm định khoảng vài trăm nghìn đến vài triệu tùy theo lỗi vi phạm. Số tiền có thể không lớn, chỉ như một loại phí bôi trơn, lo lót để được việc cho chủ xe, cũng giống như ở nhiều dịch vụ khác trong đời sống xã hội.
Anh N.H.Đ (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lái xe dịch vụ được hơn 10 năm và đã quen với việc phải “bôi trơn” mỗi lần mang xe đi kiểm định. Thậm chí, theo anh Đ, cánh lái xe dịch vụ còn bảo nhau đăng kiểm ở đâu dễ để đến đó làm cho nhanh.
“Những xe chạy dịch vụ Trung tâm đăng kiểm đều biết hết, nên cứ mỗi lần đăng kiểm, ngoài phí theo quy định, tài xế chỉ cần “lót” thêm 100.000 đồng là qua. Xe tôi có lần kiểm định viên thông báo cháy hết đèn phanh nhưng vì “quen” nên chỉ nhắc đi thay luôn rồi cho qua”. Anh Đ chia sẻ như vậy và “tiết lộ” vì là khách quen, nên gần đến ngày đăng kiểm, hội nhóm lái xe của anh Đ còn được Trung tâm ưu ái gọi điện nhắc.
Đối với những chủ xe chưa biết “luật”, hay lần đầu đi kiểm định, theo anh Đ, kiểm định viên sẽ đọc ra một loạt lỗi và sau đó gọi vào phòng nói chuyện riêng. “Tôi có anh bạn lần đầu đi đăng kiểm, nghe người của Trung tâm đọc ra cả lố lỗi, hốt quá phải nộp luôn 500.000 đồng để được bỏ qua. Còn những trường hợp phải bỏ ra tiền triệu là coi như người ta đã “mua” hẳn đăng kiểm rồi”, anh Đ cho biết thêm.
Cũng theo anh Đ, thời điểm Chính phủ ban hành Thông tư số 120 nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với những xe quen, tài xế mặc định được khấu trừ tiền giảm khi nộp phí sử dụng đường bộ, nhưng ai không nắm được vẫn phải đóng như bình thường. Anh N.X.P (ở Nghĩa Đô, Hà Nội), khi biết thông tin, phải mang biên lai đến Trung tâm Đăng kiểm “trình bày” mới được hoàn lại tiền.
Thoạt nhìn, tiêu cực trong lĩnh vực kiểm định chỉ như một loại tham nhũng vặt khi giá trị vật chất của hối lộ không lớn. Nhưng khi rất nhiều người bị ảnh hưởng và trên một phạm vi rất rộng, gần như trong cả nước, thì sẽ không còn là tham nhũng vặt nữa. Đại diện Bộ Công an cũng đã khẳng định đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.
Nhận quà cảm ơn sau khi giúp đỡ
Ở góc nhìn của chuyên gia trong công tác phòng chống tham nhũng, ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhận định, sở dĩ tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm có điều kiện để xảy ra như ngày hôm nay là bởi công tác quản lý đã bị buông lỏng khi “không ai quản lý, không ai nhắc nhở, xử lý, để nó mặc nhiên xảy ra, kiểu “bất thành văn”, như là chuyện đương nhiên. Người ta coi việc nhận tiền đó chỉ như một chút quà cảm ơn sau khi giúp ai đó một việc gì đó”.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, để xảy ra tiêu cực đó, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan tổ chức ở đâu, vì sao một sai phạm hệ thống như vậy lại có thể công nhiên diễn ra trong một thời gian dài, trên một phạm vi rất rộng, mà ai cũng biết kể từ cấp lãnh đạo, quản lý.
Trả lời luôn câu hỏi đó, ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, đó chính là tham nhũng, là tiêu cực, rõ ràng không hề có quy định, không có yêu cầu, bắt buộc nhưng người ta lại phải “mang ơn” kiểu đó, vì nếu không lần đăng kiểm sau sẽ rất phức tạp, nên người ta thà mất vài trăm để được việc cho xong.
“Và hậu quả lớn nhất của tiêu cực này là làm tổn hại lâu dài cho xã hội. Không biết bao nhiêu chiếc xe không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để lưu hành vẫn ngang nhiên lăn bánh trên đường làm tăng lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn cho tính mạng của người tham gia giao thông; Những tuyến đường giao thông vừa được sửa sang chưa được bao lâu đã bị những chiếc xe được cơi nới tải trọng cày nát.
Cái giá phải trả đó kéo từ ngày này qua ngày khác không chỉ cho xã hội mà cho cả Nhà nước. Tiêu cực đó không thể phanh phui bởi khi đưa ra ánh sáng, uy tín của nhiều cơ quan chức năng, của nhiều cá nhân có thể bị ảnh hưởng, nhưng phải làm để ngăn ngừa những hậu quả sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu”, ông Phạm Trọng Đạt nêu quan điểm.
Hậu tiêu cực ở lĩnh vực đăng kiểm được phanh phui, dư luận còn quả quyết rằng không chỉ đăng kiểm mà bất kỳ lĩnh vực nào có liên quan mật thiết tới đời sống của người dân thì ở đó chắc chắn có tiêu cực. Thừa nhận dư luận của xã hội là có căn cứ khi bản thân đã từng nghe, từng chứng kiến, nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho rằng đa phần dư luận đều có căn nguyên của nó.
Bất kể ngành, lĩnh vực nào trong xã hội cũng đều có liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, tới con người thì cũng đều có bóng dáng của tiêu cực, chỉ là ít hay nhiều, lớn hay bé, ở trong những điều kiện, hoàn cảnh, thời gian đặc biệt mới phát lộ ra. Ở đâu có ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, biết phán đoán, dự kiến thì ở đó có thể ngăn chặn được. Chỗ nào kiểm tra, giám sát tốt thì tiêu cực ít, chỗ nào làm chưa tốt, không tốt thì tiêu cực nhiều lên.
Xét ở cả tính chất, mức độ, phạm vi, có thể thấy những tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm là rất nghiêm trọng, hơn 300 người có liên quan đến bê bối nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi đăng kiểm xe cơ giới đã bị khởi tố, tam giam, tạm giữ để điều tra. Chắc chắn, con số này sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Kết quả đó cho thấy chúng ta đang ngày càng bóc tách rất rõ tham nhũng có tổ chức và có hệ thống.
Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất bổ sung vụ án: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi./.
Từ khóa: tiêu cực đăng kiểm, đại án đăng kiểm, phòng chống tham nhũng, đưa nhận môi giới hối lộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam, tham nhũng có hệ thống có tổ chức
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN