Bất ngờ về bằng chứng ông Trump sẽ không bỏ rơi Ukraine
Cập nhật: 5 ngày trước
Mẹ ném con 3 tháng tuổi xuống mương nước
Xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ đẩy thế giới vào thế chiến III?
VOV.VN - Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ không bỏ rơi Ukraine như dự đoán của nhiều nhà quan sát. Bằng chứng cho điều này nằm trong chính hành động của ông Trump chứ không phải các phát ngôn tranh cử của ông.
Đối với nhiều nhà quan sát chính sách đối ngoại, chiến thắng của ông Trump cùng với thái độ thờ ơ của ông về khối quân sự NATO, sự chỉ trích của ông dành cho khối lượng viện trợ của Mỹ cho Ukraine cũng như cam kết của ông nhằm đạt một thỏa thuận chấm dứt xung đột quân sự Nga - Ukraine… đã tạo ra cảm giác bất định về cam kết của Mỹ đối với Ukraine.
Tuy nhiên, có dấu hiệu về điều bất ngờ ngược lại - đó là việc ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng chưa chắc đã là tin xấu đối với Kiev. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Ukraine Zelensky là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới điện đàm với ông Trump ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Chúc mừng Tổng thống đắc cử Trump, nhà lãnh đạo Zelensky bày tỏ tin tưởng về “tiềm năng hợp tác lớn hơn nữa” giữa hai quốc gia Mỹ và Ukraine.
Người ta thường mô tả chính trị gia Trump là một người theo chủ nghĩa biệt lập, dân tộc chủ nghĩa và phản đối can thiệp trên chính trường quốc tế. Ông Trump có nhiều lời lẽ cổ xúy cho những quan điểm đó nhưng lại có những động thái trái ngược.
Hồi tháng 12/2023, lưỡng đảng Quốc hội Mỹ thông qua luật cấm tổng thống nước này đơn phương rút Mỹ khỏi NATO. Người bên phe Cộng hòa tài trợ cho dự luật trên - Thượng nghị sĩ Marco Rubio, trong vài tháng gần đây đã nổi lên như một đại diện của ông Trump và dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Trump.
Mỹ và châu Âu vẫn là thị trường quan trọng nhất của nhau. Bất ổn ở châu Âu có ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Do vậy, Mỹ vẫn có động lực lớn trong việc duy trì vai trò của mình trong an ninh châu Âu.
Hơn nữa, chưa có gì khẳng định chắc chắn chính quyền Trump tương lai sẽ đi lệch với đường lối của chính quyền ông Obama, chính quyền ông Biden, thậm chí cả chính quyền ông Trump nhiệm kỳ 1 - tất cả đều coi Trung Quốc là thách thức đối với Mỹ.
Người ta thường nói về mối quan hệ nồng ấm giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin. Thế nhưng, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump áp dụng chính sách đối với Nga thậm chí còn cứng rắn hơn cả thời chính quyền Obama tiền nhiệm.
Thí dụ, Tổng thống Trump khi đó đã phê chuẩn bán tên lửa chống tăng cho Ukraine sau khi chính quyền Obama trước đó đã khước từ làm việc này. Cũng trong năm 2018, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung. Sau đó vào năm 2019, ông Trump ký Đạo luật Bảo vệ an ninh năng lượng châu Âu, trong đó có những lệnh trừng phạt ngăn chặn việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 nối Nga với Đức. Đây là một trong 52 hành động chính sách mà chính quyền Trump nhiệm kỳ 1 đã thực hiện để kiềm chế Nga.
Gần 3 năm sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, cỗ máy quân sự của điện Kremlin vẫn vận hành ổn dựa trên doanh thu từ năng lượng. Trong lĩnh vực năng lượng này, chính sách của ông Trump vẫn có thể gây tổn hại cho lợi ích của Nga. Chẳng hạn, ông Trump thường xuyên hứa hẹn giới thiệu một làn sóng mới khoan dầu khí tại Mỹ. Một khi sản lượng dầu khí của Mỹ tăng lên, nó có thể làm giảm giá dầu khí toàn cầu và ở Nga, từ đó ảnh hưởng đến khả năng của Nga theo đuổi hoạt động quân sự trên thực địa.
Khi quay trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ tăng cường hơn nữa các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào dầu mỏ Iran, từ đó làm giảm khả năng của Tehran cung cấp vũ khí và đạn dược cho Moscow.
Như vậy, một khi ông Trump lên nắm quyền lần 2, Nga có thể sẽ gặp thêm nhiều khó khăn mới trong xung đột với Ukraine, dù là theo cách gián tiếp.
Không chỉ vậy, tính cách Tổng thống đắc cử Trump có nhiều ngẫu hứng khó đoán định nên một số nhà quan sát thậm chí còn nhận định rằng trong tình huống ông Trump đã nhậm chức vào tháng 1/2025 mà không tìm kiếm được giải pháp nhanh chóng cho cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Ukraine thì ông ấy hoàn toàn có thể bất ngờ… quay sang thách thức Tổng thống Nga Putin và gia tăng viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Khi đó, nước Nga sẽ gặp khó khăn bội phần từ chính ông Trump - người tự nhận là “bạn thân” của ông Putin.
Về phần mình, điện Kremlin cũng tỏ rõ hoài nghi về khả năng ông Trump sẽ chấm dứt được xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov, cho rằng những tuyên bố như thế của ông Trump là mang tính “phóng đại” trong bối cảnh vận động tranh cử ở nước Mỹ.
Xem thêm:
>> Mỹ đang kéo phương Tây gần kịch bản đối đầu trực tiếp với Nga?
>> Nga quyết dập tắt lá bài mặc cả của Ukraine tại Kursk, không đóng băng xung đột
>> Nga quyết giải phóng Kursk trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ
Từ khóa: trump, ukraine, trump khó bỏ rơi ukraine, chính sách ông trump đối với ukraine, trump cứng rắn với nga, trump ukraine, tổng thống đắc cử mỹ, chính sách của trump, bầu cử mỹ 2024, chính quyền trump, xung đột nga ukraine, trump zelensky, chính sách nhất quán của mỹ, trump vẫn ủng hộ ukraine, những điều cần biết về trump
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: trung hiếu/vov.vn biên dịch
Nguồn tin: VOVVN