Bầu cử Israel: Cuộc chiến sống còn cho sự nghiệp của ông Netanyahu
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Thủ tướng Israel trong những tuần qua cũng liên tục đánh bóng tên tuổi với chuyến thăm Nga trước bầu cử.
Ngày mai (17/9), các cử tri Israel sẽ đi bỏ phiếu lần thứ 2 trong vòng 6 tháng qua, được đánh giá là cuộc trưng cầu ý dân đối với số phận chính trị của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trung Đông và thế giới đang chờ đợi cuộc bầu cử, với kết quả sẽ chứng kiến chiến thắng tiếp theo giành cho ông Netanyahu trong nhiệm kỳ thứ 5, hay chấm dứt sự nghiệp chính trị kéo dài 10 năm liên tiếp của ông trên chính trường Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: The Hayride). |
Theo các cuộc thăm dò trước bầu cử, đợt bỏ phiếu lần này là cuộc đua sát nút giữa Đảng cánh hữu Likud của Thủ tướng Netanyahu cùng với đối thủ chính “nặng ký” là đảng trung dung Xanh-Trắng do cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz đứng đầu. Tuy nhiên, cả hai đảng sẽ khó nhận được thế đa số, do đó buộc phải đạt thỏa thuận với các đảng nhỏ hơn để thành lập chính phủ. Điều đó cho thấy kết quả cuộc bỏ phiếu vào ngày mai (17/9) sẽ bắt đầu các tuần đàm phán chính trị mới, trước khi lộ diện lãnh đạo tiếp theo của Israel.
Lo ngại về khả năng chấm dứt hơn 13 năm cầm quyền- lâu nhất trong lịch sử các nhà lãnh đạo Israel, Thủ tướng Netanyahu đã phải sử dụng các “chiến thuật cũ” với những cam kết dậy sóng trong chiến dịch tranh cử để lấy lòng các cử tri. Thủ tướng Netanyahu đã công khai ý định sáp nhập Thung lũng Jordan tại vùng lãnh thổ Bờ Tây hiện do Israel chiếm đóng, nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới, nhằm thu hút và lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri ủng hộ phe cánh hữu và cực hữu. Bước đi này có thể là dấu chấm hết đối với khát vọng về một nhà nước Palestin độc lập, đã vấp phải sự chỉ trích của các nước Arab, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu. 2 ngày trước bầu cử, Thủ tướng Netanyahu tiếp tục cam kết sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn về vấn đề định cư:
“Như tôi thông báo cách đây một vài ngày, chúng ta sẽ áp đặt chủ quyền ngay lập tức nếu chính phủ mới được thành lập. Thung lũng Jordan không chỉ là cổng phía Đông của nhà nước Israel mà còn là bức tường bảo vệ từ phía đông. Đây là một phần của nhà nước Israel và chúng ta cần phải đảm bảo rằng quân đội Israel sẽ ở đây mãi mãi”,Thủ tướng Netanyahu nói.
Thủ tướng Israel trong những tuần qua cũng liên tục đánh bóng tên tuổi với chuyến thăm Nga trước bầu cử, cùng hứa hẹn với Tổng thống Mỹ Donald Trump về một Hiệp ước quốc phòng chung. Đây là cuộc bầu cử thứ 2 được tổ chức trong 6 tháng qua tại Israel. Các chuyên gia dự đoán, số lượng cử tri đi bầu lần này sẽ không cao vì các cử tri không còn mặn mà với hai cuộc bầu cử trong vòng 1 năm. Trong cuộc bầu cử vào tháng 4/2019, liên minh cánh hữu của ông Netanyahu đã dẫn đầu nhưng không thể thành lập được chính phủ liên minh, buộc ông phải tổ chức bầu cử sớm.
Giáo sư Abraham Diskin tại trường đại học Hebrew tại Jerusalem cho rằng, chiến thắng cho Đảng Likud là "có thể" trong cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, tương lai của Israel và số phận chính trị của Thủ tướng Netanyahu cũng có thể chỉ được định đoạt sau tiến trình đàm phán sau bầu cử. Ngoài ra, với số ghế cho đảng Yisrael Beiteinu của Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong cuộc bầu cử lần này, có thể giúp ông Lieberman trở thành nhân vật chủ chốt quyết định trong việc xây dựng liên minh cầm quyền và định đoạt số phận chính trị của Thủ tướng Netanyahu./.
Thủ tướng Israel hủy chiến dịch tấn công dải Gaza vào phút chót
Toan tính thực sự đằng sau Hiệp ước Phòng vệ chung Mỹ-Israel
Hiệp ước quốc phòng Mỹ-Israel tạo lợi thế gì cho ông Netanyahu?
Từ khóa: Thủ tướng Israel, Thủ tướng Netanyahu, bầu cử Israel
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN