“Bát nháo” cho vay trực tuyến chiếm tỷ lệ khiếu nại rất cao

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Mô hình cho vay trực tuyến đang có sự phát triển mở rộng nhanh chóng kéo theo xu hướng gia tăng khiếu nại trong nhóm dịch vụ này.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019 đã tiếp tục tiếp nhận và giải quyết số lượng lớn các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng.

Ngành hàngbị khiếu nạinhiều nhất trong 8 tháng qua phải nói đến là“Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng”(chiếm40,37%). Sau đó là nhóm“Điện thoại, viễn thông”(chiếm20,65%) và nhóm“Đồ điện tử gia dụng”(chiếm9,38%).

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên nhóm hàng “Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng” có tỷ lệ khiếu nại lớn hơn nhiều lần so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại. Chủ thể liên quan trong nhóm hàng này bao gồm không chỉ các ngân hàng, công ty tài chính mà trong đó đã bắt đầu xuất hiện sự liên quan của nhiều mô hình tư vấn cho vay trực tuyến (cho vay ngang hàng – P2P).

“Các mô hình này hiện đang có sự phát triển mở rộng và gia tăng nhanh chóng cả về số lượng khách hàng và giá trị giải ngân, do vậy, kéo theo xu hướng gia tăng khiếu nại trong nhóm dịch vụ này”, Cục CT&BVNTD chỉ rõ.

khieu kien vi lo thong tin cua nguoi tieu dung ngay cang gia tang hinh 1
Biểu đồ phân chia vụ việc khiếu nại theo ngành hàng, lĩnh vực.
Nguồn:
VCA

Cũng theo Cục CT&BVNTD, trong 8 tháng qua, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nhóm hành vi bị khiếu nại là hành vi về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (chiếm 36% tổng số khiếu nại). Nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào việc doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của người tiêu dùng, không ghi nhận yêu cầu chỉnh sửa thông tin của người tiêu dùng, dẫn tới việc tiếp tục sử dụng thông tin của người tiêu dùng vào các mục đích xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhóm hành vi có tỷ lệ khiếu nại cao liên quan đến các nội dung về giao kết hợp đồng, cụ thể là các tổ chức, đơn vị không tạo điều kiện để người tiêu dùng tìm hiểu và nghiên cứu nội dung hợp đồng trước khi ký; không tư vấn đầy đủ thông tin về hợp đồng trước khi ký; không gửi bản sao hợp đồng để người tiêu dùng lưu trữ sau khi ký; nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn ban đầu…Nhóm hành vi này chiếm tỷ lệ 22% trong tổng số các khiếu nại gửi tới Cục.

Nhóm tỷ lệ tiếp theo chiếm 16% tổng số khiếu nại liên quan đến hành vi cung cấp thông tin. Theo đó, người tiêu dùng khiếu nại việc tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không thuận tiện…, dẫn đến người tiêu dùng khó khăn hoặc bị hiểu nhầm trong việc đưa ra quyết định mua bán, sử dụng dịch vụ.

Nhóm hành vi liên quan đến số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng chiếm tỷ lệ cao tiếp theo là 12%. Các hành vi này chủ yếu liên quan đến việc giao hàng chậm, số lượng, chất lượng hàng không đúng như nội dung quảng cáo, trong đó, phần lớn giao dịch liên quan của người tiêu dùng được thực hiện thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc qua các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng khiếu nại việc mua hàng trênSàn TMĐT nhưng khi nhận hàng không đúng như nội dung quảng cáo. Vụ việc có dấu hiệu lừa đảo từ nhà bán hàng trênSàn TMĐT bởi sau khi tiếp nhận đơn hàng, nhà bán hàng sẽ tự ý hủy đơn hàng, sau đó tự liên hệ với người tiêu dùng để giao một sản phẩm khác.

Theo Cục CT&BVNTD, đến hết ngày 31/8, Cục đã hỗ trợ giải quyết thành công hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý 360 vụ việc trong tổng số 375 vụ việc tiếp nhận (chiếm khoảng 96%). Số lượng khiếu nại còn lại đang được Cục phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải quyết.

Qua các khiếu nại kể trên, Cục CT&BVNTD cũng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nhận hàng khi trạng thái đơn hàng trên trang web là "Đang giao hàng", không nhận hàng khi trạng thái đơn hàng là "Đã hủy", "Đang lấy hàng",...; Mã đơn hàng trên gói hàng phải khớp với mã đơn hàng trên trang web/email xác nhận đặt hàng.

Đồng thời, người tiêu dùng cần kiểm tra xem đơn vị vận chuyển có đúng là đơn vị được sàn thương mại điện tử liên kết hay không; Kiểm tra xem hình ảnh vận đơn trên kiện hàng có đúng mẫu do sàn thương mại điện tử phát hành hay không. Quan trọng hơn, người tiêu dùng cần lưu ý xem xét kỹ nhà bán hàng trước khi đặt mua.

Để phòng tránh hành vi thu nợ nhầm kèm đe dọa, quấy rối, người tiêu dùng nên ưu tiên thực hiện giao dịch vay tại các công ty tài chính, ngân hàng đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cho vay bởi Ngân hàng nhà nước. Trường hợp cần thiết khi thực hiện vay tại các mô hình cho vay trực tuyến thì nên lựa chọn các công ty có website cụ thể, thông tin rõ ràng, đầy đủ.

Đồng thời, người tiêu dùng cần tham khảo các thông tin trên mạng Internet, hỏi người thân, bạn bè để có thêm thông tin tham khảo về công ty cung cấp dịch vụ. Trong quá trình thực hiện vay, người tiêu dùng cần lưu ý yêu cầu cung cấp hợp đồng để tìm hiểu trước khi ký và lưu trữ sau khi ký kết./.

Từ khóa: khiếu nại, giải quyết tranh chấp, cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng, cho vay trực tuyến

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập