VOV.VN - Chiều tối nay (9/9), địa phận xã Sơn Cẩm (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) nước lũ lên cao khoảng 1,5 mét. Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đi Bắc Kạn chìm sâu trong biển nước. Nhiều tài xế xe tải, người dân muốn đi Bắc Kạn đều không có đường về.
Chiều tối nay (9/9), tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới, hướng đi Bắc Kạn thuộc địa phận xã Sơn Cẩm chìm trong nước lũ. Theo phản ánh của người dân, những đoạn nước lũ lên cao độ sâu gần 1,5 mét.
Nhiều người dân muốn đi các xã lân cận, hoặc vè Bắc Kạn đều bất lực dừng lại ở mép nước.
Nhiều người loay hoay tìm đường đi khác, song hầu hết các tuyến đường đều đã ngập lụt.
Anh Nguyễn Thành Đoàn (Bắc Kạn) - tài xế lái xe tải chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn cho biết, trên đường đi về Bắc Kạn, khi đến địa phận xã Sơn Cẩm để đi theo tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới thì gặp nước lũ lên cao: "Đường ngập sâu, theo người dân địa phương, nhiều điểm cao từ 1,5-1,8 mét. Tôi đã đứng ở đây đợi từ 11h trưa nhưng nước càng lúc càng lên cao. Để đi từ Thái Nguyên về Bắc Kạn chỉ có 2 tuyến đường, tuyến đi theo quốc lộ 3 cũ và tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, song cả 2 tuyến đường này đều đã ngập sâu. Đứng đợi tôi rất sốt ruột, muốn báo tin cho gia đình nhưng sóng điện thoại yếu không thể gọi, điện và mạng internet đều không có. Ở Bắc Kạn, gia đình tôi ở ngay gần đập chứa nước, mưa kéo dài, nguy cơ nước tràn rất cao, giờ tôi muốn về cũng không thể về được".
Đứng đợi hơn 3 giờ đồng hồ tại địa phận xã Sơn Cẩm, anh Hà Thanh Quảng ( huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, khi đi từ TP Thái Nguyên về nhà theo tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới thì vùng gặp nước ngập sâu buộc phải dừng lại. Bất lực nhìn dòng nước càng lúc càng lên cao, anh Quảng không khỏi lo lắng: "Ở Bắc Kạn mưa kéo dài liên tục, nhiều điểm sạt lở, nhiều ngôi nhà đã bị vùi lấp. Đứng đợi ở đây mà không thể về tôi rất lo lắng. Mọi đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn đều đã bị chia cắt. Tôi cố đợi thêm đến tối, nếu nước không xuống, có lẽ sẽ phải ở lại Thái Nguyên nhưng cũng không biết khi nào nước rút để về nhà".
Anh Nguyễn Văn Vũ (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, công nhân Công ty Gang thép Thái Nguyên) cho biết, trên đường đi làm về nhà thì gặp tuyến đường bị ngập sâu không thể đi qua: "Khu vực này nước lũ lên cao, một số thuyền nhỏ vẫn chở người đi vào, nhưng rất khó khăn, nhiều đoạn nước ngập quá đầu người. Tôi đứng chờ ở đây cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu nước rút, càng về tối nước càng lên cao. Ở Tức Tranh mất điện, mất mạng, tôi muốn liên lạc về để gia đình yên tâm cũng không có cách nào", anh Vũ lo lắng chia sẻ.
Người dân gia cố những chiếc thuyền nhỏ để làm phương tiện di chuyển.
Tại một số đập tràn, nước lũ lên cao, người dân bất chấp nguy hiểm ra đánh bắt cá.
Do mực nước sông Cầu tiếp tục dâng cao trong nhiều giờ qua nên nhiều xã, phường trên địa bàn TP Thái Nguyên đã bị ngập sâu.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, mực nước lũ trong sông Cầu lên cao, đã gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống của nhiều vùng dân cư sinh sống dọc theo hai bờ sông Cầu đi qua các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, TP Phổ Yên và TP Thái Nguyên...
Hiện nay, trên sông Cầu lũ đang lên nhanh và diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ và vận hành một số hồ chứa ở phía thượng lưu. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Thái Nguyên nhận định, đây là trận lũ có diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng từ mưa lớn cục bộ và vận hành điều tiết các hồ phía thượng lưu. Do vậy làm gia tăng mức độ ngập lụt ven sông kéo dài, có nguy cơ sạt lở bờ sông, đê bao, gây ngập úng vùng trũng thấp, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven các sông, suối và những điểm xung yếu như bờ ta luy cao, bãi thải.